Thủy triều đỏ làm cá chết?
Nhiều nhà khoa học bày tỏ sự thất vọng về kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung có thể do hiện tượng thủy triều đỏ, chứ không liên quan đến Formosa
Đúng 19 giờ 57 phút tối 27-4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức họp báo thông báo kết luận nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chếttại biển miền Trung. Cuộc họp chậm 57 phút so với dự kiến ban đầu nhưng chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút và phóng viên báo chí không được đặt câu hỏi.
Cá chết do thủy triều đỏ?
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết qua nghe báo cáo của Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), ý kiến của các địa phương, các nhà khoa học, đồng thời qua thảo luận loại trừ nhiều nguyên nhân khác có thể xảy ra, các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.
Chủ trì họp báo, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho rằng chưa có bằng chứng Formosa liên quan tới cá chết hàng loạt. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Đáng lưu ý là sau khi đưa ra 2 nguyên nhân trên, Thứ trưởng Nhân khẳng định: “Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt”.
Ông Nhân cũng thông tin qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định. Ông Nhân cũng lưu ý thêm đây là vấn đề phức tạp, đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới nên đòi hỏi phải có thời gian để xác định nguyên nhân. “Do vẫn chưa biết rõ nguyên nhân nên tới đây, Bộ KH-CN sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để thực hiện các nghiên cứu nói trên. Nếu cần thiết, sẽ huy động các tổ chức khoa học quốc tế để kiểm chứng” – ông Nhân nhấn mạnh.
Vào cuộc quá chậm trễ
Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Người Lao Động tối 27-4, ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN-MT), cho biết 2 nguyên nhân được Bộ TN-MT công bố trên đều có xuất phát chung từ các chất thải hoặc tác động của các chất độc hại. “Bản thân hiện tượng thủy triều đỏ là do một phần từ các chất thải kết hợp với diễn biến nhất định của thời tiết. Các chất thải đó bao gồm nitrat và phosphate. Tuy đó là chất thải thông thường, hoàn toàn không phải chất thải trong danh mục độc hại nhưng khi hàm lượng quá cao sẽ khiến tảo trong biển phát triển nhanh, dẫn đến thiếu ôxy trong nước và cá chết” – ông Loãn lý giải.
Ông Loãn cũng cho rằng để tìm ra nguồn gây độc hại không dễ nhưng nếu không tìm ra nhanh thì nguy cơ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề và lâu dài đến sự sống của động vật, sinh vật biển, sinh kế của người dân… “Hiện tượng cá chết thực ra cũng xảy ra nhiều trên thế giới rồi. Tuy không có thời gian cụ thể để tìm ra nguyên nhân bởi còn phụ thuộc vào điều kiện, tình huống riêng… nhưng hầu hết các nước đều vào cuộc xử lý rất nhanh. Chúng ta quá chậm trễ, chính thức có thông tin cá chết từ ngày 6-4 nhưng hơn chục ngày sau các bộ, ngành mới vào cuộc thì tất nhiên không thể có kết quả sớm được” – nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm đánh giá thêm.
Thiếu minh bạch, người dân sẽ nghi ngờ
Trong khi đó, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho rằng thủy triều đỏ là hiện tượng có thể nhận biết bằng mắt thường và hoàn toàn có thể được các sở TN-MT địa phương ghi nhận. “Tuy nhiên, không hề thấy ghi nhận, cảnh báo hiện tượng này từ trước mà giờ lại nêu đó là một trong những nguyên nhân gây cá chết thì có thể không thuyết phục” – ông Đăng nói.
Ngoài ra, theo ông Đăng, điều cần làm hiện nay là ngoài việc tiếp tục làm rõ nguyên nhân thì cần gấp rút kiểm soát quy trình xả thải từ các nhà máy, đặc biệt là xả thải từ việc súc xả đường ống của Formosa để hạn chế tối đa tác động đến môi trường.
