Thần tượng quân phục lính Hàn – Sự thất bại của nền giáo dục VN?
|
Trong những ý kiến phê bình làn sóng khoác lên mình bộ quân phục Hàn để chụp ảnh đáng chú ý nhất phải kể đến của anh Trần Quang Thi – một nhà báo, viết trên facebook của mình, anh Thi đã kể lại một phần của lịch sử đau thương của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Lính Đại Hàn tra tấn người dân Việt Nam vô tội
“Trong chiến tranh Việt Nam, lính Đại Hàn tượng trưng cho tội ác, nỗi khiếp đảm của người dân từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Chỉ cần một tên bị giết, lính Hàn sẽ đem cả làng bị nghi ngờ ra xử bắn. Xả súng, ném lựu đạn thảm sát hàng loạt, hãm hiếp phụ nữ đến chết, xé đôi trẻ con… những gì ghê tởm nhất của thảm sát, của chiến tranh đều có thể tìm thấy ở những nơi lính Hàn càn quét, giết chóc.
Có những làng mà sau một trận càn của lính Hàn hoàn toàn bị xóa sổ. Thân nhân của người chết ba ngày sau trở lại làng chỉ thấy vắng lặng, tan hoang, cả làng nồng nặc mùi tử khí do xác người bị phân hủy, lũ chó gặm xác người chạy đi…
Có những phụ nữ mang thai bị găm trên mình loang lổ mảnh lựu đạn của lính Hàn, chịu đựng 10 tiếng đồng hồ, đến khi lính Hàn rút đi thì mẹ chết đứa con trong bụng cũng chết.
Tôi kể ra đây không phải là để kích động lòng thù hận. Đó không phải là chủ ý. Nhưng những gì là sự thật lịch sử thì nó là sự thật lịch sử. Và trở lại câu hỏi: Chúng ta ứng xử với lịch sử dân tộc như thế nào?”.
Những điều trên hoàn toàn đúng với sự thật của lịch sử, lính Hàn khi đó thực sự là một nỗi kinh hoàng đối với những người dân vô tội. Tuy nhiên, cách mà Đại Hàn ứng xử trước những hành động man rợ của lính Hàn tại Việt Nam là rất đáng trách.
Nếu như sự tàn bạo của lính Mỹ với thường dân Việt Nam đã hứng chịu sự trừng phạt của dư luận Mỹ và quốc tế chỉ sau một thời gian ngắn, thì những vụ việc tương tự do lính Đại Hàn gây ra đã không được nhắc tới sau một thời kỳ dài.
Nhiều sao Việt vô tư khoác lên mình áo lính Hàn Quốc
Trong vài thập niên sau chiến tranh, do chính sách của các nhà cầm quyền, người dân Hàn Quốc hầu như không có thông tin gì về các hoạt động trong quá khứ của binh lính Đại Hàn tại Việt Nam. Phải tới đầu những năm 2000, những bằng chứng về tội ác mới bắt đầu được truyền thông Hàn Quốc đưa ra qua tiết lộ của các cựu quân nhân Hàn Quốc ở Việt Nam.
Thế nhưng, họ chưa bao giờ thừa nhận và đưa ra lời xin lỗi cho những tội ác mà binh lính của họ đã làm tại Việt Nam! Nếu có thì chỉ là những quân nhân từng gây tội ác, nay bị lương tâm cắn rứt!
Mới đây vào tháng 4-2015, hai nạn nhân là Nguyễn Thị Thanh (Quảng Nam), Nguyễn Tấn Lân (Bình Định)… những nhân chứng bị mất người thân (mẹ, em, dì…), bản thân bị thương qua những trận càn quét của lính Hàn năm 1969 đã được đưa qua Seoul để kể về sự thật của lịch sử. Tuy nhiên, những cựu chiến binh Hàn tiếp tục tụ tập phản đối và la ó: Không có thảm sát!
Sự thất bại của một nền giáo dục
GS Phan Huy Lê từng nhận xét sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) định khai tử môn Lịch sử trong giáo trình các bậc phổ thông: “Lịch sử, đó là cội nguồn sức sống của dân tộc, là nền tảng trường tồn của đất nước. Yêu mến lịch sử là một truyền thống quý giá của nhân dân ta. Nay, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục lại xóa bỏ môn Lịch sử.
Nhìn ra thế giới, hầu hết các nước văn minh đều coi Lịch sử là một trong những môn học cơ bản và bắt buộc trong nền giáo dục phổ thông. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới và của chính Việt Nam khẳng định môn Lịch sử phải có vị thế xứng đáng. Môn Lịch sử phải là một môn khoa học với tính toàn diện và hệ thống của nó phải là một môn học cơ bản hay cốt lõi theo cách diễn đạt trong chương trình đổi mới của Bộ GD&ĐT”.
Đó là cách những nhà làm giáo dục đối xử với môn Lịch sử tại Việt Nam, một sự thất bại hoàn toàn. Khi không hiểu được lịch sử thì con người không hiểu được cội nguồn của mình ra sao, đã không hiểu cội nguồn thì lấy đâu ra tinh thần tự tôn dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn?
