NHẬN THỨC VỀ GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC QUÂN NHÂN CỦA HỌC VIÊN SĨ QUAN QUÂN ĐỘI HIỆN NAY

 ThS. THÂN TRUNG DŨNG

Học viện Hậu cần – Bộ Quốc Phòng

 

Nhận thức về giá trị đạo đức quân nhân là một nội dung hết sức quan trọng trong quá trình giáo dục, rèn luyện học viên sĩ quan ở các học viện, nhà trường quân đội. Nhận thức tốt về những giá trị đạo đức quân nhân sẽ là cơ sở quan trọng cho học viên hình thành thái độ tốt và những hành động tích cực chiếm lĩnh giá trị chuẩn mực đạo đức quân. Dựa trên dữ liệu khảo sát 800 học viên tại: Trường Sĩ quan Chính trị; Trường sĩ Quan lục quân 1, Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Hậu cần thuộc luận án tiến sĩ chuyên ngành xã hội học “Định hướng giá trị nghề nghiệp của học viên sĩ quan trong các học viện, nhà trường quân đội khu vực phía Bắc hiện nay” do tác giả thực hiện năm 2015, bài viết tập trung phân tích giá trị đạo đức quân nhân của học viên sĩ quan trong các học viện, nhà trường quân đội hiện nay.

13423913_896260470484745_4828416965020499445_n

  1. Khái niệm giá trị đạo đức quân nhân

“Giá trị đạo đức là cái được con người lựa chọn và đánh giá, xem nó như là việc làm có ý nghĩa tích cực đối với đời sống xã hội, được lương tâm đồng tình và dư luận biểu dương” [3]. Theo đó, giá trị đạo đức quân nhân là sự thừa nhận, đánh giá của cá nhân và xã hội đối với nghề nghiệp quân sự, là cơ sở để cá nhân lựa chọn những giá trị phù hợp với bản thân và đáp ứng yêu cầu của quân đội. Nói cách khác, giá trị đạo đức quân nhân của người học viên sĩ quan quân đội là những phẩm chất chuẩn mực đạo đức, chính trị, nghề nghiệp,… đặc trưng của người học viên sĩ quan quân đội, có khả năng thỏa mãn những nhu cầu liên quan đến hoạt động học tập, rèn luyện và công tác trong hoạt động quân sự chi phối họ trong việc lựa chọn mục đích, phương thức và phương tiện để tiến hành các hoạt động quân sự. Giá trị đạo đức quân nhân được thể hiện cụ thể trong hoạt động học tập, rèn luyện, trong hành vi ứng xử hàng ngày của người học viên. Những giá trị này đã được khẳng định một cách rõ ràng và chắc chắn thông qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Việc xác định hệ thống giá trị đạo đức quân nhân thuộc lĩnh vực hoạt động quân sự là việc làm có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để tiến hành hoạt động rèn luyện, giáo dục giá trị chuẩn mực đạo đức quân nhân cho học viên sĩ quan trong các học viện, nhà trường quân đội hiện nay.

  1. Thực trạng nhận thức về những giá trị đạo đức quân nhân của học viên sĩ quan quân đội

 Kết quả khảo sát xã hội học cho thấy, nhận thức của học viên sĩ quan về những giá trị đạo đức quân nhân được thể hiện ở những nội dung dưới đây.

anh tulieu VNG(1)

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Một là, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân

Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân không những là chuẩn mực, giá trị đạo đức có ý nghĩa quan trọng hàng đầu mà còn là phẩm chất truyền thống tốt đẹp của quân đội Việt Nam. Trung với Đảng có nghĩa là phải trung thành với mọi đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, sẵn sàng thực hiện tốt nhất với tinh thần sáng tạo các nghị quyết do Đảng đề ra, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao cho, luôn bảo vệ Đảng, chống lại mọi xu hướng xuyên tạc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và quân đội. Hiếu với dân là phải hết lòng vì lợi ích của nhân dân, vì quyền dân chủ của dân, tôn trọng dân, thực hiện đầy đủ mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đem lại lợi ích ngày càng nhiều cho nhân dân, đặc biệt đối với nhân dân các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các khu căn cứ cách mạng trước đây. Giá trị trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân được học viên lựa chọn nhiều với số điểm trung bình (ĐTB[1]) cao nhất: 4,8 điểm, xếp thứ nhất. Có sự khác biệt về ĐTB giữa hai nhóm học viên sĩ quan năm thứ hai và năm thứ tư (4,74 điểm so với 4,87 điểm) khi lựa chọn giá trị này. Điều này cho thấy, học viên năm thứ tư nhận thức rất sâu sắc về giá trị này – một giá trị mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng cao thể hiện mục tiêu, lý tưởng của nghề nghiệp quân sự hơn học viên năm thứ hai. Kết quả này cũng phù hợp với quá trình nhận thức, học viên năm thứ tư có quá trình giáo dục, đào tạo dài hơn nên nhận thức của họ về chính trị, tư tưởng cao hơn học viên năm thứ hai. Những cuộc trao đổi trực tiếp với học viên giúp chúng tôi khẳng định rằng, “trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân” là giá trị luôn được học viên đề cao, coi trọng và cho là phẩm chất không thể thiếu của mỗi cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ, học viên trong quân đội. Đây chính là cơ sở vững chắc cho học viên trong quá trình giáo dục, đào tạo giúp họ yên tâm, gắn bó với nghề, coi binh nghiệp là sự lựa chọn của cuộc đời, có ý thức xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Nó cũng chính là nguồn động lực tích cực thúc đẩy người học viên tích cực tìm tòi, khám phá tri thức khoa học, rèn luyện kỹ xảo, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan trong giai đoạn mới.

Hai là, yêu Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Yêu Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một giá trị chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa quyết định xuyên suốt, gắn bó chặt chẽ với xây dựng quân đội về chính trị, là sự thể hiện việc quán triệt các nguyên tắc, quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa vào xây dựng quân đội, xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội trong điều kiện hiện nay. Giá trị này được học viên lựa chọn với số ĐTB cao 4,69 điểm, xếp thứ hai. Kết quả này cho thấy rõ hơn những phẩm chất chính trị, tư tưởng được học viên nhận thức rất sâu sắc. Là lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, của quân đội có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, là lực lượng đi đầu, kiên định vững vàng trước mọi thử thách. Chuẩn mực đạo đức này đặt ra yêu cầu cao đối với cán bộ, sĩ quan, học viên quân đội về khả năng phát hiện những mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống quân dân, trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền về mục tiêu, lý tưởng, nhiệm vụ, nghĩa vụ và quyền lợi; những quan niệm về cống hiến và hưởng thụ trong điều kiện nền kinh tế thị trường, mở cửa, giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế,… để kịp thời định hướng, giáo dục, rèn luyện bộ đội có hiệu quả đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Trước mỗi biến động phức tạp xảy ra, đòi hỏi ở người lãnh đạo, chỉ huy sự nhạy cảm, quyết đoán, đưa ra những quyết định chính xác nhằm động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Ba là, tinh thần quốc tế vô sản cao cả

Tinh thần quốc tế vô sản cao cả là sự đoàn kết quốc tế vô sản, mà Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng mệnh đề “bốn phương vô sản đều là anh em”; là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước mà Bác Hồ đã dày công vun đắp bằng hoạt động cách mạng thực tiễn của bản thân và bằng sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc. Giá trị này cũng được học viên lựa chọn với số ĐTB cao: 4,32 điểm, trong đó nhóm học viên năm thứ tư có ĐTB cao hơn nhóm học viên năm thứ hai: 4,35 điểm so với 4,28 điểm. Điều này cho thấy, học viên năm thứ tư có nhận thức về giá trị này cao hơn học viên năm thứ hai. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta luôn tăng cường củng cố tình đoàn kết với các nước láng giềng, khu vực và nhiều nước trên thế giới, góp phần xứng đáng xây dựng tình đoàn kết giữa các dân tộc, chống áp bức, bóc lột, cường quyền vì mục tiêu hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, quân đội ta hơn lúc nào hết cần phát huy bản chất cách mạng, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, kiên trì xây dựng, phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với quân đội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trong khu vực và trên thế giới.

