Đây không phải là một bài viết theo thứ tự từng bước, mà từ một câu hỏi lớn, tôi phân ra thành những câu hỏi nhỏ hơn để cố gắng giải quyết một cách rốt ráo. Các bạn hãy nhớ, đây là những quan điểm cá nhân, đừng vội tin hay vội phản đối làm gì, nhiệm vụ của các bạn không phải là chấp nhận hay loại bỏ nó, mà là đọc, suy ngẫm và đối chiếu với bản thân mình cho phù hợp. Con đường mình chọn, mình tự chịu trách nhiệm. Sau đây là những suy nghĩ của tôi về việc này:
1. Điểm không thể quay lại
Một chiếc máy bay từ Việt Nam bay đến Nga, cho rằng thẳng đường theo phương Bắc, thì sẽ đi qua Trung Quốc, Mông Cổ và tới Nga. Giả sử khi bay ngang qua bầu trời Mông Cổ, máy bay có vấn đề, thì việc đầu tiên cơ trưởng sẽ tính toán con đường tới Nga còn bao xa, có thể bay tiếp tới hạ cánh an toàn không, không ai nghĩ là phải quay về Việt Nam để kiểm tra rồi mới bay tiếp. Khi máy bay chạm tới biên giới Mông Cổ, ta gọi đó là điểm không thể quay lại.
Điểm không thể quay lại, có thể hiểu rằng nếu quay lại thì thiệt hại gây ra cho toàn chuyến bay có thể nặng nề hơn và hậu quả khôn lường hơn gấp bội. Nhiều bạn học đại học tới năm 3, năm 4 đã không biết cách ví mình như chiếc máy bay trên.
Nếu bạn bỏ học để bắt đầu lại từ đầu, bạn phải xác định rõ rằng nếu bạn đi tiếp (dù là đau khổ) thì vẫn tiêu tốn ít chi phí hơn là quay lại, thì bạn có nên bỏ học không?
2. Nghỉ học xong bạn sẽ làm gì?
Nếu bạn chỉ nghỉ vì chán trường học mà không biết mình sẽ làm gì tiếp theo, thì việc bạn nghỉ hay không cũng không quan trọng, quan trọng là bạn ở đâu cũng thất bại mà thôi, vì bạn là kẻ bỏ cuộc, chứ không phải là kẻ vấp ngã rồi đứng lên. Hai hình ảnh này khác nhau, bạn đang cố gắng bỏ chạy khỏi trường học, chứ không phải là vì bạn có một cơ hội khác lớn hơn để trưởng thành, đổi đời bằng việc kinh doanh, hay là cơ hội làm việc hấp dẫn.
Bạn nên nhớ, kinh doanh hay việc làm cũng là việc đi học, nó khác ở chỗ là bạn được trả lương cho hiệu suất “học hành” của mình, sếp và đồng nghiệp là những người thầy không công của bạn. Cuộc đời không phải là bắt đầu từ việc bạn bước ra khỏi trường học, mà là việc bạn bắt đầu bước vào tuổi 18, mỗi năm đại học là một bước vào đời với ít rủi ro và sự chu cấp của gia đình. Sau đó thì bạn bước vào đời với nhiều rủi ro nhưng cũng nhiều cơ hội, và có lẽ là đã dứt bỏ sự chu cấp của gia đình (nhiều bạn không như thế, vẫn bám lấy gia đình sau khi tốt nghiệp).
3. Nghỉ học không có nghĩa là ngừng học.
Bill Gates nghỉ khỏi Harvard nhưng sau đó trở lại để học những môn học, thậm chí là theo một chương trình học phù hợp với mình để nuôi dưỡng tài năng và bồi đắp tri thức. Steve Jobs nghỉ khỏi chương trình học, nhưng từ đó ông tự do lựa chọn các chương trình học mà mình yêu thích, như Typography – môn học giúp ông sau này thiết kế được những font chữ quang học tuyệt đẹp trên máy Mac, để sau đó Microsoft chôm chỉa ý tưởng này để làm fonts chữ, và bây giờ thì bạn đang đọc được những dòng này là do sự học của Steve Jobs chứ không phải do ông KHÔNG học.
Như vậy, không có ai bỏ học cả, họ chỉ nhận ra con đường HỌC nào phù hợp với mình và không mà thôi.
4. Bằng cấp có quan trọng không
Xin thưa là có và không. Có là vì nếu sau này bạn muốn học lên cao, thay vì bạn phải học 4 năm đại học rồi mới học master, thì nay bạn có bằng, con đường học sâu của bạn cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Kinh nghiệm này, là từ bản thân tôi, nghỉ học BK tôi không hối tiếc, nhưng tôi tiếc cho mình khi bỏ qua những cơ hội rõ mười mươi khi muốn học nâng cao thêm mà chỉ thiếu cái bằng để nộp vào, 8 năm kinh nghiệm lúc này không giúp ích được trong trường hợp này.
