Thân phận phụ nữ qua những bức tranh ẩn dụ về tình yêu gây bão
Bức tranh ẩn dụ thâm thúy về tình yêu và hôn nhân đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hãy cùng chiêm ngưỡng và suy ngẫm nhé!
Bức tranh ẩn dụ thâm thúy về tình yêu gây bão mạng xã hội
Bức tranh này được vẽ bởi một họa sĩ ngoại quốc. Trong bức tranh là hình ảnh một chàng trai bị còng một vào cây trên cạn, còn một tay anh cố vươn ra để nắm giữ bàn tay một cô gái đang chìm dưới nước. Một bên chân cô gái bị xiềng xích níu lại. Thoạt nhìn, bạn có lẽ không để ý đến một chi tiết rất nhỏ trong bức tranh. Nhỏ nhưng dường như lại khiến bạn phải suy nghĩ lại sau khi phát hiện ra chi tiết ấy. Đó là: “Một bên tay cô gái đang cầm chiếc chìa khóa để giải cứu chàng trai.”
Tôi vốn là một người yêu thích nghệ thuật, đặc biệt là những bức tranh. Khi cư dân mạng bắt đầu đua nhau like và bình luận về bức tranh ẩn dụ thâm thúy này, tôi cũng đã ngắm nghía nó rất lâu, nghĩ ra đủ mọi tình huống có thể để cắt nghĩa cho bức tranh ẩn dụ tài tình ấy.
Suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi, và cũng giống suy nghĩ của nhiều người khi nhìn bức tranh này: Đó là sự tin tưởng lẫn nhau, tính ích kỷ, nhỏ nhen của con người trong tình yêu đôi lứa. Cô gái nắm trong tay chiếc chìa khóa cứu chàng trai, nhưng cô lại không hề đưa nó cho anh, vì cô sợ anh ta sẽ bỏ rơi cô chết chìm trong dòng nước đó. Chàng trai vẫn cố nắm giữ lấy bàn tay cô gái, phải chăng chỉ đơn giản là do anh ta muốn cô gái đưa chiếc chìa khóa cho mình? Nếu như anh ta không hề biết cô có chìa khóa thì sao? Lẽ dĩ nhiên, bức tranh này lại chuyển hướng suy nghĩ của người xem. Người đàn ông trong tranh thật sự muốn cứu cô gái, không để cô chết chìm dưới nước.
Cô gái nắm trong tay chiếc chìa khóa giải cứu cho chàng trai
Nếu hai người cứ nắm giữ như vậy, cả hai sẽ cùng chết. Suy nghĩ thứ hai lóe lên trong tôi là bài học buông – nắm, cho – nhận trong cuộc sống nói chung, và trong tình yêu nói riêng. Khi con người ta không biết buông đúng lúc, chỉ vì tính ích kỷ của bản thân, muốn nắm giữ những thứ không thuộc về mình, thì họ sẽ chết chìm trong một cuộc sống bế tắc. Cả chàng trai và cô gái trong bức tranh này đều đang cố gắng níu giữ không đúng lúc. Họ tiếp tục gắng gượng với một mối quan hệ không có kết quả, thì hậu quả là cả hai sẽ cùng chết khi họ kiệt sức. Và dù cho chàng trai có buông tay cô gái, rồi anh cũng sẽ chết rũ bên gốc cây vì chiếc chìa khóa đã theo cô gái chìm xuống nước.
Chỉ cần một chút hy sinh đúng nghĩa thôi, nếu người con gái trong tranh thật sự yêu chàng trai, cô sẽ đưa anh chiếc chìa khóa và tình nguyện chết để chàng trai được sống. Suy nghĩ này lại hướng con người ta đến vấn đề về sự hy sinh trong hôn nhân hay tình yêu đôi lứa. Nhiều phụ nữ luôn tự cho mình cái quyền hy sinh vì đàn ông, và tư cách đòi nợ người đàn ông về những hy sinh của họ, nhưng đó có thật sự là hy sinh đúng nghĩa không khi chúng trở thành gánh nặng và món nợ?
