Giáo sư Vũ Khiêu – một hiền tài sống động, tỏa sáng uyên bác và tâm hồn cao đẹp

Vẫn biết lúc sinh thời, Giáo sư Vũ Khiêu luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một chuyến đi xa về với tổ tiên Vũ (Võ) thị tộc nghìn đời và gặp lại các bậc tiền bối cách mạng, nhưng nghe tin ông mất bao người vẫn không khỏi bùi ngùi tiếc thương sự ra đi của một cây đại thụ trên nhiều lĩnh vực sẽ để lại một khoảng trống trên bầu trời và trong lòng bao người ở lại.

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu (1916 – 2021)

Bất kỳ ai dù mới gặp ông lần đầu hay con cháu trong gia đình, người giúp việc gặp ông hàng ngày đều cho chung cảm nhận ở ông luôn toát ra một nguồn năng lượng rất đặc biệt để “hóa giải” mọi mối tơ lòng trong cõi nhân gian. Sự gần gũi, đồng cảm sẻ chia chân thành với bất kỳ ai, không phân biệt quyền thế sang hèn. Dù là chính khách hay thường dân đến với ông, ông đều trân trọng như những người bạn thân thiết lâu ngày không gặp. Trong giới bạn bằng hữu tri âm thân thiết của ông vẫn truyền tụng câu nói: “Đến với Vũ Khiêu giày dép và địa vị tiền tài xin để ngoài cửa”.

Với người viết bài này, những ký ức và ấn tượng về ông suốt 20 năm vinh dự được gần gũi bất chợt lại dội về da diết khôn nguôi. Nhớ về vị Giáo sư không chỉ là bậc hiền triết thông tuệ Đông Tây Kim Cổ, một Anh hùng bền bỉ lao động tận hiến đến giây phút cuối cùng, một Nghệ sĩ luôn bao dung giữa đời thường với muôn tình bạn, mà thực sự với chúng tôi, Giáo sư Vũ Khiêu trước hết là một người bác, người ông gần gũi thân thương, rất tâm lý luôn lắng nghe, quan tâm và chia sẻ như ruột thịt trong gia đình.

Ấn tượng khó phai

Ngay khi học cấp 3 tại Trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai, Hà Nội), tôi đã được đọc tác phẩm về Cao Bá Quát của Giáo sư Vũ Khiêu viết từ những năm 1970. Những năm học đại học, tôi được đọc thêm nhiều tác phẩm của ông như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Nho giáo và con người… Thật may mắn sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được làm việc trong môi trường gần gũi nhiều vị lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, nhà văn hóa, nhà khoa học cao niên, trong đó có Giáo sư Vũ Khiêu.

Nhớ lại thời kỳ đầu năm 2003, theo gợi ý của Nhà báo Đỗ Phượng, Nhà báo Nguyễn Ngọc Châu dẫn tôi đi thăm Giáo sư Vũ Khiêu và một số người bạn thân thiết của Giáo sư đang sinh hoạt và gắn bó với các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UNESCO Việt Nam, CLB Thăng Long và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.

Căn nhà tập thể của Giáo sư Vũ Khiêu rộng chừng 40 mét vuông nằm sâu trong ngõ 36 phố Vạn Bảo (Ba Đình, Hà Nội). Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp Giáo sư Vũ Khiêu là sự gần gũi, lịch thiệp và sự thông tuệ hiếm thấy cùng với phong thái ung dung tự tại, vầng trán cao, đôi mắt sáng tinh anh, miệng tươi cười và một giọng nói ấm trầm truyền cảm nghĩa tình. Thoạt nghe đã thấy sự tin tưởng, mến mộ!

Tác giả bài viết (bên phải) cùng Nhà báo Nguyễn Ngọc Châu lưu niệm cùng Giáo sư Vũ Khiêu năm 2003

Sau khi nghe nhà báo Nguyễn Ngọc Châu giới thiệu về tôi, mới tốt nghiệp đại học từ chối làm ở một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hấp dẫn về làm việc tại một Trung tâm nghiên cứu của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam với mong muốn được gần gũi học tập từ nhiều vị lão thành cách mạng, Giáo sư Vũ Khiêu chúc mừng tôi đã có một quyết định đúng đắn bởi tâm thế cầu thị học hỏi rõ ràng.

