Lối sống buông thả của giới trẻ: Lỗi do giáo dục?

Cuộc sống sinh viên xa gia đình, nhiều bạn trẻ có suy nghĩ thoáng trong tình yêu và tình dục. Cùng với đó, do thiếu kỹ năng sống, giáo dục giới tính bừa bãi đã gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc một cô sinh viên trẻ, sau khi sinh con đã vứt con qua ô thoáng nhà vệ sinh tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm là một ví dụ.

>> X lý s liu SPSS, tư vn viết lun văn, báo khoa học

>> Huấn luyện thực chiến “Thiết kế nghiên cứu và phân tích dữ liệu SPSS”

>> Cho thuê phòng học – Classroom for lease

>> Đăng ký làm gia sư

>> Đăng ký tìm gia sư

Lối sống buông thả của giới trẻ: Lỗi do giáo dục? - Ảnh 1

Theo các chuyên gia tâm lý, ngày nay nhiều bạn trẻ có suy nghĩ thoáng trong tình yêu và tình dục, nhưng lại chưa có đủ kiến thức để tự bảo vệ mình. 

Khi “sống thử” trở thành chuyện… bình thường!

Những ngày qua, dư luận cả nước vô cùng bàng hoàng, đau xót và phẫn nộ trước vụ việc một cô gái sinh con rồi ném qua ô cửa thông gió nhà vệ sinh, xảy ra tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Theo điều tra, người ném con mới sinh từ tầng 31 chung cư xuống đất là một sinh viên năm 4 tại một trường đại học ở Hà Nội, quê Quảng Bình. Mặc dù còn đang đi học nhưng cô đã yêu và mang thai. Sau khi chia tay người yêu, với cái thai trong bụng, cô tiếp tục cặp bồ với 2 nam thanh niên nữa. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, cô vừa “yêu” người mới được một tuần.

Vụ việc các bạn nữ sinh viên sinh con ra rồi vứt bỏ như vụ việc trên đây không phải xảy ra lần đầu tiên. Vào tháng 3/2015, cộng đồng mạng cũng đã một phen “dậy sóng” về câu chuyện cô nữ sinh của một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, khi đang thực tập tại một bệnh viện thì bất ngờ chuyển dạ. Cô gái này đã chạy lên nhà vệ sinh ở tầng 3 để sinh, sau đó nhẫn tâm vứt đi đứa con sơ sinh còn nguyên dây rốn.

Quan hệ tình dục khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, có thai ngoài ý muốn, tự sinh con rồi vứt bỏ không chỉ nói lên lối sống buông thả, dễ dãi mà còn cho thấy sự băng hoại đạo đức đáng lên án. “Chuyện “sống thử” với sinh viên bây giờ không hiếm. Ngay trong lớp mình, phải có đến 5 – 6 bạn như vậy. Không hề giấu các bạn cùng lớp, bạn mình thường lên lớp kể về cuộc sống chung với bạn gái. Các bạn kể từ chuyện về phòng được phục vụ như một người chồng thế nào, cho đến những chuyện cãi vã, đụng tay đụng chân đánh nhau vì những mâu thuẫn trong sinh hoạt ra sao. Thậm chí có bạn còn khoe tháng này sống thử với bạn gái A, nhưng 3, 4 tháng sau lại chia tay đến sống thử với bạn gái B và xem đó như chiến tích tình trường đáng tự hào. Bây giờ nhiều bạn sinh viên sống thoáng lắm”, Tuấn Anh (sinh viên trường ĐH Thương mại Hà Nội) chia sẻ.

Nguyễn Đỗ Cẩm Anh (sinh viên trường ĐH Thủy Lợi) kể về câu chuyện bạn cùng phòng: “Mình và Hường sống cùng một phòng được 1 năm, thời gian gần đây bạn ấy có người yêu. Bạn trai của Hường thường xuyên đến chơi và ngủ lại phòng. Lúc đầu vì ngại nên mình đã lên gác xép ngủ để hai bạn tự nhiên, nhưng rồi bạn trai của Hường liên tục đến và ngủ lại. Nhiều khi có cả chuyện tế nhị khiến mình phải đeo tai nghe, trùm chăn kín mặt để khỏi ngượng. Mình đã nhiều lần nói chuyện với Hường nhưng bạn ấy tỏ thái độ không hài lòng, nghĩ vì mình ghen tỵ. Vậy nên mình đã chuyển ra ngoài ở cho họ tự nhiên”.

 Cần có sự quan tâm của xã hội, nhà trường

TS Xã hội học Thân Trung Dũng cho rằng, đại bộ phận giới trẻ hiện nay đang thiếu hụt về kỹ năng sống cũng như bài học giới tính. Những câu chuyện “sống thử” không chỉ bây giờ mới xuất hiện mà nó xuất hiện từ nhiều năm nay. Quan điểm về tình yêu, tình dục của các bạn trẻ hiện nay khác rất nhiều do với thời xưa. Có thể, do giới trẻ đang phải chịu sự tác động của nền công nghệ thông tin bùng nổ, lối sống phương Tây nên mới dễ dàng thay đổi suy nghĩ cũng như hành động trong tình yêu, tình dục. Nếu nhìn nhận đúng về mặt khái niệm thì nó không còn là “sống thử” nữa mà là sống thật. Chính quan niệm cởi mở về tình yêu, tình dục, lối sống thực dụng đã đẩy các bạn trẻ dễ dàng “góp gạo thổi cơm chung” với nhau và gây những tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần của hai giới.

Theo ông Dũng, vấn đề giáo dục giới tính từ trong gia đình, nhà trường, xã hội nhiều năm nay vẫn còn bỏ ngỏ. “Tôi nghĩ, cần có sự quan tâm của xã hội, nhà trường. Nên có những chương trình giáo dục nếu không được chính khóa thì cũng cần những buổi tập huấn mang tính cộng đồng về sức khỏe sinh sản vị thành niên do các chuyên gia có kinh nghiệm chia sẻ đến học sinh, sinh viên”, TS Xã hội học Thân Trung Dũng nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng: “Hiện ngày càng nhiều những vụ việc liên quan đến tuổi trẻ đang có biểu hiện của lối sống buông thả, thậm chí là sa đọa như vậy thì phần nhiều là do giáo dục mà nên. Vậy thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm gì trong vấn đề này. Đừng đổ tại thế hệ trẻ nhiều quá”.

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ: “Nền văn hóa và giáo dục phương Đông không khuyến khích và chấp nhận “sống thử”. Sinh viên phải sống xa gia đình nên phá rào “sống thử”. Dù xã hội có chấp nhận hay không thì việc thảo luận về “sống thử”, điều kiện để “sống thử” mà không gây hậu quả đáng tiếc là cần thiết. Giới trẻ thường tò mò, thích “sống thử”, nhưng “sống thử” mà gặt hái được một cái kết tốt đẹp thì khá hiếm, đặc biệt với nữ sinh viên sẽ rất thiệt thòi. Vì vậy, các em nên thận trọng trước khi quyết định “sống thử”.

HOA HẠ

Nguồn: http://baodansinh.vn