Giáo viên có thể vừa thừa, vừa thiếu nếu áp dụng chương trình mới

‘Do học sinh được quyền chọn môn học nên có thể dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở những môn có nhiều em lựa chọn và thừa ở môn không có người chọn’, thạc sĩ quản lý giáo dục Lê Thị Ngọc Nhẫn phân tích.

 

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biến để lấy ý kiến đóng góp, chúng ta thấy có điểm nổi bật đó là học sinh được quyền tự chủ trong học tập, được quyền tự chọn các môn học và các chuyên đề học tập.

Điển hình ở trung học phổ thông, chương trình mới chỉ có 4 môn học bắt buộc là Ngữ văn (2 tiết/tuần), Toán (2 tiết/tuần), Ngoại ngữ 1 (3 tiết/tuần) và Công dân với tổ quốc (2 tiết/tuần). Như vậy, tổng số tiết các môn học bắt buộc trong tuần là 9 tiết. Còn lại 19 tiết/tuần học sinh được quyền tự chọn học các môn khoa học tự nhiên hoặc các môn khoa học xã hội và tự chọn các chuyên đề học tập trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Điều này rất tốt cho học sinh vì sẽ giúp cho các em phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập và phát triển năng khiếu, sở trường của bản thân. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó đúng tinh thần, ý nghĩa của “tự chọn” lại là điều không dễ dàng đối với các cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và điều kiện thực tiễn của nhà trường.

Thực tế trong thời gian qua, khi thực hiện các chủ đề tự chọn trong chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện tại, nhiều trường cũng cho học sinh tự chọn nhưng chỉ chọn trong khả năng những gì trường có thể làm chứ không phải là tự chọn theo nguyện vọng thực sự của học sinh. Vì thế, học sinh thường nói đùa với nhau: Tự chọn như thế này là “bị chọn” chứ không phải là “được chọn”.

Chỉ có vài tiết dạy theo chủ đề tự chọn mà các trường đã gặp khó khăn như thế, thử hỏi đến khi thực hiện chương trình mới với số môn và số tiết tự chọn nhiều hơn gấp đôi số môn và số tiết bắt buộc thì các trường phải làm sao? Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp nào để việc dạy học tự chọn ở các trường phổ thông được thực hiện đúng thực chất, để học sinh “được chọn” chứ không phải “bị chọn” như hiện nay?

Với thời lượng và số môn tự chọn trong chương trình mới như dự thảo đề ra, các trường sẽ gặp phải một số khó khăn như sau:

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ: Xét về tỷ lệ giáo viên trên lớp thì các trường có thể đảm bảo đủ theo quy định, tuy nhiên do học sinh được quyền tự chọn môn học nên có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở những môn có nhiều học sinh chọn và thừa giáo viên ở những môn không có học sinh chọn hoặc chỉ có số ít học sinh chọn. Ngoài ra, mỗi năm học khác nhau, học sinh lại có xu hướng lựa chọn các môn học khác nhau, vì thế, có thể trong năm học này trường thiếu các giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên, thừa các giáo viên dạy các môn khoa học xã hội, nhưng năm sau có thể ngược lại.

Vậy làm sao hiệu trưởng chủ động được nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của học sinh thay đổi theo từng năm học và đảm bảo thực hiện đúng chế độ làm việc của giáo viên trong phân công giảng dạy các môn học? Đây là vấn đề nan giải vì nó không những liên quan đến vấn đề nhân sự mà còn liên quan đến vấn đề tài chính và công bằng trong lao động.

Thiếu điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị: Để thực hiện các chuyên đề tự chọn trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đòi hỏi nhà trường phải được trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết để học sinh có điều kiện thực hành. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế giảng dạy, nhiều trường chỉ có thể dạy “chay”.

Chẳng hạn, ở chương trình lớp 11 hiện nay, nhiều trường chọn cho học sinh học nghề điện dân dụng đơn giản chỉ vì có thể phân công giáo viên môn Vật lý đảm nhiệm dạy. Tuy nhiên, khi dạy các bài thực hành như quấn máy biến áp 1 pha, sử dụng và bảo quản máy bơm nước, máy giặt… giáo viên cũng chỉ dạy lý thuyết vì các trường không có kinh phí để mua sắm các thiết bị, máy móc đắc tiền đó. Có giáo viên nhiệt tình mang máy bơm nước ở nhà vào trường dạy cho học sinh, tháo các bộ phận ra cho học sinh quan sát thì dễ dàng nhưng khi lắp ráp lại thì máy không hoạt động được. Vì thế, có những điều tưởng chừng không khó khăn gì nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì không dễ chút nào.

Khi xây dựng chương trình mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dự báo được các rào cản, các rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện chương trình và đề xuất được các giải pháp khả thi để phá bỏ các rào cản, tránh được các rũi ro đó. Tuy nhiên, điều này chưa thấy được thể hiện trong bản dự thảo. Rất mong Bộ nghiên cứu bổ sung.

Hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có được những giải pháp hữu hiệu để giải quyết các khó khăn của nhà trường trong việc tổ chức dạy học tự chọn một cách căn cơ và bền vững chứ không phải chỉ là những cách “chữa cháy” tạm thời. Có như thế học sinh mới có thể thực hiện được quyền “tự chọn” của mình một cách đúng nghĩa và chương trình giáo dục phổ thông mới có thể đạt được các mục tiêu đề ra.

Lê Thị Ngọc Nhẫn
Thạc sĩ Quản lý giáo dục