Ông phân tích nghề trồng hoa cây cảnh và thú chơi Sinh Vật Cảnh ở Việt Nam đã có truyền thống lâu đời không chỉ trở thành sinh kế nuôi sống bao người mà còn là một nét đẹp văn hóa giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày nay, nghề hoa cây cảnh còn gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, thu hút du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước.

“Sinh Vật Cảnh nói riêng nền nông nghiệp Việt Nam nói chung cần có thêm thật nhiều trí thức trẻ dấn thân cống hiến để phát triển tương xứng với vị thế tiềm năng. Chúng ta cần phải cùng nhau làm tốt hơn nữa, hiện thực cụ thể hơn nữa phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và phát động những năm 60 của thế kỷ trước. Đặt vấn đề như vậy chúng ta sẽ thấy, đây thực sự là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên, sinh thái và môi trường góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…”, Giáo sư Vũ Khiêu nhấn mạnh.

Qua câu chuyện từ buổi gặp đầu tiên, tôi được biết chính Giáo sư Vũ Khiêu cùng với những người bạn của ông đã đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam và Tạp chí Việt Nam Hương Sắc. Giáo sư và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai người sớm quan tâm tổng kết và định hướng về lối sống hòa đồng với thiên nhiên, yêu quý Sinh Vật Cảnh của người Việt xưa và nay.

Theo Giáo sư Vũ Khiêu, chúng ta gần gũi thiên nhiên là bởi: Thiên nhiên vừa là người mẹ hiền, vừa rất hào phóng, vừa rất nghiêm khắc. Dải đất bốn mùa xanh tươi của Việt Nam là một nguồn vô tận cho cuộc sống no đủ của mọi người. Nhưng cũng trên mảnh đất này lại diễn ra cảnh tượng bão lụt, hạn hán, luôn luôn hủy hoại mùa màng cướp đi cả tài sản và sinh mạng con người. Những thử thách lớn lao ấy đòi hỏi nhân dân ta phải có một khí phách kiên cường để “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, duy trì cuộc sống của mình, đem lại sự giàu mạnh cho tổ quốc. Bao nhiêu công sức đã đổ xuống mảnh đất này, khiến một tấc đất không chỉ là tấc vàng mà còn là tấc lòng của nhân dân Việt Nam thắm đượm máu, nước mắt, mồ hôi của thế hệ này đến thế hệ khác. Con người cải tạo thiên nhiên nhưng thiên nhiên cũng cải tạo lại con người. Thiên nhiên trở thành quê hương thân thiết, tổ quốc thiêng liêng của mỗi con người Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân đạo, khí phách anh hùng của con người Việt Nam đã được hình thành và không ngừng được nâng cao trong sự gắn bó bền chặt lâu đời ấy giữa thiên nhiên Việt Nam và con người Việt Nam. Chỉ trong sự gắn bó ấy mà thiên nhiên mang tính thẩm mỹ và chứa đựng những cái đẹp thiên nhiên trong cuộc sống của con người.

Sau lần gặp gỡ thân mật ấy, tôi được giao nhiệm vụ làm giao liên giữa một số vị lão thành cách mạng với Giáo sư Vũ Khiêu về các công việc xã hội có liên quan giữa các cụ. Nhờ vậy, tôi có điều kiện được gần gũi tiếp cận với Giáo sư thường xuyên.

Năm 2005, sau khi nghe tin Giáo sư gặp nỗi buồn trước sự ra đi của một cậu “thư đồng” giúp việc, tôi chủ động đến nhà thăm và trò chuyện động viên Giáo sư. Vẫn với phong thái nhã nhặn cởi mở thân tình, Giáo sư đón tiếp tôi tại thư phòng riêng và đề nghị thư ký chuyển lịch tiếp khách khác sang buổi chiều để dành riêng buổi sáng trò chuyện chia sẻ với tôi.

