Quá nhiều người tiếp tay cho nghịch lý “Trẻ khỏe chết sớm, già yếu sống lâu”: Nhân sâm cũng không cứu nổi!
Nhóm người vốn dĩ “khỏe như trâu mộng” hiện nay bỗng xuất hiện bệnh cấp tính và “ra đi” đột ngột đến ngỡ ngàng. Trường hợp thế này nhiều đến nỗi tôi không cần phải đưa ra ví dụ.
Trong xã hội hiện nay, chúng ta phải công nhận một nghịch lý đang ngày càng trở nên phổ biến, đó là cảnh người trẻ khỏe thì chết sớm, người già yếu thì ngày càng khỏe mạnh sống lâu. Rất nhiều thanh niên trẻ khỏe, những người chưa sống qua tuổi trung niên bất ngờ đột tử. Thật đáng sợ!
Điều này là do đâu, không phải chúng ta không nhìn thấy. Nhưng có lẽ chúng ta chưa hành động, chưa thay đổi nhận thức để quyết liệt thay đổi mạnh mẽ.
Bạn có thể tin hoặc không, nhưng một thực tế là chỉ có những người từng trải qua bạo bệnh, thập tử nhất sinh thì mới hiểu rõ sức khỏe có tầm quan trọng như thế nào. Còn đa số người bình thường, khi chưa mắc bệnh nặng, thì khó có thể nhận thức rõ điều này.
Vì lẽ đó, mà nhóm người này dù có yếu bệnh một chút, nhưng nhiều người vẫn sống thọ đến thất thập cổ lai hy, nhiều trường hợp sống trên 90 tuổi. Trong khi đó, chúng ta đang chứng kiến nhóm người dưới 50 tuổi “ra đi” rất bất ngờ.
Sau đây là 10 sự thật ẩn đằng sau nghịch lý đó bạn cần phải biết sớm!
1. Vì sao phụ nữ sống lâu hơn nam giới?
Theo các báo cáo nghiên cứu dân số thế giới, trong nhóm người sống thọ trăm tuổi ở nhiều quốc gia có khoảng trên 95% là nữ. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này thì có rất nhiều, nhưng có thể nhìn thấy rõ nhất là phụ nữ quan tâm chăm sóc bản thân tốt hơn nam giới.
Đa số phụ nữ dễ biểu lộ cảm xúc. Khi đau, họ sẽ ngay lập tức kêu lên, nhanh chóng nghĩ đến chuyện đi bệnh viện, từ đó có thể tránh được những rủi ro tấn công sức khỏe.
Tôi là một bác sĩ khoa nội, bệnh nhân hàng ngày mà tôi chữa trị có tới 70% là nữ. Thống kê cho thấy, tỉ lệ nam giới đi khám thường xuyên thấp hơn so với phụ nữ khoảng 28%. Ngoài ra, bệnh nhân nữ có tỉ lệ lắng nghe lời khuyên của bác sĩ nhiều hơn bệnh nhân nam.
2. Người từng mắc bệnh đang có xu hướng sống lâu hơn
Có một thực tế là nhiều người thường xuyên phải ra vào bệnh viện, họ có bệnh và phải đi chữa, sức khỏe yếu ớt nhưng tuổi thọ trung bình của nhóm người này đang không ngừng tăng lên. Tại sao lại có nghịch lý như vậy?
Lý do chính là những người có bệnh, chắc chắn sẽ quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn người chưa biết mình có bệnh. Khi họ ý thức cao về tầm quan trọng của sức khỏe, họ sẽ tự biết cách chăm sóc khi cần thiết. Vì vậy, cơ thể chỉ cần có một trục trặc nhỏ, là họ đã nhanh chóng tìm giải pháp.
Chúng tôi thường nói rằng, nhóm người “ốm đau dặt dẹo” đang đi những bước đi chậm rãi về mốc 90 tuổi, trong khi những người trẻ khỏe đều bỏ cuộc trên đường đua.