Bạn biết không? Tác giả của bức tranh ẩn dụ thâm thúy này, Chris Hernandez đã lý giải về những ý nghĩa ẩn dụ ông gửi gắm qua bức tranh: “Bức tranh này là một hình ảnh ẩn dụ. Chìa khóa cô gái nắm giữ là hình ảnh ẩn dụ cho con cái. Xiềng xích giữ chân cô gái là mẹ cô. Cái còng tay chàng trai là ẩn dụ cho những bất mãn của anh ta. Hồ nước biểu thị những vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ của hai người, còn cái cây là lòng tự trọng của đàn ông.”
Tôi nghĩ hẳn tác giả phải bất ngờ lắm nếu biết rằng chỉ một bức tranh ẩn dụ đó thôi, người xem có thể liên tưởng ra rất nhiều trường hợp, đến mức dấy lên những cuộc tranh luận, bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Nếu hiểu theo nghĩa ẩn dụ mà tác giả gửi gắm vào bức tranh ấy, chắc là người xem sẽ phải ngẫm nhiều hơn về cô gái trong tranh.
Người đàn ông dù có cái tôi cao ngất ngưởng, dù cuộc hôn nhân của họ đã đầy rẫy những vấn đề tiêu cực, nhưng anh ta vẫn cố gắng hoàn thành trách nhiệm với vợ con. Con cái là của cả hai vợ chồng, nhưng cô gái lại giữ khư khư đứa con bên mình, để nó chết chìm theo cô. Nếu cái hồ nước là vấn đề tiêu cực của hai người, tại sao chỉ mình cô gái chết chìm dưới đó? Vì cô gái chỉ biết răm rắp nghe theo lời nói của cha mẹ, mà không có chính kiến của riêng mình. Cô tự đẩy những tiêu cực của hôn nhân đến cao trào và rồi tự chết chìm trong đó. Chàng trai đang giang tay liệu có thật sự muốn cứu cả hai mẹ con, hay anh đang hy vọng người vợ sẽ giải thoát cho đứa con? Nếu cô gái trao chiếc chìa khóa cho chàng trai, đồng nghĩa cô sẽ chết chìm, thì tôi nghĩ bức tranh này lại khéo léo ca ngợi những ông bố đơn thân, và đức hy sinh của người mẹ. Nhưng tiếc thay, cô gái không làm vậy.
Thế nên bức tranh một lần nữa lại đặt ra câu hỏi: Khi cuộc hôn nhân đã không thể cứu vãn được nữa, con người ta có nên cố gắng gượng không hay nên giải thoát cho nhau? Người phụ nữ có nên đánh mất chính mình, trao mạng sống và hạnh phúc vào tay người khác?
Bức tranh thứ hai, bức tranh đáng ngẫm về cuộc hôn nhân bế tắc và thân phận ngườiphụ nữ
Khi những lời bàn tán về bức tranh thâm thúy kia vẫn chưa hết nóng, cư dân mạng lại tiếp tục xôn xao với bức hình về hai con chim ẩn dụ cho những vấn đề của cuộc hôn nhân bế tắc.
Hình ảnh hai con chim ẩn dụ về hôn nhân
Bức tranh mô tả hai con chim được giữ thăng bằng trên một chiếc bập bênh, phía dưới là hồ nước, một con đang ở trong lồng còn một con đậu bên ngoài lồng, nhưng chưa bay đi vì đang cố giữ thăng bằng cho chiếc bập bênh. Nếu con chim ngoài lồng bay đi, thì con chim trong lồng sẽ chết chìm.
Những ý kiến trái chiều về hình ảnh hai con chim này cũng xoay quanh vấn đề hôn nhân. Nếu bạn là con chim bên phải, bạn sẽ làm gì? Đứng đó để giữ thăng bằng cho con bên kia sống sót, rồi cả hai sẽ cùng chết hay bạn sẽ bay đi?
Bức tranh ẩn dụ này có sự khác biệt với bức tranh ở trên, đó là hai con chim không có sự ràng buộc về sự sống. Nếu như chàng trai ở bức tranh trên buông tay mà cô gái không đưa chiếc chìa khóa, chàng trai cũng sẽ chết rũ tại đó. Nhưng bức tranh này thì khác, con chim bên phải hoàn toàn tự do và có thể bay đi. Nhưng nó chưa bay. Vì sao?