Bốn là, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao

Giá trị sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao được học viên lựa chọn với số ĐTB rất cao: 4,56 điểm. Điều này cho thấy, học viên đã nhận thức rất sâu sắc về giá trị này. Sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao không những là một phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức cao quý mà còn là nhiệm vụ, yêu cầu mà Đảng và nhân dân giao cho quân đội. Điều này được thể hiện rõ ở những giá trị truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ: có lệnh là đi, có địch là đánh, đã đánh là thắng. Là quân nhân luôn chấp hành nghiêm mệnh lệnh, nhất là mệnh lệnh chiến đấu đã trở thành nét nhân cách đặc trưng của mỗi quân nhân.

605507

Bộ đội giúp dân phòng chống thiên tai

Năm là, có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, thẳng thắn, đấu tranh vì lẽ phải

            Học viên tham gia khảo sát lựa chọn giá trị “có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, thẳng thắn, đấu tranh vì lẽ phải” với số ĐTB cao: 4,47, xếp thứ tư, trong đó học viên năm thứ tư lựa chọn giá trị này với số ĐTB cao hơn học viên năm thứ hai (4,52 điểm so với 4.43 điểm). Lối sống trong sạch, lành mạnh có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, thẳng thắn, đấu tranh vì lẽ phải của quân đội ta là sự kế thừa những đức tính cao đẹp của dân tộc; xuất phát từ bản chất, đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân, sự phấn đấu rèn luyện gian khổ của quân đội ta. Trung thực trước hết là sự trung thực với chính mình, nghiêm túc với chính mình, trung thực với người khác, không được “nói mà không làm”, “hứa mà không làm”. Lời nói, lời hứa chỉ có giá trị khi đi liền với việc làm cụ thể. “Làm” ở đây là hành động từ việc nhỏ đến việc lớn, là hoạt động thực tiễn tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Trung thực phải được thể hiện ở sự thẳng thắn, đấu tranh vì lẽ phải, đấu tranh vì lợi ích chính đáng của tập thể, của đơn vị, của dân tộc.

Sáu là, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, năng động, sáng tạo

Giá trị dũng cảm, kiên cường, mưu trí, năng động, sáng tạo, quyết đoán trong hoạt động nghề được học viên lựa chọn với số ĐTB 4,35 điểm. Qua trao đổi với các nhóm học viên ở các học viện, nhà trường khác nhau chung tôi thấy rằng, đa số học viên không những nắm vững nội hàm của khái niệm mà còn đưa ra được những ví dụ về sự dũng cảm, kiên cường, mưu trí, năng động, sáng tạo của cha ông và các chiến sĩ quân đội ta trong suốt lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dũng cảm, kiên cường, mưu trí, năng động, sáng tạo là một phẩm chất truyền thống tiêu biểu cho trí tuệ, phong cách của cán bộ, chiến sĩ, học viên quân đội trong thực tiễn xây dựng và chiến đấu. Đó là biểu hiện của tính cách mạng khoa học trong đấu tranh chống những kẻ thù xâm lược lớn mạnh; chống lại thiên tai ác liệt; sự kết hợp giữa ý chí quật cường và sự năng động, sáng tạo vượt qua mọi thử thách và tình huống phức tạp, sự thông minh sáng tạo trong việc phát huy mọi lực lượng, phương tiện vũ khí có trong tay, lợi dụng các quy luật, điều kiện, đặc điểm địa hình, thời tiết, sáng tạo ra cách đánh, có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện chiến đấu chiến trường, nắm vững các quy luật, chủ trương đối sách, sáng tạo, mưu trí, linh hoạt, kiên quyết trong xử lý các tình huống trên chiến trường, biến khả năng có hạn thành sức mạnh to lớn để chiến thắng. Trong lao động sản xuất, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm chủ vũ khí trang bị hiện đại nhằm tạo ra năng suất chất lượng và hiệu quả cao, khắc phục khó khăn, giải quyết thành công những vấn đề vượt xa trình độ, khả năng, điều kiện của đơn vị.