3. Nhóm người chết trẻ đang tăng quá nhanh!
Thống kê lâm sàng cho thấy, nhóm người vốn dĩ có thể trạng “khỏe như trâu mộng” hiện nay bỗng nhiên xuất hiện bệnh cấp tính và “ra đi” đột ngột đến ngỡ ngàng. Trường hợp thế này nhiều đến nỗi tôi không cần phải đưa ra ví dụ.
Tại sao những người bình thường khỏe mạnh, bỗng chốc đến một ngày lại ra đi bất ngờ, ngay cả khi họ chưa vượt qua tuổi trung niên?
Lý giải cho điều này, chúng tôi thấy điều quan trọng là sự bất cẩn, ỷ lại và chủ quan cho rằng sức khỏe tốt, từ đó “buông thả” bản thân, hành động liều mạng, thức khuya cả đêm, giải trí quá đà, làm việc quá sức, kết quả là bị lao lực hoặc phung phí sức mà dẫn đến tử vong.
Nói về những hiện tượng này, có thể chứng minh cho câu nói của người xưa rằng, cuộc đời mỗi người sống thọ được hay không, là dựa vào chính bản thân người đó có chăm sóc sức khỏe của mình đúng cách hay không.
Một khi bản thân mình có khát khao sở hữu sức khỏe mãnh liệt, thì tự mình sẽ tìm ra những bảo bối chăm sóc bản thân phù hợp.
4. Lạm dụng thuốc tây, thuốc bắc, thực phẩm chức năng, thuốc bổ là tự gây họa!
Tục ngữ có câu nói nổi tiếng “Thuốc chứa ba phần độc” (3/4 thành phần của thuốc là không tốt cho sức khỏe).
Theo thống kê, tại Trung Quốc mỗi năm có tới 2,5 triệu người có phản ứng phụ phải nhập viện do dùng thuốc. Trong số những người nhập viện, mỗi năm có khoảng 200 ngàn người bị tử vong do phản ứng với thuốc.
Những người tử vong do sốc thuốc hoặc không đáp ứng được với các thành phần của thuốc, có tỉ lệ cao gấp 10 lần so với số người tử vong do mắc các bệnh truyền nhiễm.
Có người hỏi tôi, vậy có thể uống thuốc bắc thay thế thuốc tây được không? Điều này cũng không hoàn toàn đúng. Bởi thuốc bắc cũng là thuốc. Mà thuốc thì vẫn có “độc”.
Vì sao chúng ta “chết” do thực phẩm chức năng? Để tôi nói rõ hơn điều này. Do các chiến lược truyền thông quảng cáo rầm rộ, nhiều người tự mua các loại thuốc như bổ thận tráng dương hay tăng cường chức năng bộ phận nào đó trên cơ thể rồi tùy tiện uống, không dựa vào cơ sở khoa học nên rất hại sức khỏe.
Nhiều người “phát cuồng” với các loại thuốc bổ, kể cả đông trùng hạ thảo cũng không phải là “thần dược”. Do rất nhiều người tự mua uống một cách mù quáng, không những không đạt được mục đích chăm sóc sức khỏe mà còn tự phá hủy sứ khỏe, tốn kém và không xứng đáng với giá tiền bỏ ra.
Trong lịch sử hoàng đế Trung Quốc, Khang Hy được xem là vị vua sống thọ, nhưng ông không phải là người quan tâm đến việc uống thuốc bổ.
Chuyện kể rằng năm 57 tuổi, cận thần nhìn thấy Khang Hy bắt đầu mọc những rợi râu bạc, họ liền mua thuốc bổ về mời ông uống. Khang Hy không những không uống, mà còn lắc đầu vui vẻ nói rằng, thuốc đó thật sự là không cần thiết.