Rót chén trà nóng mời khách, giọng Giáo sư trầm dần xuống tâm sự: “Cảm ơn cháu đã đến chia sẻ với bác một nỗi lòng trăn trở bấy nay. Cậu “thư đồng” theo bác từ năm 16 tuổi, năm nay đã 20 tuổi. Hai ông cháu tôi sống với nhau như ruột thịt. Tôi cũng cố gắng dạy dỗ cháu đủ mọi điều. Cháu bước đầu đã biết làm việc một cách khoa học. Ngày làm việc, đêm đến, hai ông cháu nằm còn trò chuyện với nhau suốt. Tôi hy vọng vào tiền đồ của cháu sẽ tươi sáng. Nên lúc cháu đột ngột qua đời, tôi cảm thấy đó là một tổn thất vô biên. Đưa cháu ra đồng và tôi xin phép gia đình cháu cho tôi thờ di ảnh của cháu trên bàn thờ nhà mình, cùng với di ảnh của bà nhà tôi…”.

Tôi bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với Giáo sư và mong muốn Giáo sư sớm ổn định tinh thần, giữ gìn sức khỏe để có thể tiếp tục phục vụ quê hương đất nước nhiều hơn nữa. Để thay đổi không khí tôi hỏi Giáo sư những câu hỏi về Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, về tinh thần thượng văn và khát vọng hòa bình của dân tộc. Tôi say sưa nghe Giáo sư kể và đôi lúc cũng bày tỏ nhận thức của mình. Giáo sư giải thích cặn kẽ những điểm tôi còn phân vân chưa rõ hay hiểu chưa đúng. Quả thực, tôi thực sự ngỡ ngàng trước phông kiến thức uyên thâm và một trí nhớ tuyệt vời của một vị Giáo sư đã ngoài 90 tuổi.

Kết thúc buổi trò chuyện thật nhiều ý nghĩa đối với tôi, Giáo sư Vũ Khiêu đã thăm hỏi từng thành viên trong gia đình tôi và ông lấy giấy bút đề tặng tôi một đôi câu đối làm kỷ niệm:

Thiên thu hoa thảo bồi Nguyên khí

Tứ bích đồ thư thiện chính tâm.

Tôi vô cùng hạnh phúc khi đón nhận món quà có ý nghĩa thật đặc biệt này và thầm hứa sẽ phấn đầu học tập, lao động hết mình trong mọi việc để ngày càng xứng đáng hơn với sự tin yêu của Giáo sư.

Tiễn tôi ra về Giáo sư căn dặn: “bất cứ khi nào cháu cũng có thể đến gặp và nói chuyện với bác”. Vậy là từ đó, tôi có thêm nhân duyên được thường xuyên qua lại thăm Giáo sư như con cháu trong gia đình. Những công to việc lớn của gia đình tôi như: Cưới vợ, sinh con, làm nhà đều được Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng câu đối, căn dặn động viên.

Ngay cả vào những ngày cuối đời dù đi lại khó khăn, nằm trên giường bệnh Giáo sư vẫn cố làm việc. Ông luôn lạc quan vui vẻ và vẫn là chỗ dựa tinh thần cho mọi người xung quanh.

20 năm với bao lần gặp gỡ sẻ chia việc chung và việc riêng, nhưng mỗi lần được gặp Giáo sư Vũ Khiêu là mỗi ấn tượng khác nhau khó có thể kể xiết. Lần cuồi cùng được gặp Giáo sư cách đây vài tháng khi Giáo sư nằm dưỡng bệnh tuổi già dù nói năng đã rất khó, cơ thể đã teo dần nhưng ánh mắt, nụ cười và sắc thái biểu cảm của ông vẫn như ngày nào mới gặp. Giáo sư vẫn cố bày tỏ những cảm xúc của mình với những người xung quanh đã thực sự gây sự xúc động đặc biệt cho chúng tôi.