Bảy là, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, thương yêu con người

Phẩm chất này bắt nguồn từ bản chất truyền thống của quân đội và của giai cấp vô sản. Tình thương yêu đồng chí, đồng đội lúc thường cũng như lúc chiến đấu; quan hệ dân chủ, thân ái giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng; sự chia ngọt, sẻ bùi và cùng chung gian nan hoạn nạn đã làm cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân trong các giai đoạn lịch sử khác nhau luôn đoàn kết như keo sơn, đồng lòng chung sức xây dựng quân đội vững mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Phát huy những giá trị, phẩm chất tốt đẹp đó, ngày nay các thế hệ học viên cũng luôn tích cực học tập, rèn luyện để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân trao tặng. Giá trị hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, thương yêu con người này được học viên lựa chọn với số ĐTB là 4,23, xếp thứ tám.

Tám là, kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh cấp trên

Kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh cấp trên là truyền thống tốt đẹp, một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội ta. Kỷ luật, phục tùng mệnh lệnh cấp trên vừa là mệnh lệnh thực hiện nhiệm vụ vừa là giá trị, chuẩn mực đạo đức đặc trưng quan trọng của người quân nhân trong quân đội. Kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh cấp trên được học viên lựa chọn với số ĐTB cao 4,47 điểm, trong đó học viên năm thứ hai có ĐTB là 4,43, học viên năm thứ tư có ĐTB là 4,50. Có thể thấy, học viên năm thứ tư đánh giá giá trị này cao hơn học viên năm thứ hai, phải chăng quá trình học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội nhiều hơn đã giúp học viên năm thứ tư nhận thức sâu sắc hơn, có thái độ với giá trị này tốt hơn học viên năm thứ hai. Ở đây, người quân nhân có ý thức kỷ luật cao không chỉ là người tự mình giữ nghiêm kỷ luật, mà còn là người biết đấu tranh để giữ nghiêm kỷ luật chung của đơn vị. Thực tế cho thấy, quân đội ta đã rèn luyện, xây dựng được nếp sống có kỷ luật, trở thành thói quen khi thực hiện nhiệm vụ và ý thức đấu tranh kiên quyết để chống mọi hành vi vô tổ chức, vô kỷ luật. Điều này đã trở thành một giá trị chuẩn mực đạo đức, một lối sống cao đẹp của quân đội.

Chín là, ham học hỏi, cầu tiến bộ, có trình độ chuyên môn giỏi

Ham học hỏi, cầu tiến bộ là  một trong những giá trị truyền thống của con người Việt nam. Giá trị này đã trở thành truyền thống tốt đẹp của quân đội; nó thấm sâu vào mỗi quân nhân, trở thành cách nghĩ và hành động trong cuộc sống của mỗi quân nhân. Giá trị này được học viên lựa chọn với số ĐTB cao 4,25. Điều này chứng tỏ đa số học viên có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ để có thêm tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ham học hỏi, cầu tiến bộ ở người học viên được thể hiện trong chính hoạt động học tập, rèn luyện thường xuyên hàng ngày. Thể hiện ở tinh thần ham học hỏi, tích cực trau dồi kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp mà mình đảm nhiệm, ở những sáng kiến, sáng tạo, ở sự say sưa suy nghĩ, tìm tòi đóng góp về trí tuệ và công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời đại hiện nay, người học viên cần xác định ham học hỏi, cầu tiến bộ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là một giá trị, một chuẩn mực đạo đức mà mỗi học viên đều phải thấm nhuần.

  1. Nhận xét về nhận thức của học viên sĩ quan về những giá trị đạo đức quân nhân

Những giá trị đạo đức quân nhân được hình thành và phát triển không ngừng, gắn bó chặt chẽ với đời sống hiện thực, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, con người mới. Thực tiễn xây dựng đất nước, xây dựng quân đội là cơ sở hiện thực để hình thành nên những giá trị đạo đức quân nhân phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, quân đội, và sự phát triển chung của xã hội.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, đa số học viên có nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc về những giá trị đạo đức quân nhân. Những giá trị được học viên lựa chọn và đánh giá cao bao gồm các giá trị về chính trị, tư tưởng và các giá trị về đạo đức, lối sống cùng với giá trị về đặc trưng nghề nghiệp quân sự. Học viên đã có sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị chính trị – tư tưởng, những giá trị tinh thần, giá trị đạo đức. Song những giá trị về chính trị – tư tưởng luôn được người học viên đề cao, coi trọng hơn cả.