Hãy nhìn Hàn Quốc ứng xử thế nào với việc người Nhật không thừa nhận những tội ác của lính Nhật tại Hàn Quốc trong giai đoạn 1905-1945. Trước hết, lịch sử vùng Đông Bắc Á thế kỷ XX là những hận thù đan xen lẫn nhau giữa các quốc gia láng giềng. Người Hàn, người Trung Quốc căm thù những gì người Nhật đối xử với họ trong Thế chiến II.
Và đến bây giờ họ vẫn phản ứng kịch liệt người Nhật bởi những tội ác lính Nhật gây ra, mỗi khi Nhật thay đổi nội dung sách giáo khoa, những người Hàn biểu tình phản ứng dữ dội. Đến những tay găng tơ ở Hàn cũng giận dữ chặt ngón tay mình, nói lên cái phẫn uất của quốc gia với người Nhật.
Khi người Nhật chưa thừa nhận đúng mức chuyện bắt phụ nữ Hàn làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II, người Hàn dựng luôn một bức tượng cô gái Hàn bị bắt làm nô lệ tình dục trước cổng Đại sứ quán Nhật ở thủ đô Seoul, để mỗi ngày người Nhật đi qua phải đối diện với bức tượng đó. Người Hàn còn nhân nhiều phiên bản bức tượng này ra thế giới, làm thêm bức tượng cô gái Trung Hoa bên cạnh để tố cáo tội ác của lính Nhật.
Có thể thấy với mức độ phản ứng dữ dội như thế, chuyện một ngày truyền hình Hàn hay Trung quốc sẽ chiếu một bộ phim ca ngợi lính Nhật, dù đó là hình ảnh trong thời bình với những câu chuyện hẹn hò, ý thức trách nhiệm tổ quốc và cứu hộ chắc chắn không bao giờ xảy ra. Thế nhưng bộ phim “Hậu duệ mặt trời” lại sắp được phát sóng ở Việt Nam.
Rõ ràng, trong việc giáo dục thế hệ trẻ biết về lịch sử của dân tộc, những nỗi đau, mất mát của đồng bào mình trong chiến tranh của Việt Nam đang hoàn toàn thất bại. Đừng bao giờ hy vọng người Trung Quốc hay người Hàn khoác lên mình bộ quân phục Nhật để chụp ảnh, cho dù chỉ để giải trí.
Việc không hiểu lịch sử, lỗi lớn nhất thuộc về người làm giáo dục, văn hóa. Nhưng đừng nói giới trẻ chúng ta không có trách nhiệm. Nếu là một người được giáo dục tốt và có lòng tự tôn dân tộc, trân trọng lịch sử đất nước thì sẽ tự mình tìm hiểu gốc rễ, cội nguồn của mình. Không biết những người làm giáo dục, văn hóa tại Việt Nam có cái nhìn như thế nào qua sự việc này, liệu họ có thay đổi được tư duy làm giáo dục của mình hay không, hay vẫn chấp nhận quá nhiều yếu tố ngoại lai trong sinh hoạt văn hóa.
Còn qua việc giới trẻ, nghệ sĩ trong showbiz Việt “cuồng” “Hậu duệ mặt trời” sau đó chụp ảnh với bộ quân phục Hàn thì xin trích lời của anh Nguyễn Quang Thi: “Mọi người khi coi bộ phim thì cũng nên biết những gì đã diễn ra với đất nước mình. Hãy nghĩ đến những đồng bào mình đã bị thảm sát oan khuất thế nào mà không có được một lời ăn năn, một sự sám hối của những kẻ gây ra tội ác.
Cùng ai đó, xin hãy còn giữ lại chút nào của lòng tự trọng dân tộc ở mỗi hành vi, mỗi lựa chọn hàng ngày mà cá nhân chúng ta còn có thể…!”.
Đừng mù quáng với ‘Hậu duệ Mặt trời’
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu- Nghệ An cho rằng, việc thần tượng nhân vật trong phim “Hậu duệ Mặt trời” không có nghĩa chúng ta mù quáng, khoác lên người bộ quân phục lính Hàn đã từng gây tội ác với nhân dân ta.
Đừng thần tượng hóa tấm áo lính Hàn!
Chúng ta không nên mang đôi mắt thù hằn vào rạp hát nhưng cũng đừng thần tượng hóa tấm áo từng vấy máu đồng bào.
Ba vụ thảm sát không thể lãng quên (Kỳ 2)
Sau nhiều thập niên bắt phải im tiếng thì từ mùa xuân năm 2000, những trang sử đen tối trong lịch sử quân đội Hàn Quốc đã gây ra cho thường dân Việt Nam được lần giở. Những tiết lộ đó đã gây ra nhiều tranh cãi ở Hàn Quốc, nhưng sau đó một phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” đã dấy lên ở Hàn Quốc.
Tác giả: Cẩm Tú
Nguồn: Năng lượng Mới 510