Dấu ấn những công trình

Là người ít tuổi không được đồng hành với những bước đường trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Vũ Khiêu, nhưng tôi có may mắn được gần gũi ông trong 20 năm cuối đời và tiếp xúc với nhiều người bạn, người đồng chí thân thiết của ông như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Văn Trân – nguyên Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Cù Văn Chước – nguyên cán bộ giúp việc Bác Hồ giai đoạn 1954 – 1969, Nhà báo Đỗ Phượng – nguyên Tổng giám đốc TTXVN, Nhà báo Trần Lâm – nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, đồng chí Tô Thiện – nguyên Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, đồng chí Nguyễn Khánh – nguyên Phó Thủ tướng, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý – nguyên giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia và nhiều vị nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học tiêu biểu khác nên tôi đã được nghe và có thêm nhiều tư liệu quý về ông.

Từ niềm ngưỡng mộ và kính trọng vô hạn của cá nhân đối với Giáo sư Vũ Khiêu, năm 2012, tôi đã xin phép ông và gia đình cho phép tôi được tìm hiểu và tiếp xúc với những công trình, tác phẩm và tư liệu quý có liên quan về Giáo sư Vũ Khiêu để từng bước sưu tầm lưu trữ thành một thư viện điện tử cho mai sau.

Bức chân dung Giáo sư Vũ Khiêu với muôn tình bạn được ghép từ 12.800 tấm ảnh nhỏ và trang điện tử https://vukhieu.vn/ là kết quả nhiều năm sưu tầm tư liệu về Giáo sư của tác giả và cộng sự

Những tư liệu cho thấy, trong suốt quá trình giảng dạy, nghiên cứu, Giáo sư Vũ Khiêu đã cho ra đời nhiều tác phẩm quan trọng ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào, các tác phẩm về tư tưởng Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông là người đặt nền móng cho ngành xã hội học và mỹ học Việt Nam.

Đến nay, Giáo sư Vũ Khiêu đã xuất bản hơn 70 đầu sách. Một số tác phẩm có giá trị về văn hóa gồm: Đẹp (năm 1963), Cao Bá Quát (1970), Anh hùng và nghệ sĩ (năm 1972), Ngô Thì Nhậm (1976), Cách mạng và nghệ thuật (năm 1979), Nguyễn Trãi (1980), Từ văn hiến Thăng Long đến hào khí Đồng Nai và thành đồng Tổ Quốc (2010), Hồ Chí Minh (2012) tác phẩm lớn nhất là bộ sách ba tập, dày gần 1.500 trang, cuốn Bàn về văn hiến Việt Nam (năm 2000)…

Sinh ra tại Nam Định, nhưng cuộc đời Giáo sư Vũ Khiêu gắn bó với Hà Nội, ông có nhiều công trình nghiên cứu lớn về Thăng Long – Hà Nội. Ông chủ trì Hội đồng biên tập bộ sách Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (4 tập), Bách khoa thư Hà Nội (18 tập), Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tủ sách Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (giai đoạn 1 đã xuất bản 100 bộ sách). Ở tuổi 100, Giáo sư Vũ Khiêu vẫn tiếp tục làm việc để hoàn thành bộ sách Văn hiến Thăng Long gồm ba tập, dày 2.400 trang.

Điểm nổi bật trong sự nghiệp nghiên cứu sáng tác văn học nghệ thuật của Giáo sư Vũ Khiêu không thể không kể đến là hệ thống các bài văn tế, văn bia, hoành phi, câu đối, bài minh tại hầu khắp đền thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước để ngợi ca khí phách anh hùng, tâm hồn cao cả của hàng vạn anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ bài văn tế anh hùng liệt sĩ Cách mạng tháng Tám, văn tế Giỗ tổ Hùng Vương, văn tế Trần Hưng Đạo…cho đến các bài minh về các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu như: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh. Ông được đánh giá là người có biệt tài viết câu đối và văn tế biền ngẫu (phú, văn tế, văn bia), một bậc thầy về thể văn phú, nhất là thể hiện về đề tài lịch sử, về văn hiến dân tộc.

