Vẫn còn nhiều nhà giáo giữ được trọn chữ “tâm”

Tôi đã từng là một sinh viên, hiện nay là một giảng viên nên cũng đã hơn một lần chạm vào “cái” thực tế mà các bạn tranh luận. Cái thực tế ấy rất nhạy cảm bởi nó liên quan đến mối quan hệ được cho là thiêng liêng, đáng quý – mối quan hệ thầy – trò.

Thời gian gần đây, tôi đã theo dõi rất kỹ những thảo luận của độc giả dantri.com xung quanh vấn đề đi “chùa thầy”. Nhìn chung những ý kiến bình luận của bạn đọc về vấn đề này hết sức chân thật, sâu sắc, có nhiều đề xuất, khuyến nghị có giá trị. Song cũng có những ý kiến làm cho chúng tôi – những người đang làm nghề giảng dạy không khỏi trăn trở, suy nghĩ! Tôi muốn được chia sẻ với các bạn một vài suy nghĩ, quan điểm về vấn đề đi “chùa thầy” ở những điểm sau:

Thực trạng và nguyên nhân:

Hiện nay, vẫn chưa cho số liệu thống kê nào về hiện trạng đi “chùa thầy” trong trường học. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng vấn nạn này đang dần trở lên phổ biến. Sự phổ biến đó gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm sói mòn niềm tin của một bộ phận học trò, làm biến dạng mối quan hệ thiêng liêng, đáng quý, quan hệ thầy- trò. Đây là một hiện tượng đáng lên án và cần tìm giải pháp khắc phục. Tôi còn nhớ rất rõ những hình ảnh cách đây 15 – 20 năm thời tôi còn là học sinh phổ thông, cứ đến ngày 20/11 chúng tôi nô nức đến thăm thầy, cô giáo với những món quà rất nhỏ về giá trị vật chất (cuốn sổ, cây bút, chiếc nón, bó hoa…) nhưng với một tấm lòng rất lớn ở sự kính trọng, biết ơn. Tình cảm thầy – trò gắn bó thân thiết và sâu nặng.

1333608700.img
Song cần phải nói thêm rằng, hiện tượng thầy cô giáo nhận phong bì của phụ huynh, sinh viên, học sinh chỉ là số nhỏ, chỉ là “con sâu làm ràu nồi canh” trong thực tế vẫn còn rất nhiều thầy, cô đáng kính trọng. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ được chữ “tâm” trong sáng của người thầy. Từ thời còn là học sinh phổ thông đến khi là sinh viên đại học rồi là học viên cao học, tôi luôn gặp được những thầy, cô đáng kính, những người thầy hết lòng vì các thế hệ học trò, những người thầy luôn giữ được chữ “tâm” trong sáng. Họ là những tấm gương về đạo đức, lối sống và cách ứng xử trong mối quan hệ thầy – trò mà tôi luôn học tập, phấn đấu noi theo. Tôi đã nghe nói tới hiện tượng tiêu cực trong thi cử đã, đang diễn ra phố biến và công khai ở một số học viện, nhà trường nhưng ở nơi tôi làm việc – một Học viện lớn của quân đội hiện tượng này hầu như không có. Chúng tôi không nhận quà, phong bì của học viên nhưng mối quan hệ thầy – trò vẫn luôn gắn bó, thân thiết trên tình thương yêu đồng chí, đồng đội và sự quan tâm hết lòng của thầy, cô với các thế hệ học trò.