Không là vì sao? Bằng cấp không quan trọng, nhất là ở Sài Gòn nếu bạn muốn kiếm việc làm, 8 năm đi làm tôi chưa hề trưng ra bất cứ bằng cấp nào, ở xã hội tiên tiến, tôi cũng cho rằng đa số các doanh nghiệp cấp tiến, họ trọng dụng người tài bằng cách thử xem họ có làm việc được không, chứ không phải bắt họ nhè ra bằng cấp. Ở miền Bắc và miền quê, tôi thấy các bậc cha mẹ còn chú trọng định hướng cho con cái là phải “có tấm bằng lận lưng”, họ không sai, nhưng nó chỉ là điều kiện cần để bạn vào đời, để đủ, thì đó là năng lực của bạn được hình thành do quá trình trui rèn để có cái bằng đó, nhưng hầu hết các sinh viên VN đều thiếu điều kiện đủ, tốt nghiệp xong với điều kiện cần thì cũng không đâu vào đâu cả.
Còn bạn muốn làm nhà nước, theo hệ thống lương thì cần phải có bằng cấp, nhưng tôi dám cá với bạn là với suy nghĩ “chán học” hơi nổi loạn của bạn, tôi nghĩ bạn đã có ý nghĩ ít nhiều xem thường những người xin vào làm cho nhà nước, nơi mà không cần năng lực, chỉ cần giỏi một số kỹ năng quan hệ bằng miệng.
5. Bạn nghỉ vì không học nổi, hoặc không phù hợp với hệ thống giáo dục Việt Nam?
Xin thưa với bạn là, dù hệ thống giáo dục này tồi tệ đến mức nào, nhưng nếu bạn thấy quá khó khăn để học hành ở Việt Nam, tôi cũng nghĩ là việc bạn đi du học cũng không đâu vào đâu cả. Ở đây dễ thế mà cũng không học đươc, thì đi đâu cũng chả ra gì cả .
Nói thế không phải là bênh vực, nói thể để các bạn xem lại khả năng của mình, là do mình kém không học nổi đại học, thì đừng sĩ diện nữa, mà cân nhắc xem có nên học nghề hay không, hoặc là hạ thấp kỳ vọng vượt quá sức của mình xuống, chọn con đường phù hợp hơn với mình, viễn vông làm gì. Việc một học sinh kém thường xuyên đạt điểm 4, nay nếu anh ta cố gắng lên 5-6 là đã tốt rồi, từ từ rồi mới lên 8-9 sau, đặt kỳ vọng vượt quá sức, có nên gọi là ảo tưởng sức mạnh không?
Hãy tự lượng sức mình.
6. Năng khiếu sở thích quan trọng hay năng lực quan trọng?
Nếu bạn nghỉ học để đi theo đam mê, tôi không có gì phải nói cả, tôi chỉ nhắc nhở bạn là, lý do nào bạn nghĩ đó là đam mê thật sự của bạn? Nhiều người thích hình ảnh được nhận huy chương, được báo chí phỏng vấn như một anh hùng kình ngư, nhưng chưa chắc là mê bơi. Cái ảo giác về thành tích của một vị trí xã hội nào đó, khiến cho bạn lầm tưởng về cái mình trở thành và cái mình đạt được.
Huy chương, hình ảnh vinh quang là kết quả của nhiều năm khổ luyện kỹ năng bơi lội. Vấn đề của bạn là tự nghĩ rằng mình đam mê, nhưng thực ra có thể là đang tự sướng với những hình ảnh thành công, tự mê hoặc mình, chứ không bao giờ chịu nhận thấy những bài học kinh nghiệm thực tế rằng mình sẽ trải qua những khó khăn nào, cho nên con đường đam mê, thực chất là con đường khá là rủi ro, bởi bạn không chắc được đó có phải là “true love” hay chỉ là “sét đánh”, bạn đang chạy theo cái mình MUỐN, và quên mất điều quan trọng, đó là phải làm cái mình CẦN.
Cái bạn cần làm là phát triển, mài giũa năng lực của mình. Đam mê sẽ chết sớm nếu bạn không có năng lực trong đam mê đó, giữa những điều rất thích mà không có năng lực, thích ít nhưng có năng lực, tôi khuyên bạn nên chọn trường hợp thứ hai. Làm được việc giúp cho bạn tự tưởng thưởng chính mình, tạo nên sự kết dính chặt chẽ giữa sở thích và năng lực, dần dần bạn sẽ đam mê, và cái đam mê này, đều có một điểm chung, đó là cảm giác phê thuốc về những “công trình” do mình tạo ra. Những trường hợp như Gate, Zuckerberg đi theo đam mê, đừng quên, Gate dành suốt những năm cấp II của mình để suốt ngày lập trình, còn ông chủ Facebook từ năm 8 tuổi đã viết game để kiếm tiền. Người ta nếu chịu khó truy tận gốc những đam mê, thì nó xuất phát từ việc cần làm nhiều hơn là việc muốn làm.