5. Ăn ít sẽ sống thọ, ăn vô độ tự rút ngắn tuổi đời
Những cuốn sách về sức khỏe từ thời cổ đại đến nay, nội dung đề cập đến chế độ ăn uống dưỡng sinh thì có rất nhiều. Trong tất cả những bí mật đó, không thể không có 2 từ “điều độ”, “tiết thực”.
Chế độ ăn “tiết thực” là một kiểu ăn uống cầm chừng, biết kiềm chế, nhưng không có nghĩa là bạn không được ăn, mà là chọn cách ăn có số lượng và chất lượng phù hợp.
Cổ nhân từng nói, nếu bữa tối bớt ăn đi một miếng, thì cơ hội sống đến 99 tuổi mới cao. Sách xưa khuyên rằng, muốn khỏe mạnh, bạn nên đói một chút, biết chịu lạnh một chút.
Nghiên cứu lâm sàng cho thấy, đa số các loại bệnh cấp tính phát sinh như viêm tụy cấp, sỏi mật cấp tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… hầu hết đều xuất phát từ nguyên nhân ăn quá nhiều, ăn uống vô độ.
Vậy, ăn thế nào thì được xem là “vô độ”?
Hãy dựa vào cảm giác của bạn để kiểm soát lại tình trạng ăn uống bằng các tiêu chí như sau:
– Sau khi ăn không có cảm giác bị no căng bụng, không buồn nôn, không khó thở;
– Ăn tối xong không có cảm giác bị khô miệng, đắng miệng, miệng bị dính, ngủ kông ngáy, không rớt dãi khi ngủ;
– Ban ngày, đầu óc tỉnh táo, hơi thở thơm tho, không có cảm giác mệt mỏi, hiệu quả công việc cao.
6. Không ăn mặn, không ăn nhiều thịt, NÊN ăn nhiều rau củ quả
* Ăn mặn rất hại sức khỏe
Có một địa phương ở tỉnh Giang Tô có rất nhiều người mắc ung thư thực quản, ung thư dạ dày. Sau khi các chuyên gia y tế tiến hành nghiên cứu và đưa ra các giải pháp can thiệp bằng cách giảm tỉ lệ muối trung bình mỗi người từ 76 kg xuống chỉ còn 10,2 kg/năm.
Từ đó, tỷ lệ mắc các khối u ác tính dần giảm đi đáng kể. Hiệp hội dinh dưỡng Trung Quốc đã khuyến cáo, tỉ lệ muối không quá 6g/người/ngày. Chỉ tương đương với 1 nắp chai bia.
* Không ăn quá nhiều thịt
Nếu chúng ta ăn quá nhiều thịt trong ngày là điều không thể chấp nhận được. Chuyên gia huyết quản tim mạch nổi tiếng Hồng Chiêu Quang từng nói, chúng ta có từ 28-32 chiếc răng, chỉ có 4 chiếc răng nanh dành cho việc cắn thịt, còn 8 chiếc răng cửa để ăn rau củ quả, 16 chiếc răng hàm để nhai ngũ cốc.
Điều đó muốn nhắc nhở rằng, theo tự nhiên, răng để ăn thịt ít, răng dành cho ăn rau nhiều hơn. Vì vậy hãy ăn theo tỉ lệ phù hợp giữa thịt, rau củ quả và ngũ cốc.
Nếu ăn quá nhiều chất béo, chế độ ăn uống có hàm lượng protein cao, thì cơ thể sẽ chịu không nổi, gây ra bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ. Đặc biệt, nhiều người trẻ hơn 30 tuổi đã mắc bệnh bụng bia, rất nguy hiểm.
7. Sống khỏe là nhờ vận động
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người chăm chỉ tập thể dục làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tiểu đường từ 30 – 50% so với nhóm người không tập thể dục.
