Sinh con gái được tiền: Phần thưởng hay xúc phạm?
Đề xuất hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái được đề cập tại Dự thảo Luật Dân số lần 3 vừa đưa ra lấy ý kiến đã gây nhiều tranh cãi.
Sinh con gái được hỗ trợ tiền: Phần thưởng hay xúc phạm? |
Bất cập xã hội, tiền không thể giải quyết
Nhận định về đề xuất trên, ông Thân Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức (ITCD), (Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) khẳng định, chính sách này không những không làm giảm mất cân bằng giới tính mà sẽ gián tiếp khắc sâu thêm sự bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ trong xã hội.
“Nếu tất cả những bất cập trong xã hội đều mang tiền ra giải quyết thì không có ngân sách nào có thể kham được. Trường hợp này cũng vậy. Ngân sách Nhà nước sẽ tốn một khoản tiền khổng lồ mà không mang lại hiệu quả. Bởi nếu gia đình muốn có con trai thì kể cả sau khi nhận tiền, họ vẫn “cố” bằng được để có con trai”, ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, GS. Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và phát triển cho rằng, với những gia đình vốn có tư tưởng phải có con trai thì tiền bao nhiêu cũng là không đủ.Bà Quý nhận xét: “Nếu làm không khéo, việc thưởng tiền sẽ trở thành chủ đề dèm pha, trêu chọc. Như vậy, không chỉ bố mẹ mà cả những bé gái cũng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. Chúng sẽ rụt rè, tự ti chứ không phải tự hào khi bố mẹ được thưởng tiền. Hoặc nếu thưởng nhưng không giáo dục thì số tiền đó cũng không mang lại ý nghĩa”.
Theo GS. Quý, thưởng tiền chỉ nên dành cho những gia đình chủ động dừng sinh hoặc đã ký cam kết sẽ không “cố” có con trai. Đặc biệt, nên thưởng cho những gia đình trí thức. Bởi phần lớn, với thành phần này, khi sinh con họ sẽ không quan trọng cần phải có con trai.
Tôi cho rằng, cần phải làm một cuộc điều tra xã hội học. Hỏi những gia đình sinh toàn con gái có cần hỗ trợ tiền không? Mong muốn của họ là gì để có những chính sách phù hợp, hiệu quả. Chứ đừng đưa ra những quy định kiểu như: “Cấm hút thuốc lá nơi công cộng”, “Xử phạt nếu nói tục, chửi bậy”…”.
Ông Thân Trung Dũng |
Theo các chuyên gia xã hội học, để giảm tỷ số mất cân bằng giới tính ở Việt Nam, cần hoàn thiện cơ sở luật pháp liên quan đến vấn đề này. Ví như, hiện nay, siêu âm phát hiện giới tính thai nhi bị cấm ở nước ta, nhưng “luật có cũng như không”. Các dịch vụ nạo, phá thai gần như không có giới hạn, điều kiện nào. Vì vậy, những hành vi này cần được xử lý nghiêm. Ngoài ra, tuyên truyền nhận thức cho người dân cũng phải đẩy mạnh hơn nữa.
Ảnh: Trung Dũng
Hàn Quốc, Trung Quốc đều làm vậy!
Là cơ quan đưa ra đề xuất hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con gái, lãnh đạo Tổng cục Dân số lý giải, đây là kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, nhằm giải quyết tâm lý người cao tuổi và người dân nói chung muốn có con trai để nối dõi tông đường, sinh nhiều con để bảo vệ, chăm sóc, bố mẹ.
Ông Lê Cảnh Nhạc, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), dẫn giải: Thực trạng mất cân bằng giới tính của Việt Nam chậm hơn so với các quốc gia trên thế giới khoảng 20 năm nhưng tốc độ rất nhanh. Nó tác động đến cơ cấu giới tính của chúng ta hiện nay. Vì vậy, để giải quyết tốt vấn đề mất cân bằng giới tính, chính là nâng cao vị thế của người phụ nữ.
Trước câu hỏi, tại sao Tổng cục DS-KHHGĐ lại tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ tiền cho gia đình sinh con gái, mặc dù trước đó đã bị bãi bỏ? Ông Nhạc lý giải: “Đây là quan điểm của Tổng cục DS-KHHGĐ trên cơ sở khảo sát nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm của các nước nên chúng tôi mới kiên trì đề xuất giải pháp này. Vì thực tế hiện nay ở Việt Nam, trên 70% người già sống dựa vào con cái và không có chế độ nào để bảo hiểm tuổi già như lương hưu, trợ cấp xã hội.
Vậy thì họ vẫn phải quan tâm đến “bảo hiểm” tuổi già thông qua sự chăm sóc của con cái, đặc biệt là những người sinh con một bề là gái. Nâng cao vị thế của trẻ em gái sẽ giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đồng thời người già cũng yên tâm hơn, không cần phải có con trai nối dõi tông đường, hương khói mà con gái có thể làm được tất cả các điều đó”.
Về tính khả thi của chính sách, ông Nhạc nhận định: “Từ khi chính sách này được triển khai tại Hàn Quốc, tới nay, người dân rất tự hào khi sinh con gái. An sinh xã hội được đảm bảo cho họ. Đây là giải pháp hiệu quả, khi xã hội phát triển thì càng phải đầu tư hơn”.
Hoàng Ngân
Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/