Những công trình mang dấu ấn sâu đậm của Giáo sư Vũ Khiêu với văn hóa dân tộc

Ngoài ra, ông còn tham gia viết các giáo trình về triết học, văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, mỹ học; soạn Dư địa chí của nhiều tỉnh, dịch thuật nhiều tác phẩm kinh điển của phương Đông, hiệu đính và giới thiệu hàng trăm cuốn sách; viết cùng với tập thể hàng trăm cuốn sách; chủ nhiệm hàng chục công trình khoa học và hàng ngàn bài báo khoa học, bài thời sự chính luận đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước.

Ở tuổi 29, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết văn tế hương hồn những người đã chết vì nạn đói vào tháng 3 năm 1945 gây được tiếng vang lớn. Đồng chí Xuân Thủy sau khi đọc trên báo Nhân dân đã phải thốt lên: “Bó mình trong một thể văn cũ, khó khăn và cầu kỳ, tác giả vì có cảm xúc thật nên đã tạo nên những lời có thể cảm động được tới chúng ta. Cái đó chứng tỏ rằng: với bất cứ hình thức nào, người ta cũng viết nên những áng văn có giá trị, miễn là trong tâm hồn có một rung động sâu xa và thành thực”.

Dù đã trải qua độ lùi 76 năm, văn tế hương hồn lương dân chết đói năm 1945 của GS. Vũ Khiêu vẫn gieo bao niềm xúc động và đã thể hiện rất rõ truyền thống nhân văn tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Nói về áng văn này, Giáo sư Vũ Khiêu xúc động từng tâm sự: “Tôi viết bài văn này trong một hoàn cảnh đau thương của đất nước, những ngày diễn ra một nạn đói lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng có thể nói là lớn nhất trong thế kỷ 20… Trong một đêm mưa dầm gió lạnh, tôi đã đốt hương ngồi khấn những vong hồn của nạn đói và thức đến sáng để viết bài này trong nước mắt. Nghĩ đến những xác người chết đói còn phơi dưới gió mưa, dưới một bầu trời đen tối, nửa như trần gian nửa như âm phủ mà đau xót cho nhân dân ta. Nạn nhân là những người nông dân khi sống đã dành bao nhiêu nước mắt và mồ hôi trong lao động, để kiếm được hạt gạo nuôi gia đình mình và góp phần nuôi cả đồng bào. Thế mà ngày nay bao nhiêu công sức đã bị thực dân phát-xít cướp đi để không còn một hạt thóc sống qua ngày”.

Khi ở tuổi 100, Giáo sư Vũ Khiêu đã Chủ biên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn những công trình khoa học xã hội đồ sộ nhất Việt Nam: Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long (bốn tập), Bách khoa thư Hà Nội (18 tập), Tủ sách Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (hơn 100 bộ sách) và bộ sách Văn hiến Thăng Long (3 tập).

Khi Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ nặng nề trên cho một vị Giáo sư cao niên đã vượt xa “cái tuổi xưa nay hiếm” đã khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi và chất lượng của những công trình đặc biệt này. Tuy nhiên, Giáo sư đã làm việc cật lực 12 – 14 tiếng mỗi ngày và có những đóng góp bổ sung, hiệu đính, phản biện rất cụ thể thiết thực đối với hơn 100 đầu sách của hàng nghìn tác giả. Chính những tác giả, hội đồng biên tập và những người trong cuộc đã bày tỏ sự ngỡ ngàng và thán phục về sự uyên thâm, thông tuệ của Giáo sư được tích lũy và lớn dần lên theo thời gian.