Có rất nhiều nhân viên văn phòng, thay vì đi làm bằng ô tô, họ đã đi xe đạp hoặc đi bộ, điều này không chỉ giúp họ khỏe mạnh, mà còn giúp giữ vóc dáng đẹp, tâm trạng vui vẻ, tinh thần minh mẫn, tràn đầy năng lượng, thần thái rạng rỡ.
Vậy làm thế nào đi bộ đúng khoa học?
Đi bộ nhanh ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 2 km, có thể nghỉ 2 lần giữa những chặng đi. Tốc độ 100 bước/phút, thời gian khoảng từ 30 – 45 phút.
Sau khi tập xong, không cảm thấy bị đứt hơi, ho hen, đánh trống ngực, chóng mặt, đổ mồ hôi quá mức, toàn bộ cơ thể sảng khoái dễ chịu. Ngày hôm sau không cảm thấy mệt mỏi. Đó được xem là vừa phải.
8. Không có bệnh cũng nên kiểm tra sức khỏe
Trong một cuốn sách y tế Trung Quốc cổ đại “Nan Kinh” có câu nói nổi tiếng “Người khôn chữa bệnh khi còn khỏe, người dại chờ có bệnh rồi mới chữa”. Sách “Hoàng đế nội kinh” chép “Thánh nhân không chữa bệnh đã phát, chữa bệnh khi chưa phát bệnh”.
Khái niệm “chữa bệnh khi chưa có bệnh” là chỉ việc khám bệnh và phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn sơ kỳ, chữa trị ngay tức thì khi chúng chưa hình thành khuyết tật, chưa tiến triển đến mức gây tổn thương.
Làm sao để biết cơ thể đang có bệnh, bản thân mình có thể mắc những bệnh gì? Điều này chỉ có thể giải quyết nếu bạn thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ.
Nói đến đây, nhiều người sẽ nghĩ rằng, sức khỏe của họ tốt lắm, ngày nào cũng chơi thể thao, không cần phải khám. Tôi đã từng điều trị cho vài bệnh nhân ung thư, họ đều là những quý ông mạnh khỏe, vạm vỡ.
Một người đến từ Sơn Đông, cơ thể rắn rỏi, tự nhiên đi ngoài tiêu chảy không rõ nguyên nhân, kết quả khám cho thấy bị ung thư đại tràng đã di căn đến gan.
Một người khác ở Vô Tích, khỏe mạnh, đi leo núi thì thanh niên cũng không theo kịp. Nhưng khi thấy đau bụng liên tục kéo dài nửa năm mới đi khám, kết quả là ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Đó chính là ví dụ đơn giản để bạn có thể hình dung, khỏe mạnh bên ngoài không đồng nghĩa với “vô bệnh” bên trong. Đây chính là nguyên nhân gây chủ quan lớn nhất.
Có người còn lạ hơn, họ nói rằng mỗi ngày đều uống thuốc bổ thì chẳng có lý do gì mà sinh bệnh nữa. Trong thực tế, nếu không phát hiện bệnh sớm để chữa, thì dù có “ngâm người trong nhân sâm” cũng không thể sống nổi nếu bệnh đã tiến triển xấu.
Vì thế tôi hay nói vui, đừng tặng người ta thuốc bổ, mà hãy mua cho họ một tấm phiếu khám sức khỏe toàn diện, đó mới là điều nên làm.
9. Tim bình thường thì trường thọ, tim tổn thương thì tổn thọ
Đông y truyền thống quan niệm rằng, dưỡng sinh nghĩa là dưỡng tâm. Dưỡng tâm tức là điều chỉnh tâm thái, đặc biệt là thái độ sống hàng ngày, là một dạng thế giới quan, cách nhìn nhận về những giá trị, về vinh nhục, về hạnh phúc. Tâm trạng tốt thì khỏe, tâm trạng xấu thì sinh bệnh.
