NGÔN NGỮ GIỚI TRẺ TRÊN INTERNET
Tác giả: Thạc sĩ Thân Trung Dũng
Dưới sự tác động của môi trường công nghệ thông tin và toàn cầu hoá, sự bùng nổ của trào lưu thay đổi ngôn ngữ viết trong giới trẻ đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh từ lo ngại chuyển sang trạng thái lao đao và chỉ biết kêu trời…Những người lớn tuổi đã không còn đủ kiên nhẫn để ngồi bàn luận hay kêu ca về chuyện chữ nghĩa trong nhà mình mà họ phải gõ cửa tận của trường, cửa lớp, từ các diễn đàn báo chí, truyền hình cho tới các diễn đàn xã hội trên mạng internet. Còn những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục thì cũng đang cố gắng để hô to khẩu hiệu: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”
Ở Việt Nam, Internet chính thức được sử dụng từ 19/11/1997. Từ khi internet du nhập vào nước ta, sự phát triển của dịch vụ này tăng lên nhanh chóng. Tính đến 12/2011, theo báo cáo của Tổng cục Tống kê số thuê bao Internet băng rộng trên cả nước ước tính đạt 4,2 triệu, tăng 16,1% so với năm 2010. Theo đó, số người sử dụng Internet tại Việt Nam là 32,6 triệu người, tăng 22%. Điều này cho thấy sự bùng nổ một cách nhanh chóng của dịch vụ Internet ở nước ta. Sự bùng nổ này đã có những tác động mạnh mẽ đến đời sống của con người, đặc biệt là giới trẻ. Internet đã trở thành một phương tiện rất quen thuộc không thể thiếu đối với đông đảo thanh, thiếu niên, nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiện ích, tích cực, internet cũng tồn tại những “mặt tối” mà gia đình và xã hội cần quan tâm. Ngoài những tác động xấu mà báo chí đã nói tới nhiều như các trang web đồi truỵ, tán gẫu, ảnh khiêu dâm, nghiện gamesonline …thì một trong những vấn đề đáng báo động đó là tác động của việc sử dụng internet đến những biến đổi về ngôn ngữ viết trong giới trẻ hiện nay.
A: “chẹp, lĩnh lương roài” “chả bít có nên mua cái áo len cánh dơi hông, uh chả hỉu còn mode không nữa””hix hix..”.(Chẹp lĩnh lương rồi, chả biết có nên mưa cái áo len cánh dơi không, ui chả hiểu còn mốt nữa không híc híc.. )
B: “sao thía? kêu ca ký rì?” (Sao thế? Kêu ca cái gì?)
A: “Lương thì như bèo, giá thì như diều. Mún mua nhìu thứ sao được với mí đồng còi” (Lương thì như bèo, giá thì như diều. Muốn mua nhiều thứ sao được với mấy đồng còi)
B: “nghe thảm wá, tốt nhất là kím nhìu xiền vào” (Nghe thảm quá, tốt nhất là kiếm nhiều tiền vào).
Rất nhiều chữ trong một từ được giản lược. Những từ càng xuất hiện nhiều chữ cái càng có nguy cơ bị viết tắt. Những từ, cụm từ được sử dụng ở mức độ thường xuyên thì mức độ giản lược càng lớn đôi khi chúng chỉ xuất hiện trong các cửa sổ chát với chữ cái đầu tiên. Và đương nhiên với rất nhiều từ, chúng ta sẽ chẳng thể tìm thấy trong bất cứ cuốn từ điển nào. Những từ “mới được khai sinh” ấy chỉ có nghĩa trong đời sống của chat, blog, facebook và forum.
Với những người chat chuyên nghiệp hay người trẻ làm việc nhiều với máy tính thì thông điệp họ gửi trên cửa sổ YM có khi còn nhanh và nhiều hơn cả việc họ chuyển tải qua việc trao đổi trực tiếp bằng lời nói. Ngoài vận tốc, thao tác với bàn phím thì những từ viết tắt trên cửa sổ YM tiết kiệm cho họ một lượng thời gian tối đa.
