Nhà giáo dục
Nhà văn Thiếu Sơn
Đời sống tinh thần, NXB Đời mới, 1945
Cùng là nhà trí thức mà mỗi người đều có công việc riêng. Ngoài công việc riêng, kẻ nào còn muốn đem những sự học biết của mình mà truyền bá cho xã hội, đó là cái nhiệt tâm và tấm lòng tận tụy đáng khen, không ai có quyền bắt buộc họ.
Duy có một hạng trí thức chỉ chuyên lo dạy người, nhất danh là những nhà giáo dục.
Hoặc là giáo dục ở các trường sơ đẳng, hoặc là giáo sư ở những ban trung học và đại học, vị nào cũng là người có trách nhiệm trực tiếp đối với đời sống tinh thần của thế nhân.
Trong bản Hiến pháp mới của nước Pháp, khoản 13 nói rằng:
“Trường học là để tiếp nối với gia đình. Ở đây, người ta dạy cho con trẻ biết những công ơn của nền trật tự trong loài người, nhờ đó mà nó được nâng đỡ.
Trường học phải làm cho nó biết cảm động đến cái vẻ đẹp đẽ, cái vẻ tôn nghiêm và sự trường tồn của Tổ quốc”.
Một đứa con nít, khi mới cắp sách đến trường là đem theo đến đó một sự dốt nát không bờ bến.
Nó sống mà nó không biết nhờ đâu mà nó sống.
Nó có thân thể mà nó không biết thân thể của nó kết cấu ra làm sao.
Nó có đầu óc mà nó chưa biết đầu óc của nó linh động như thế nào.
Nó có tình cảm mà nó chưa biết tình cảm của nó phải ký gửi nơi đâu.
Nhà giáo dục sẽ dần dần cho nó biết cả một sự tổ chức vi diệu ở toàn thân nó, rồi mở mắt cho nó thấy từ cái gần cho đến cái xa, mở trí cho nó hiểu từ cái dễ cho đến cái khó, mở lòng cho nó cảm từ cái tầm thường nhỏ nhặt cho đến những cái vĩ đại cao siêu.
Nó hiểu biết nó, rồi nó sẽ hiểu biết đồng loại của nó.
Nó yêu mến bản thân nó, rồi nó sẽ biết yêu mến đồng bào nòi giống nó.
Nó nhận thấy cái liên quan giữa nó cùng xã hội, nó sẽ phải gắng gỏi để trả nợ cho mọi người.
Nợ cơm, nợ áo, nợ nghĩa, nợ tình, bao nhiêu món nợ chồng chất, hễ người mà có giáo dục thì đều không thể chối cãi mà không nhìn nhận được.
Cái trật tự trong nhân loại nói ở bản Hiến pháp chính là cái đoàn thể của nhân sinh mà trong đó, mỗi người đều phải tùy tài, tùy lực, gánh lấy một phần công việc và một phần trách nhiệm để cùng sinh tồn và tiến hóa.
Có hiểu biết được cái trật tự đó mới hiểu biết được cái địa vị của mình trong xã hội và cảm thấy cái đẹp đẽ, cái tôn nghiêm chẳng những của Tổ quốc mình mà còn của cả nhân loại nữa.
Không có một nước nào không có sự thay đổi về chính trị. Nhưng trường học bao giờ cũng phải ôm riết một sứ mệnh bất di.
Ở đây, người ta không dạy cho học trò phải nghĩ theo nhà chính khách này, hay làm theo nhà chính trị kia, nhưng người ta dạy cho chúng những sự phát minh của các nhà thông thái,những điều phát kiến của các nhà triết học, những vần thơ tươi sáng, những lời văn huyền diệu của những nhà nghệ sĩ của muôn đời.
Con trẻ mỗi tuổi mỗi lớn, những con trẻ đi học mỗi năm mỗi thấy cái đời sống tinh thần của nó một rộng mở, và cảm thấy càng ngày càng mật thiết, liên lạc với cả không gian lẫn thời gian.
Sinh trưởng ở bên Đông, nó biết chuyện bên Tây.
Sống ở đời này, nó biết chuyện đời trước.
Nhờ có thầy, nhờ có sách, nó đã thoát khỏi vòng ngu tối buổi ban sơ mà trở nên những phần tử văn minh trong nhân loại. Một nhà danh sĩ Pháp, ông Edmond About, đã viết đoạn văn mà tôi dịch sau đây:
“Kẻ nào trồng cây, kẻ đó có công. Kẻ nào đốn cây xử ra ván, kẻ đó có công. Kẻ nào ghéo ván đóng thành một cái ghế, kẻ đó cũng có công.
Kẻ nào ngồi lên chiếc ghế đó, đặt một đứa nhỏ lên đùi mình mà dạy cho nó biết đọc, kẻ đó lại có công hơn hết thảy.
Ba người trên chỉ giúp thêm vào cho tài sản của nhân loại. Người thứ tư mới thật giúp ngay cho nhân loại.
Người đó đã làm cho đứa nhỏ trở nên một người sáng suốt, nghĩa là người ưu tú hơn người thường”.
Trên đường tiến hóa cho Tổ quốc Việt Nam, ta không trông cậy ở mấy nhà “gõ đầu trẻ” thì ta còn trông cậy vào ai?