Đến sau này nó đang xen lại rồi, bạn có năng lực rồi, bạn có cả đam mê nữa, thì nó mới là đam mê thật sự. Việc bạn mê một cô gái đẹp, khác với việc bạn bỏ công sức ra để hoàn thiện những kỹ năng tán tỉnh hay sinh sản của mình.
7. Giả sử bạn nghỉ học để làm theo điều mình thích?
Vậy hãy chỉ cho tôi thấy sản phẩm của bạn, bạn có thử bán nó cho ai chưa, có ai thuê bạn làm chưa? Có ai trả tiền cho những giá trị bạn tạo ra chưa?
Nếu chưa, tất cả những lời bạn nói về sở thích, tôi e rằng đó là lời nói suông, vớ vẩn.
Cuộc sống này không có chỗ đứng cho những kẻ vô dụng, không tạo ra giá trị gì cho cuộc đời cả. Nếu những giá trị đó chưa thể quy đổi thành phương tiện giúp bạn sống sót qua… cơn đói, bạn thôi hãy đừng chiêm bao vội.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp những giá trị bạn tạo ra nó vô hình, như khi bạn đi học, bạn giúp bạn bè đoàn kết hơn, giúp bạn bè giải những đề toán hóc búa, hoặc những quyển sách bạn đọc, bạn viết nó ra và khi chia sẻ bạn giúp được nhiều người… thì trường hợp này bạn nên khai thác kỹ nó hơn nữa, xem có thử chuyển thành một sản phẩm mà bạn có thể đem trao đổi với những vật phẩm khác để giúp bạn duy trì cuộc sống cá nhân ở mức tối thiểu được hay không.
Nếu bạn làm được như thế, thì cứ mạnh dạn bước ra đời và vấp ngã rồi trưởng thành, bởi tôi tin rằng khi tạo ra giá trị, bạn ở đâu cũng sẽ thành công.
8. Bạn đang học năm nhất, năm hai và nghĩ rằng mình không phù hợp với ngành này?
Tôi nói cho bạn biết, bạn có đi theo học ngành khác mà bạn nghĩ mình thích cũng chưa chắc là thành công hay thật sự thích nó. Nhiều người ra đời đã làm trái nghề, noi cho nó vuông là vậy, nhưng nói cho nó tròn, là họ học trái ngành nhưng làm đúng nghề thì sao?
Nói đến điều này, phải nói đến những gì bạn có thể học ở trường đại học. Đó là (1) kỹ năng nghiên cứu, (2) kỹ năng giải quyết vấn đề, (3) kỹ năng làm việc tập thể, hợp tác và tôn trọng, (4) kỹ năng làm việc dưới áp lực cao (dù chỉ là một cái bài thi), (5) Kỹ năng cân bằng giữa cuộc sống, học tập, các mối quan hệ ngoài trường học, (6) Kỹ năng cân bằng các nguồn lực, vừa làm vừa học, ít tiền thì ăn uống ra sao, nhiều tiền thi đầu tư vào việc gì… và kỹ năng… (7) trì hoãn (sự thật là cái số 7 này bạn học ở đại học nhiều hơn bất cứ đâu trong cuộc sống).
Bạn thấy đấy, tôi không đề cập đến kiến thức, mà tôi nói về thái độ, kỹ năng và sự trưởng thành của bạn trong việc học đại học. Nếu bạn thấy còn nhiều điều có thể học ở đại học nữa, thì xin chúc mừng bạn. Nếu bạn muốn nghĩ học, trước hết phải xem công việc tiếp theo, hoặc việc bạn tự học có đủ hiểu biết để tự bồi đắp những kỹ năng cần thiết đó hay không? Nếu câu trả lời rõ ràng và chắc chắn, tôi nghĩ việc cần làm của bạn lúc đó không phải là chuyện nghỉ hay không nữa, mà là việc lựa chọn học với một tâm thế trong 4 năm đại học sắp tới sẽ khác. Bạn vẫn có thể học trên trường và nỗ lực kết thúc những môn học nhàm chám, nhưng ở mức chấp nhận được, và tập trung đầu tư cho những gì mình thích, không ai có nhiều thời gian như sinh viên, nhưng sinh viên là cái đám giai cấp luôn rêu rao rằng mình bận rộn nhất cuộc đời (mà thực ra là do khả năng quản lý thời gian và nguồn lực quá kém, và thái độ với cuộc đời quá trẻ con).