Học viên đang học năm thứ tư có nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về các giá trị đạo đức quân nhân so với học viên năm thứ hai. Điều này cho thấy, quá trình giáo dục, đào tạo đặc biệt là giáo dục giá trị đạo đức quân nhân đã có những tác động đến nhận thức của học viên, quá trình học tập càng lâu thì nhận thức của sinh viên về các giá trị đạo đức quân nhân càng đầy đủ và sâu sắc.

Vẫn có những biểu hiện sai lệch trong nhận thức của học viên về giá trị đạo đức quân nhân. Ở một số học viên, vẫn tồn tại ý nghĩ rằng vào quân đội để được thăng quan, tiến chức, để kiếm được nhiều tiền; một số học viên mới chỉ nhận thức được bề nổi của những giá trị đạo đức quân nhân mà chưa hiểu rõ nội hàm của khái niệm, ý nghĩa, tầm quan trọng của các giá trị đạo đức đó. Thậm chí, một số học viên có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, không chịu phấn đấu trong học tập, rèn luyện, một số học viên khi vào học tại môi trường quân đội tìm hiểu thấy nghề nghiệp quân sự không kiếm được nhiều tiền như họ tưởng nên đã làm đơn xin ra quân, đơn vị không cho ra quân thì sẵn sàng vi phạm kỷ luật để ra quân. Vấn đề này cần được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo cũng như sự quan tâm sâu sát của chỉ huy đơn vị quản lý học viên.

19-1441163577100

Bộ đội duyệt binh

  1. Kết luận và giải pháp

Phân tích xã hội học về những giá trị đạo đức quân nhân qua nhận thức của học viên sĩ quan cho chúng ta thấy được những giá trị đạo đức cốt lõi mà người học viên sĩ quan đang lựa chọn, hướng tới. Đây là những cơ sở thực tiễn quan trọng giúp các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục giá trị đạo đức cho nhóm học viên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quân sự cho quân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết đưa ra một số giải pháp góp phần nâng cao nhận thức về giá trị đạo đức quân nhân cho học viên sĩ quan trong các học viện, nhà trường quân đội như sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức quân nhân bằng trong các học viện, nhà trường quân đội bằng cách gắn đào tạo chuyên môn nghiệp vụ với giáo dục đạo đức quân nhân

            Để nâng cao chất lượng giáo dục giá trị đạo đức quân nhân trong các nhà trường quân đội cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

            Một là, các học viện, nhà trường quân đội cần xác định mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo cụ thể cho từng chuyên ngành, từng nhóm học viên và từng cấp độ đào tạo, đồng thời tổ chức thực hiện tốt nhất các mục tiêu, yêu cầu đó. Cần xác định mục tiêu, yêu cầu khái quát và quan trọng nhất là phải giáo dục, đào tạo được đội ngũ sĩ quan có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhiệm tốt các cương vị được giao khi ra trường.

            Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, huấn luyện trong các nhà trường quân đội sát với tình hình thực tiễn và những dự báo của thời kỳ mới nhằm nâng cao chất lượng toàn diện. Gắn đào tạo chuyên môn nghiệp vụ với giáo dục giá trị đạo đức quân nhân cho học viên.

            Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý ở các nhà trường quân đội sao cho đủ tiêu chuẩn, mô phạm, là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và năng lực cho học viên noi theo.

            Bốn là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho huấn luyện; xây dựng nhà trường quân đội chính quy, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đội ngũ sĩ quan cho Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và giá trị đạo đức quân nhân nói riêng.