Kiểu “Fá káck” (Phá cách)
Một loại hình ngôn ngữ lạ lẫm ngày càng tràn lan trên các diễn đàn, blog, facebook chính là cách viết kiểu “Fá káck” chỉ “dành cho những teen yêu thích sáng tạo”. Sẽ thật “wê 1 kục” (quê một cục) khi bạn viết “thích quá”, mà nên viết là “thik wé”. Tương tự như vậy, giới trẻ có những cách viết khiến ai không quen dễ hoa mắt, chóng mặt và không thể hiểu được. Ví dụ như: “kông fu hỉ” (công phu nhỉ), hoặc “kảm xúc kủa kon ngừi” (cảm xúc của con người). Dường như có một quy luật chung, chữ “c” bị thay thế bằng chữ “k”, “i” thay thế bằng “y”, “qu” thành “w “, “b” thay thế bằng “p” .v.v… Viết như vậy mới chứng tỏ sự “sành điệu”, không chạy theo lối viết “mòn như những đồng xu” mà thầy cô vẫn dạy trên lớp từ xưa đến nay.
Kiểu giản lược cả chữ tiếng Anh
Nhiều từ tiếng Anh cũng được giới trẻ giải lược tôi đa khi viết trên mạng song lại được nhiều người chấp nhận và sử dụng. Ví dụ như: viết “luv” thay cho từ “love”, viết “miz” thay cho “miss”, viết “plz” thay cho “please”, “brb” thay cho “be right back”, “tty” thay cho “talk to you later”, “btw” thay cho “by the way”, “msg” thay cho “message”… và còn vô số các từ khác nữa cũng được giới trẻ hăn hở viết tắt. Ví dụ: “Ilu, Sul, G9” thay cho “I love you, see you later, good night” (Em yêu anh, hẹn gặp lại anh sau, chúc ngủ ngon nhé!).
Có thể thấy, việc viết ngắn được áp dụng với rất nhiều từ thông dụng trên Internet, khi nói chuyện với nhau nhiều từ viết ngắn đã được mặc định và dường như giới trẻ chẳng có ai lại không hiểu. Chúng ta chẳng ngạc nhiên gì về số lượng các từ viết tắt nhiều đến chóng mặt với tần suất xuất hiện trong các chatroom, các blog, forum, Facebook là rất lớn.
Ngôn ngữ cũng được “số hoá”
Nếu lần đầu tiên bạn nhận được tin nhắn hoặc đọc được bài nào đó trên Facebook với rất nhiều… số ghép cạnh những con chữ thì chắc hẳn bạn sẽ… chẳng hiểu gì. Đó chính là kiểu ngôn ngữ viết được “số hoá”. Việc ghép những con chữ với những con số gần đây cũng trở lên phổ biến trong giới trẻ online. Vì vậy mà đến giờ thì “pà kon” (bà con) đều hiểu rằng: “G92U” là “Good night to you – chúc bạn ngủ ngon” hay “999” là “ngủ ngon nhé” hoặc “chúc may mắn”… Rất nhiều từ được “số hóa” và cũng trở nên thông dụng như “4U” (for you – cho bạn) hay b4 (before – trước), “s2y” (same to you – bạn cũng vậy nhé).
Kỉu… chỉ có teen mới hỉu (Kiểu chỉ có teen mới hiểu)
Bên cạnh 4 kiểu viết phổ biến nêu trên, ngôn ngữ mạng của thế hệ 8x, 9x còn muôn hình vạn trạng. Kiểu dùng phím Shift để cách điệu khiến cho trong một từ các kí tự được viết hoa, viết thường xen kẽ không theo trật tự, quy tắc nào cả. Chẳng hạn: “PhOnG CáCH DàNh cHO NhỮNg tEEN yÊu ThíCh SÁnG tạO”. Kiểu nhấn Shift ngẫu nhiên này có vẻ được giới trẻ rất ưa chuộng vì nó “độc đáo, lạ mắt”. Lại có kiểu dùng các dấu, các chữ có sẵn trên bàn phím để biểu diễn. Ví dụ: “Kj3^?u ngh3^. thu4^.t(d4`nh ch0 nhu*~ng t33n pr0)” (Kiểu nghệ thuật dành cho những teen pro). Những kiểu chữ thế này nếu lần đầu đọc được chắc hẳn người lớn và các bậc phụ huynh sẽ khó có thể hiểu được.
Ngoài những cách biến đổi về ngôn ngữ viết, giới trẻ còn tận dụng tối đa các biểu tượng để biểu lộ tình cảm của mình. Nếu như người lớn chỉ quen các biểu tượng có sẵn trên yahoo thì giới trẻ còn có số lượng gấp nhiều lần với sự đa dạng hơn, nhiều sắc thái hơn. Mặt khác, để cuộc đàm thoại thêm phần thú vị giới trẻ đã sử dụng tối đa các từ cảm thán. Chính từ ý nghĩa đó mà sức sáng tạo của giới trẻ dành cho lĩnh vực này cũng không kém phần phong phú. Nếu bạn chỉ quen dùng “he he” “hoho” “hix hix” “chẹp chẹp”… thì hãy nhân lên số lượng gấp nhiều lần số từ biểu cảm bằng cách ghé thăm các chat room, blog, facebook để học hỏi.