GS-TSKH Lê Huy Bá, chuyên gia độc lập, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP HCM), bày tỏ sự thất vọng bởi Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân đã không có được sự giải thích minh bạch, rõ ràng về nguyên nhân gây chết cá hàng loạt ở miền Trung. “Cần lấy khoa học để chứng minh tính khoa học của nó mới thuyết phục được nhân dân. Nếu có ai đúng, ai sai; sai như thế nào, tìm ra nguyên nhân hay chưa tìm ra, hay như thế nào… cũng cần công bố tường tận, chân thực một cách khoa học. Đây là đòi hỏi chính đáng của dư luận. Nếu các nhà quản lý trả lời như thế là chưa minh bạch và người dân sẽ nghi ngờ” – ông Bá bức xúc.
Nói về những hệ lụy của việc chậm công bố nguyên nhân gây chết cá, ông Lê Huy Bá nhấn mạnh: “Ngư dân đã nghèo lại càng nghèo thêm khi bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng sinh kế. Họ đã mong chờ từng giây để được biết nguyên nhân gây chết cá, ai gây ra, nó độc như thế nào, còn nguy hiểm không, có tiếp tục đánh bắt cá hay nuôi trồng hải sản hay không, có tắm biển được không… Rất nhiều câu hỏi cần giải đáp nhưng đã không có câu trả lời. Nếu không sớm giải đáp thì thiệt hại sẽ nặng nề vô cùng”.
Thủy triều đỏ không làm chết người
Liên quan đến việc người dân miền Trung tử vong sau khi lặn biển, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Trần Thế Loãn cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến người lặn biển chết. Thực tế, bản thân họ lặn ở độ sâu đã tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe và tính mạng. Tuy nhiên, trước nay chưa hề ghi nhận trường hợp tính mạng con người bị ảnh hưởng do thủy triều đỏ. Do đó, cần có sự xác định rõ ràng nguyên nhân gây ra cái chết đó để cảnh báo, trấn an người dân miền Trung.
Cú đấm mạnh vào kinh tế biển miền Trung
TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, cho rằng tình trạng cá chết đang tác động tiêu cực đến môi trường biển cũng như kinh tế biển các tỉnh miền Trung. Theo TS An, ngư dân miền Trung sinh kế chủ yếu vào tài nguyên biển mà cá đáy, sinh vật đáy, nền tảng sinh vật đáy đóng vài trò đến 90%. Trong khi đó, việc cá tầng đáy chết hàng loạt chứng tỏ hệ sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng. “Kinh tế biển miền Trung bị một cú đấm rất mạnh, người dân có nguy cơ mất sinh kế, du lịch ảnh hưởng… Việc khôi phục có được hay không còn phụ thuộc vào sự cố gắng và xác định được chất gây hại, mức độ gây hại như thế nào” – TS An nhận xét.
Về nguyên nhân dẫn đến thủy sản chết hàng loạt, TS An nhận định: “Việc sinh vật tự nhiên, hệ sinh thái bị tác động hủy diệt hàng loạt như vậy có nguyên nhân chất lượng môi trường biển thay đổi. Môi trường biển thay đổi có 2 nguyên nhân: do nguồn thải từ ngoài khơi tác động vào như tràn dầu, hoặc các hoạt động ven bờ. Đối với ven bờ, tác động như thế nào làm thủy sản chết hàng loạt, phạm vi lớn như vậy thì chất thải phải rất độc, rất nhiều, lan truyền nhanh và có hiệu ứng môi trường. Tôi cho rằng việc thủy sản chết ở đây là dấu hiệu tác động bột phát của quá trình tác động tích lũy về không gian, thời gian của các yếu tố độc hại. Chúng ta cần xác định nguyên nhân, thời điểm và mức độ gây hại để có đối sách phù hợp”.
Theo TS An, hiệu quả kiểm soát, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường có nhiều điều đáng nói. Với cách quản lý như hiện nay, cơ quan chức năng dường như không kiểm soát được hoạt động kinh tế, công nghiệp thải những gì, thải lúc nào. Tác động của các khu công nghiệp ven biển đối với môi trường, các nhà khoa học đã cảnh báo liên tục.
TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải Dương học, cho rằng việc thủy sản chết hàng loạt đã từng xảy ra ở nhiều tỉnh thành ở nước ta nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết ở số lượng và không gian lớn như vậy. “Chúng tôi đang tập hợp tư liệu cũng đưa ra nhiều giả thuyết khoa học nhưng lúc này chưa để công bố kết luận gì vì chưa đủ căn cứ khoa học” – TS Tuấn nói. K.Nam ghi
Xem clip buổi họp báo