Bạn nên nhớ, ngay cả khi bạn vào đời, công việc đầu tiên của bạn cũng không dễ đạt được tỷ lệ 50% những việc bạn làm là bạn sẽ yêu thích. Trung bình thì khối lượng đến 80% công việc mà bạn không thích, sau đó khi bạn phát triển năng lực, thì tỷ lệ này mới thay đổi dần, và khi bạn trở nên xuất sắc, cũng là lúc bạn có tỷ lệ ngược lại, 80-20 (thích -không thích).
Bạn nên chuẩn bị tâm lý này khi còn ngồi ghế nhà trường, ăn cơm cha mẹ nuôi, còn sau này ngoài đời, không cho bạn nhiều cơ hội quyết định đâu, bởi bạn mà dừng lại để quyết định, thì cái mỏ bạn sẽ mốc meo, chả có thời gian mà rảnh rỗi (trừ khi bạn thiếu tự trọng đến nỗi sau 22 tuổi rồi mà vẫn bám vào mâm cơm của cha mẹ già, hoặc giả như nhà bạn quá có điều kiện thì thôi khỏi nói, bạn càng ăn bám thì bạn càng kém cỏi sau này).
9. Kỹ năng tự học của bạn như thế nào?
Việc bạn lao vào đời, đồng nghĩa với việc từ đó trở đi, hiếm có dịp ai dạy bạn thường xuyên nữa, không có môn học nào phải bắt buộc, nhưng nếu có chí tiến thủ, bạn phải là một người tự học tốt.
Nếu bạn chả biết kỹ năng tự học là cái gì, thì thôi rồi, việc có ý định nghỉ học để làm thực hiện này nọ cũng giống như Nobita nhiều lần bỏ nhà ra đi nhưng lại mượn bảo bối để về… ăn mì tôm, vì không có khả năng tự sống một mình được, thì ở nhà hay ở đâu cũng thế thôi.
Bạn không tự lập được, thì lo mà học cách tự lập trước đi đã, trước khi trách mắng trường học và cha mẹ ép buộc mình. Vì bạn không tự quyết định được nên cuộc đời quyết cho bạn, thế có gì mà lạ.
10. Bạn có biết nghe lời trái tai không?
Kinh nghiệm này từ một người anh truyền lại cho tôi. Anh ta cho rằng, tôi là một người biết nghe lời trái tai, thật ra câu này là câu tôi được tặng, chứ không phải lúc tôi nghe là tôi “có thể nghe lời trái tai” đâu. Mãi sau này tôi cứ khắc ghi mà ứng dụng câu này trên đường đời, mỗi lần vấp ngã, người khác góp ý hoặc kể cả nói xấu, tấn công mình, tôi đều trụ vững, và ngày càng bản lĩnh hơn. Bởi câu thần chú đó.
Câu này không phải có nghĩa đen là nghe lời nghịch nhĩ, mà là bạn có chấp nhận chính bản thân mình như một người thấp bé (tính khiêm tốn) muốn học hỏi và vươn lên dù ở hoàn cảnh nào trong cuộc sống không?
Nếu bạn dám chấp nhận mình đang ở vị trí thấp nhất để liên tục vươn lên, thấy ai cũng đáng để học hỏi, chịu được những phản hồi tiêu cực từ cuộc sống, gạt bỏ được dư luận, sống kiên định và có ý chí với những lựa chọn mình cho là đúng đắn, tôi tinh rằng thành công sẽ đuổi theo bạn dù trong học đường hay công sở.
Cuối cùng, điều tôi muốn nói là, việc đặt câu hỏi nghỉ hay không nghỉ không quan trọng. Điều quan trọng là bạn tự biết nhận ra mình là ai, mình có thể làm được những gì, làm ở đâu, cần học hỏi những gì để trưởng thành, cần đi đâu, cần bao nhiêu thời gian v.v… mới là những câu hỏi quan trọng.
Một khi bạn có những câu trả lời rõ ràng xác đáng rồi, thì việc trở lại giải quyết câu hỏi “nghỉ hay không nghỉ” không còn quan trọng nữa.
Bạn nên nhớ, việc học là việc cả đời, nhưng câu này chỉ đúng với người ham học, có chí tiến thủ, muốn có một cuộc sống ý nghĩa, không hoài phí mà thôi. Câu này không dành cho những kẻ an phận, thích sống qua loa, xuề xòa, thiếu sự khiêm tốn (cho rằng học bấy nhiêu là đủ) và chỉ thích thụ hưởng.
Việc bạn biết mình là ai, quan trọng hơn câu chuyện học đại học nhiều gấp tỷ ty.
Ngày hôm nay, hãy quên câu hỏi “nghỉ hay không nghỉ” ấy đi. Và từ nay hãy tự hỏi mình bằng những gì mà các bạn rút tỉa được trong bài viết này, cho mình, và cho cuộc đời tốt đẹp của những ai liên quan đến mình nữa.
Sài gòn 19/12/2014.
Đặng Trần Lê Vũ