Ngôn ngữ mạng “xâm nhập” học đường
Thói quen sử dụng ngôn ngữ viết trên mạng đã khiến giới trẻ mang cả những kiểu ngôn ngữ viết đó đến giảng đường. Như báo chí đã lên tiếng, thời gian gần đây ngôn ngữ mạng đã và đang “tung hoành” trong học đường, làm biến dạng ngôn ngữ tiếng Việt, “tạo lập” nên một loại hình ngôn ngữ “độc” mà chỉ có teen mới hiểu…
Nhiều giáo viên đi chấm thi đã từng đọc bài viết của các bạn học sinh, sinh viên và gặp nhiều trường hợp dở khóc dở cười khi học sinh viết bằng ngôn ngữ chat, viết tắt… Những câu kiểu“Bác thật quá sành điệu khi biết tận hưởng cuộc sống gần gũi với thiên nhiên – Sáng ra bờ suối tối vào hang”, hay “Dòng thơ bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm lãng mạng ơi là lãng mạng”, “Nguyễn Khoa Điềm sáng tạo ra âm hưởng chữ tình trính chị để xây nên một Mặt đường khát vọng hoành tráng“. Một kiểu “trữ tình ngoại đề” cũng rất phổ biến nữa là học sinh khi không làm được bài thì coi bài thi là một forum – thản nhiên “dốc bầu tâm sự”: “Nhà em vốn rất nghèo, em học hành chăm chỉ lắm, bỗng nhà em vụt khá giả, có nhà cao cửa rộng, thế là em bị cuốn vào cơn lốc cuộc đời. Tạm biệt thầy cô nhé, năm sau em sẽ cố gắng để trở thành một học trò tử tế”… Hay “Thầy cô nương tay cho em. Thầy cô thương em thì thương cho trót. Em thi lần này là lần thứ 3 rồi…”. Điển hình vào đầu tháng 5/2008, cộng đồng mạng đang xôn xao về bài viết môn văn của Bùi Minh Thu, học sinh lớp 10G5 trường Marie Curie, đã dùng nhiều tiếng lóng và ký hiệu rất phổ biến trong giới tuổi teen hiện nay: “Đồ quỷ sứ, tao là đàn bà phụ nữ hẳn hoi, hàng họ đầy đủ, tem chưa bóc, còn zin 100%, thế mà mài dám gọi tao = anh àk, bà lại vả cho một fát thì hết cả lấc cấc bây h“.
Có lẽ việc tiếp xúc quá nhiều, quá thường xuyên với thế giới ảo đã khiến giới trẻ xoá nhoà danh giới giữa thế giới mạng và thế giới đời thường. Nếu chúng ta cứ tiếp tục để tình trạng này diễn ra thì “căn bệnh” này sẽ ngày càng trở nên khó trị!..
Đôi lời kết luận
Việc tham gia các diễn đàn trên mạng ngoài mục đích giao lưu, trao đổi kiến thức thì sự vui vẻ vẫn là chính. Việc “pha” thêm vài tiếng lóng, ngôn ngữ địa phương trong các bài viết, đối thoại cho câu chuyện nhẹ nhàng, vui tươi, thoải mái vẫn có thể chấp nhận nếu chúng được sử dụng trong ngữ cảnh thích hợp và ở mức độ vừa phải. Nhưng nếu bị lạm dụng quá khiến cả người Việt Nam cũng phải nhờ “phiên dịch” thì quả đáng buồn.
Ngôn ngữ không chỉ là công cụ để chúng ta giao tiếp, biểu lộ tình cảm, suy nghĩ của mình, mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng tư duy cũng như ảnh hưởng lớn đến việc hình thành, phát triển nhân cách con người. Một ngôn ngữ đa dạng, biểu cảm nhưng hàm xúc và lôgíc là một tiêu chuẩn cần đặt ra cho những sáng tạo mới. Chính vì vậy, việc giữa gìn, bảo vệ “sự trong sáng của tiếng Việt” cần được các cấp, các ngành và chính các bạn trẻ quan tâm hơn nữa./.