Khi đọc một số bài viết và ý kiến bình luận của các bạn sinh viên tôi thấy cách nhìn nhận của các bạn e là còn phiến diện. Tôi mong muốn xã hội cần nhìn nhận vấn nạn “phong bì” trong nhà trường một cách khách quan, công bằng hơn. Cần có cách nhìn đa chiều, khi xem xét đánh giá vấn đề này cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh xã hội nhất định, từ đó tìm ra nguyên nhân sâu xa của vấn nạn. Vậy ở đây, vấn nạn phong bì xuất hiện do đâu? Ai là thủ phạm: phụ huynh, học sinh, sinh viên hay giáo viên…? Câu hỏi này có thể có nhiều đáp án song theo tôi, vấn nạn này xuất hiện có nguyên nhân từ nhiều phía. Nguyên nhân trước tiên phải kể đến đó là sự thiếu bản lĩnh, thiếu kiên quyết hay thiếu chữ “tâm” của một số nhà giáo. Tiếp đến không thể không kể đến các bậc phụ huynh, các bạn học sinh, sinh viên. Bởi lẽ, chính sự kỳ vọng quá lớn vào con cái, muốn con cái có kết quả học tập tốt mà các bậc phụ huynh đã tìm mọi cách để “đi thầy”; những sinh viên, học sinh lười học muốn kết quả học tập cao hoặc sợ thi trượt nên cũng xúc tiến việc “đi thầy”. Do đó, chính họ cũng là thủ phạm đẩy nhanh sự phổ biến của vấn nạn phong bì trong xã hội. Nguyên nhân tiếp theo cũng cần kể đến đó là chế độ, chính sách cho nhà giáo hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, tiền lương và phù cấp so với những công việc mà các thầy, cô phải gánh vác cho gia đình và xã hội là chưa tương xứng. Có nhiều thầy, cô dựa vào tri thức của mình có thể làm thêm để tăng thu nhập nhưng cũng có những thầy cô không phát huy được nên gặp nhiều khó khăn trong chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn phong bì.

Đi tìm giải pháp

Vấn nạn phong bì là vấn đề rất tế nhị liên quan đến mối quan hệ thiêng liêng, đến tình cảm thầy – trò. Do vậy, để tìm được giải pháp khả thi cho vấn nạn này cần có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ, đặc biệt cần có cái nhìn đa chiều để thấu hiểu được gốc gác, nguồn cội của vấn đề. Theo tôi, để có được giải pháp khả thi cho vấn đề này đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu bài bản, công phu mà trước hết cần tập trung thực hiện một số công việc cơ bản như sau:

Một là, cần thực hiện một khảo sát xã hội học ở tầm quốc gia về vấn nạn “Phong bì” để tìm hiểu rõ thực trạng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này. Những thông tin, số liệu thu được từ khảo sát sẽ là cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chính sách, đề xuất các giải pháp khắc phục vấn nạn này.

Hai là, nhà quản lý cần thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng, chống các hành vi tiêu cực trong nhà trường, tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh, sinh viên và cộng đồng xã hội về tác hại của những hành vi này.

Ba là, phụ huynh, học sinh, sinh viên và giáo viên cần mạnh dạn đấu tranh, “nói không” với những hành vi tiêu cực trong trường học. Ở đây vai trò của các thầy, cô giáo có ý nghĩa quyết định. Thầy, cô hãy thể hiện mình là người thầy có “tâm” và luôn phấn đấu giữ cho chữ “tâm”trong sáng hay nói cách khác nếu thầy, cô giáo nghiêm khắc thì vẫn nạn phong bì sẽ khó mà tồn tại được.

Bốn là, Nhà nước và Bộ giáo dục & Đào tạo cần có thêm các chính sách chăm lo hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên, để họ yên tâm công tác, gắn bó, tận tâm, tận lực với nghề.

Năm là, nhà trường là một thiết chế xã hội trong tổng thể xã hội nên chịu sự tác động lớn của môi trường xã hội. Do vậy, muốn môi trường nhà trường trong sạch, lành mạnh thì Nhà nước cần có những chính sách tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh. Khi các hiện tượng tham ô, tham nhũng không còn, khi môi trường xã hội rộng lớn trong sạch, lành mạnh thì vấn nạn phòng bì không chỉ trong nhà trường mà toàn xã hội sẽ tự khắc biến mất.

Cuối cùng, vấn nạn phong bì chỉ bị đẩy nếu có sự tham gia của đông đảo cộng đồng xã hội xây dựng một xã hội minh bạch, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vì sự phát triển chung của đất nước. Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam kính chúc các thầy, cô giáo trên khắp mọi miền đất nước có sức khoẻ tốt để thực hiện tốt sự nghiệp “trồng”người.

ThS.Thân Trung Dũng
Khoa Công tác Đảng, Công tác Chính trị – Học viện Hậu cần, Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội

Nguồn: dantri.com.vn, 2010