Đại thi nhân thời Đường Bạch Cư Dị (Trung Quốc) sống được 74 tuổi, vượt xa tuổi thọ của Đỗ Phủ và Lý Bạch. Mặc dù thể chất yếu, nhưng tâm trạng lúc nào cũng duy trì trong trạng thái tốt. Lạc quan, an nhiên tự tại, nhu cầu với đời sống vật chất đơn giản, không ham lợi.
Sau này, ông Trần Lập Phu cũng sống thọ tới 101 tuổi, ông đã viết lại 48 chữ về bí mật dưỡng sinh rằng,
Dưỡng thân thì động, dưỡng tâm thì tĩnh
Ăn uống điều độ, ngủ nghỉ đúng giờ
Chỉ ăn đồ chín, uống nước đun sôi
Ăn nhiều thực vật, hạn chế thịt cá
Phần đầu dễ lạnh, phần chân dễ nóng
Biết đủ là vui, ít (nhu) cầu sẽ (bình) an.
Cổ nhân có câu: Tự thân có bệnh, tự tâm biết, thân có bệnh thì dùng tâm mà trị. Muốn cơ thể ít bệnh, hãy hạn chế so sánh mình với người khác. Nếu nuôi dưỡng tâm địa hơn thua, từ đó tư duy thiếu lành mạnh, sinh ra bệnh.
Nếu so sánh, đừng so tiền tài, địa vị, cơ thể xinh đẹp bao nhiêu, mà hãy so sánh mình vui hơn người khác bao nhiêu, thanh thản, nhẹ nhàng, sống an nhiên tự tại bao nhiêu.
10. Lương cao không bằng tuổi cao – Tuổi cao không bằng vui vẻ hạnh phúc
Khi con người ở trong trạng thái hạnh phúc, cơ thể sẽ bài tiết ra hormone có lợi, dẫn truyền đến hệ thần kinh, một số enzyme hoạt động tăng lên. Những chất này có thể làm tăng kích thích các dây thần kinh, cải thiện chức năng nội tạng, tăng cường thể chất.
Vì vậy, chúng tôi hay nói rằng, hạnh phúc cũng chính là thuốc bổ, nhưng thuốc bổ này ở đâu mà có?
Một gia đình hạnh phúc là vô cùng quan trọng để duy trì tình trạng sức khỏe. Vợ chồng có tình yêu đẹp, chính nó mang đến rất nhiều niềm vui. Đây là một trụ cột quan trọng của sức khỏe.
Các khảo sát cho thấy, những người bị mất bạn đời, sống trong cô đơn sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong trong vòng 10 năm so với người có cùng nền sức khỏe tương đồng và cao gấp đôi những người bình thường khác.
* Lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui
Tích cực phát huy lòng nhiệt huyết để làm việc và đóng góp cho xã hội. Những việc làm đơn giản của bản thân dành cho cộng đồng, hoạt động từ thiện có thể giúp cho tâm trạng trở nên vui vẻ hơn và cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn.
Những người chăm chỉ làm việc thiện sẽ có trái tim nồng hậu, yêu thương người khác, tự hài lòng với cuộc sống của chính mình, đa số họ có tâm thái an nhiên và hưởng trọn niềm vui sống hơn, tuổi thọ cũng cao hơn.
* Hãy tự tạo ra niềm vui
Nhiều người lớn tuổi thích tụ họp với nhau để để hát hò khiêu vũ. Khi chúng ta cất tiếng hát, tâm hồn sẽ được thanh lọc và giải độc. Đặc biệt là những bài hát có nội dung sâu sắc, ca từ đẹp hoặc có tính lịch sử, sẽ gợi lại những hồi ức đẹp trong lòng mỗi người, nuôi dưỡng tâm hồn ta.
Những bài hát và âm nhạc trong khoảnh khắc đó sẽ là chất xúc tác giúp con người trở nên yêu đời hơn. Do đó, nó được xem là một loại thuốc bổ cho sức khỏe đặc biệt hữu hiệu.
*Theo Health/Lifetimes
theo Trí Thức Trẻ