166729_620630091411684_807264595289351640_n

Nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội – Học viên học viện Hậu cần đốt lửa trại tại đơn vị

Thứ hai, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong và ngoài quân đội với tư cách là môi trường văn hóa tác động tích cực đến hành vi đạo đức của quân nhân

Để quá trình giáo dục giá trị đạo đức quân nhân có hiệu quả, cần xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn Thanh niên, tổ chức chỉ huy có đủ năng lực lãnh đạo, chỉ huy và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy gương mẫu làm cơ sở rất quan trọng trong việc bồi dưỡng, xây dựng chuẩn mực, giá trị đạo đức cho học viên.

            Cán bộ chủ trì, chính trị viên các cấp, giảng viên có vai trò quan trọng quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, xây dựng đơn vị và ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị. Cán bộ chỉ huy, chính trị viên các cấp, giảng viên là tấm gương sáng, mẫu mực cho học viên noi theo về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý chí trách nhiệm; về năng lực trí tuệ, phong cách công tác; về đoàn kết, kỷ luật; nói đi đôi với làm, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu trong đơn vị; ngăn chặn những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường qua tuyên truyền, giáo dục, thông qua sợi dây liên kết chặt chẽ giữa đơn vị, nhà trường với địa phương và gia đình học viên.

Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình tự giáo dục, đào tạo, tự rèn luyện đạo đức của người học viên

            Để phát huy tính tích cực, đề cao tính chủ động của người học viên trong tự giáo dục, đào tạo, tự rèn luyện nâng cao đạo đức cánh mạng quân nhân cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

            Một là, tăng cường giáo dục những giá trị đạo đức quân nhân, kịp thời khơi dậy tình cảm yêu mến, gắn bó nghề nghiệp; phát huy ý thức trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong chiến đấu, học tập, công tác, rèn luyện của mỗi học viên nhằm nâng cao đạo đức quân nhân, phẩm chất nghề nghiệp quân sự.

            Hai là, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, các cuộc vận động và các nội dung, chương trình hoạt động của đơn vị, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tạo môi trường thuận lợi cho học viên phát huy cao độ tính tự giác, tinh thần sáng tạo, năng lực, trí tuệ trong mọi hoạt động của đơn vị.

            Ba là, tổ chức tốt sinh hoạt tự phê bình và phê bình, hàng năm đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm của học viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng những chiến công, thành tích, đồng thời phê phán những quan điểm, tư tưởng, hành vi chậm tiến bộ, kiên quyết kỷ luật những sai phạm.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Đỗ Ngọc Anh (2009), Giáo dục giá trị nghề nghiệp cho sinh viên các chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa – thông tin. Nxb Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
  2. Thân Trung Dũng (2015), Định hướng giá trị nghề nghiệp của học viên sĩ quan trong các học viên, nhà trường quân đội khu vực phía bắc hiện nay, luận án tiến sĩ xã hội học, khoa xã hội học, Học viện Khoa học Xã hội.
  3. Mai Xuân Hợi, Giá trị đạo đức và sự biểu hiện của nó trong đời sống xã hội, Tạp chí Triết học, Nguồn: http://www.chungta.com/.
  4. Harry K. Schwarzweller (1958), Value Orientations in Educational and Occupational Choices (“Value-Orien tations, Social Structure and Occupational Choice”), Sociology, Rural Sociology, University of Kentucky, United States.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, Số tháng 12/2006. Tác giả Thân Trung Dũng. SĐT: 0965611555. Email: thantrungdung@gmail.com

[1] Mỗi chỉ báo được gắn cho các điểm số từ 1 đến 5 theo từng mức độ cụ thể: 1 = Rất không quan trong; 2 = Không quan trọng; 3 = Bình thường; 4 = Quan trọng; 5 = Rất quan trọng. Các chỉ báo được đánh giá bằng điểm trung bình (ĐTB) với thang đo khoảng cụ thể: 1 ≤ ĐTB < 1.80: Rất không quan trọng; 1.80 ≤ ĐTB < 2.60: Không quan trọng; 2.60 ≤ ĐTB < 3.40: Bình thường; 3.40 ≤ ĐTB < 4.20: Quan trọng; 4.20 ≤ ĐTB ≤ 5: Rất quan trọng.