Nhiều sáng tác của Giáo sư Vũ Khiêu đã, đang và sẽ trở thành những giai thoại, những câu chuyện đẹp và đâu đó có cả những tranh luận trái chiều về các giai tầng ngữ nghĩa, ấn ý thâm sâu khác nhau, nhất là các câu đối tặng dành riêng cho các cá nhân, tổ chức. Nhiều câu đối ẩn chứa cả những dự cảm về tương lai của ông dành cho người được tặng. Mỗi khi tặng câu đối cho ai ông đều giải thích cặn kẽ ý nghĩa xa gần để người được tặng lĩnh hội đầy đủ tinh thần của vế đối để họ chiêm nghiệm. Vì vậy, trong nhiều trường hợp chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết những ý nghĩa và sự giá trị tinh thần thực sự của đôi câu đối. Vượt lên tất cả, mỗi câu đối, bài minh của ông là tình cảm chân thành, là khát vọng tốt đẹp ông muốn dành tặng cho người được nhận. Sự hạnh phúc của người đón nhận và tâm thế hướng thiện của họ sau khi tiếp nhận là những điều Giáo sư Vũ Khiêu thường đặt ra trước tiên mỗi khi tặng ai câu đối.

Ở tuổi bách niên trường thọ, Giáo sư Vũ Khiêu vẫn không ngừng làm việc. Nhìn vào số lượng tác phẩm, công trình ông viết, chủ biên, biên tập, cố vấn trên nhiều lĩnh vực, chúng ta vô cùng kính nể về sức làm việc và bộ óc uyên bác của ông. Trong số đó, có rất nhiều văn tế, văn bia và những bài thơ của ông như những nén tâm nhang gửi đến những người anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh cho đất nước Việt Nam mãi mãi vững bền. Đọc những tác phẩm ấy của Giáo sư Vũ Khiêu ta như được cảm nhận rõ ngọn lửa anh linh của các liệt sĩ sẽ rực sáng lên trên bầu trời và khơi dậy chủ nghĩa anh hùng, niềm tự hào dân tộc bất diệt trong mỗi người Việt chúng ta.

MỘT TẤM LÒNG SON Ở VỚI ĐỜI

Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916 trong một gia đình hiếu học ở làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định) giàu truyền thống cách mạng. Cuộc đời Giáo sư Vũ Khiêu là tấm gương sáng về tinh thần học tập, rèn luyện và lao động cống hiến suốt đời.

Cao Phong là phong thái cao cả, chữ mà Cao Bá Quát dùng ngợi ca Chu Văn An, người thầy tiêu biểu, tấm gương lớn của lịch sử dân tộc. Trân trọng Chu Văn An và ý nghĩa chữ của Cao Bá Quát, ông lấy bút danh đầu tiên là Cao Phong làm động lực thôi thúc tinh thần tự học tập, nghiên cứu và cống hiến tâm lực, trí tuệ cho non sông đất nước.

Ông tham gia Cách mạng từ rất sớm, trước năm 1945, từng hoạt động trên các lĩnh vực: Công tác Đảng, tuyên huấn, dân vận, chính quyền, quân đội, đối ngoại…

GS. Vũ Khiêu chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp nhà nước KX.02.01 “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường Cách mạng Việt Nam” nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi khu Việt Bắc, Tây Bắc. Ông cũng có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950 đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong thời gian này, ông cùng làm việc với nhiều văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng của Việt Nam như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ…

Sau năm 1954, ông chuyển dần từ công tác tuyên huấn sang công tác nghiên cứu. Giáo sư Vũ Khiêu tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học.

Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học. Và ông luôn miệt mài học tập, nghiên cứu và sáng tạo tận hiến cho đời đến khi nhắm mắt xuôi tay về với chốn cảnh lạc vào 12h37 ngày 30/9/2021.

Để ghi nhận những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đất nước; sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa Dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Giáo sư Vũ Khiêu nhiều phần thưởng cao quý: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 1 (1996); Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000); Huân chương Độc lập hạng Nhất (2006); “Công dân Thủ đô ưu tú” (2010) và nhiều Bằng khen của các Bộ, ban ngành.