Có rất nhiều người cho rằng vì nó vẫn còn tình yêu với con chim trong lồng. Tôi thì cho rằng vì nó đang phải gồng gánh những trách nhiệm và cuộc đời của con chim kia, nên nó chưa thể bay. Bạn nghĩ mà xem! Nếu con chim ngoài lồng ấy vẫn còn tình yêu, vẫn muốn níu giữ cuộc hôn nhân này, cớ sao nó không chui vào lồng để giữ thăng bằng, mà lại phải đứng ngoài lồng? Có một chi tiết mà không nhiều người chú ý ở chiếc lồng đang nhốt con chim bên trái. Con chim hoàn toàn có thể quay lưng lại, mở nắp cửa lồng và bay đi. Việc này đồng nghĩa cả hai sẽ được tự do. Nhưng nó không làm vậy. Nó hướng đôi mắt về con chim ngoài lồng, nó tự giam hãm mình trong chiếc lồng và trao mạng sống của mình cho con chim kia.
Có người ví con chim trong lồng là hình ảnh ẩn dụ về những người phụ nữ đã quen với thói dựa dẫm vào đàn ông. Họ không làm chủ được cuộc đời mình, trao số phận và hạnh phúc của mình cho người khác gồng gánh. Câu hỏi đặt ra ở bức tranh này không chỉ đơn giản là bạn sẽ làm gì nếu bạn là con chim ngoài lồng? Tôi nghĩ câu hỏi lớn nhất mà bức tranh ẩn dụ này đặt ra là “Phụ nữ có nên đánh mất chính mình, sống dựa dẫm vào người khác, thậm chí hạnh phúc của bản thân cũng không làm chủ được?”
Tranh ảnh vốn dĩ là nghệ thuật. Nghệ thuật thì tha hồ cho con người ta cảm nhận, bình luận, suy ngẫm. Dù ý kiến của bạn là gì, thì tôi tin câu hỏi lớn nhất đặt ra ở cả hai bức tranh ẩn dụ thâm thúy trên là số phận của phụ nữ sau khi lấy chồng. Từ xưa, người Việt Nam luôn cho rằng: phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, hay kết hôn như đánh bạc với cuộc đời, may mắn thì hạnh phúc, đen đủi thì khổ cả đời. Ngẫm những câu nói ấy mà tôi thấy xót xa thay cho thân phận người phụ nữ, những người không làm chỉ được cuộc đời và không thể hạnh phúc được với chính mình.
Họ vừa đáng trách, vừa đáng thương: đáng trách vì sống vô trách nhiệm với chính mình, đáng thương vì họ không làm chủ được cuộc đời và hạnh phúc của bản thân, mà phải phụ thuộc vào người khác, như thể con chim trong lồng mong chờ sự cứu vớt của con chim ngoài lồng. Nếu cả hai con chim cùng chết, cái chết của con chim ngoài lồng là cái chết thừa thãi và vô ích. Thế mới nói, hôn nhân không thể trở thành gánh nặng, vì bản chất của hôn nhân là hướng tới hạnh phúc cho cả hai, và sự tự nguyện từ đôi bên. Bạn có nghĩ rằng hai con chim sẽ hạnh phúc trong cảnh bế tắc ấy không? Hay chúng đang gắng gượng trong một mối quan hệ không có kết quả?
Thông qua hai hình ảnh ẩn dụ thâm thúy trên, tôi nghĩ người phụ nữ Việt Nam nên xem lại chính mình và cách nhìn nhận của họ về hôn nhân và hạnh phúc. Đừng hạ thấp và đánh mất bản thân mình vì người khác. Và đừng nên trở thành gánh nặng cho người khác, bởi nếu được lựa chọn, không ai lại muốn sống cùng một con ký sinh trùng, sống trên lưng vật chủ nhưng hút dần hút mòn sự sống của vật chủ.
Đàn ông hay đàn bà, đều là con người, và đều có quyền làm chủ cuộc đời và hạnh phúc của bản thân!
Theo Ngôi sao