Nhưng có lẽ phần thưởng cao quý nhất với ông chính là được thỏa lòng viên mãn khi sống, chiến đấu, học tập và lao động hết mình cho độc lập tự cường của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ông luôn tự hào về cuộc sống vật chất có phần thanh đạm của mình nhưng đổi lại Giáo sư có hàng ngàn, hàng vạn bạn bè thân hữu khắp các vùng miền của đất nước, cùng đồng tâm, đồng chí với ông đang hàng ngày hàng giờ nỗ lực nghiên cứu học tập, lao động, sáng tạo đóng góp công sức, trí tuệ, tinh thần và vật chất cho nền văn hiến Việt trường tồn phát triển. Ông lấy đó làm niềm tin yêu cuộc sống làm động lực nghiên cứu sáng tạo không ngừng.

Chính những người bạn thân thiết cùng thời với Giáo sư Vũ Khiêu mà tôi được biết cũng luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ, tin yêu và trân trọng mỗi khi nhắc về ông. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã thể hiện sự trân trọng đối với người bạn Vũ Khiêu thân thiết của mình qua 2 câu thơ lắng đọng nhưng chất chứa nỗi lòng: “Hai bàn tay trắng không vướng bụi. Một tấm lòng son ở với đời”. Còn nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thì nhận xét: “Giáo sư Vũ Khiêu là Giáo sư của nhân dân, Giáo sư trong lòng dân”.

Là người bạn vong niên, trải qua bao cuộc thăng trầm, gian nan thử thách của chiến tranh và hòa bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Vũ Khiêu có mối quan hệ thân thiết đặc biệt. Cả hai ông có vai trò rất lớn trong việc tổng kết Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam (Chương trình Khoa học KX.02.01). Mừng thọ Giáo sư Vũ Khiêu năm 2006, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Mừng anh Vũ Khiêu, một nhà triết học cách mạng, một chiến sĩ văn hóa anh hùng năm nay 90 xuân”.

Giáo sư Vũ Khiêu đã ra đi nhưng nghĩa tình trong lòng người ở lại còn mãi
Với những đóng góp to lớn của Giáo sư Vũ Khiêu trong truyền bá văn hóa và thúc đẩy ngoại giao giữa Hungari – Việt Nam, ngày 09/11/2015, Chủ tịch Quốc hội Hungari Kover Laszlo đã cùng chứng kiến Lễ trao Huân chương Chữ thập Hiệp sỹ Hungari tặng giáo sư Vũ Khiêu.

Tự hào về những năm tháng được gần gũi Giáo sư Vũ Khiêu đã giúp chúng tôi có cơ hội được tìm hiểu nghiên cứu nhiều tư liệu, tác phẩm quý của ông viết về những trang sử hào hùng của dân tộc, cũng như được nghe, được biết đến nhiều nhận xét, đánh giá của nhiều học giả uy tín trong và ngoài nước về ông, ở họ có chung nhận định: Là một nhân sĩ, trí thức, nhà văn hóa tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh, Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu một hiền tài sống động, trí tuệ uyên bác, tâm hồn giàu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim nhân ái. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện và lao động tận hiến suốt đời theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Bác Hồ. Ông góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển ngành xã hội học, mỹ học, Việt Nam học, cũng như tổng kết Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam; Là người có biệt tài viết câu đối và văn tế biền ngẫu (phú, văn tế, văn bia), một bậc thầy về thể văn phú, nhất là thể hiện về đề tài lịch sử, về văn hiến dân tộc. Với 106 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu đã để lại cho đời những công trình đồ sộ về triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội và lịch sử góp phần chấn hưng Văn hóa, khơi dậy Chủ nghĩa anh hùng, cách mạng và niềm tự hào Dân tộc!

Tác giả: VƯƠNG XUÂN NGUYÊN

XEM THÊM VỀ GS VŨ KHIÊU:

Bức Tranh Thêu Chân Dung Giáo sư Vũ Khiêu của Các Nghệ Nhân XQ
GS Vũ Khiêu AHLĐ Nhà Khoa học Nhà văn Hóa lớn Của Việt Nam qua đời ở tuổi 106