“Giải mã” tâm lý tội phạm qua những vụ trọng án
“Hầu hết sự “cuồng sát” bất thường đều xuất phát từ việc tại một thời điểm, cá nhân không thể kiểm soát được tâm lý hung hãn, thú tính trỗi dậy theo bản năng, họ giống như những kẻ “điên” không sợ gì, không biết mình đang làm gì và sẽ gây ra hậu quả như thế nào với người khác….” – Ông Đặng Vũ Cảnh Linh (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) cho biết.
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ trọng án, hung thủ ra tay một cách tàn độc, cướp đi tính mạng của những người thân quen, thậm chí cả một gia đình…
Các thông tin về vụ việc tràn ngập trên báo chí, các trang mạng xã hội… thậm chí nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng giờ đồng hồ để phân tích tâm lý tội phạm, diễn biến, tình tiết vụ án…
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, phải chăng tâm lý người Việt còn quá thụ động khi ứng phó với tình huống bất ngờ trong cuộc sống? Để rồi, không tự mình xoay sở, giải quyết dẫn đến bất đắc dĩ nhận kết quả không mong muốn.
Liên quan đến vấn đề này, PV có cuộc trao đổi với ông Đặng Vũ Cảnh Linh (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và Phát triển).
Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua (4 người ở Nghệ An, 6 người ở Bình Phước, 4 người ở Yên Bái…), dưới góc độ nghiên cứu về tội phạm, ông suy nghĩ gì về hiện tượng này?
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh: Những vụ thảm án được coi là trọng án trong thời gian gần đây cho thấy sự báo động về tình trạng phạm tội của thanh thiếu niên hiện nay. Không chỉ còn là những hành vi phạm tội thông thường, mà sự nghiêm trọng trong các vụ việc, gây hoang mang, lo lắng cho xã hội chính là sự bất thường trong động cơ, tâm lý của những kẻ tội phạm, quy mô, tính chất, mức độ “máu lạnh” khi ra tay với nạn nhân, đặc biệt nhiều nạn nhân không liên quan, thậm chí chưa từng quen biết đến kẻ thủ ác.
Gần đây nhất là vụ thảm án ở Yên Bái khiến 4 người trong một gia đình tử vong khiến dư luận vô cùng bàng hoàng
Từ góc độ nghiên cứu khoa học tội phạm, có thể thấy bức tranh thực tế đang phản chiếu không ít những sự lệch lạc, nhiễu loạn các giá trị sống đang biểu hiện qua suy nghĩ, nhân cách, hành vi của một số thanh, thiếu niên, đặc biệt trong đó là thái độ khinh thường pháp luật, coi việc sẵn sàng sử dụng bạo lực (thậm chí là những hành vi hung bạo, tàn ác với người khác) là thứ để kết thúc, để giải quyết mọi mâu thuẫn đang tồn tại xung quanh cuộc sống hàng ngày của họ.
Trước đó, nhiều vụ giết người dã man đều đổ tại do tác động bởi những trò chơi bạo lực, những bộ phim có mô tả chi tiết, thậm chí còn dạy cả cách thức hành động… thế nhưng ¾ vụ thảm sát gần đây không có dấu hiệu như vậy, quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh: Nhiều bằng chứng từ các nhà nghiên cứu cho thấy hành vi bạo lực của những kẻ tội phạm trong các vụ việc có nguyên nhân từ những yếu tố khách quan như hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, sự tiếp xúc với sách vở, phim ảnh, truyền thông mang tính bạo lực, tuy nhiên cũng không ít các trường hợp khác lại xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như nhận thức, tâm lý, các mối quan hệ xã hội giữa kẻ tội phạm với nạn nhân.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng không thể phủ nhận môi trường khách quan, vì nếu ở giữa một môi trường sống lành mạnh, phi bạo lực, các chuẩn mực văn hóa và đạo đức được duy trì tốt trong các mối quan hệ xã hội thì khó có thể tạo ra những hành vi bạo lực, hành vi tội phạm, có chăng chỉ là sự cá biệt chứ không thể là sự lặp lại một cách thường xuyên ở nhiều nơi, nhiều trường hợp. Sự tác động của môi trường khách quan đến suy nghĩ, tâm lý, nhận thức cá nhân cũng không chỉ nên nhìn ở một thời điểm. Rõ ràng tác hại của những trò chơi, phim ảnh bạo lực, khuyến khích các hành vi phạm tội là sự tác động lâu dài và đem lại nhiều hệ lụy không mong muốn cho xã hội.
Gần đây nhất là vụ thảm án ở Yên Bái khiến 4 người trong một gia đình tử vong khiến dư luận vô cùng bàng hoàng
Những vụ án sát hại cả gia đình dã man và phi nhân tính. Xét về mặt tâm lý tội phạm, những kẻ tội phạm hẳn là sẽ có những diễn biến tâm lý chung nào đó?
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh: Ngoại trừ trường hợp Nguyễn Hải Dương là sự thù hận có sự toan tính mục đích, động cơ trả thù, có kế hoạch thực hiện các hành vi thủ ác một cách bài bản, chi tiết, các vụ việc khác lại cho thấy các hành vi thủ ác đều xuất phát từ những nguyên nhân mâu thuẫn thông thường, không đáng có. Đây là những sự việc rất đáng tiếc.
Trên thực tế, tôi cho rằng mẫu số chung của các sự việc trên trong tâm lý kẻ vẫn là hai yếu tố: Thói quen sử dụng bạo lực và thái độ thiếu hiểu biết, coi thường pháp luật. Ngoài ra, với việc ra tay với những người không quen biết cho thấy hậu quả nguy hiểm trong sự rối loại tâm lý, nhân cách, không kiểm soát được hành vi của những kẻ tội phạm.
Hầu hết sự “cuồng sát” bất thường đều xuất phát từ việc tại một thời điểm, cá nhân không thể kiểm soát được tâm lý hung hãn, thú tính trỗi dậy theo bản năng, họ giống như những kẻ “điên” không sợ gì, không biết mình đang làm gì và sẽ gây ra hậu quả như thế nào với người khác. Cho đến khi có thể dừng lại, một số kẻ tội phạm sẽ khóc, sẽ hối hận, tìm đến người quen và có thể là hành vi đầu thú. Cũng có hệ quả khác là những kẻ tội phạm tìm cách xóa dấu vết, lẩn trốn, đối phó với cơ quan chức năng hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Nhìn chung đây là những kẻ phạm tội không “chuyên nghiệp”, không có tổ chức, họ là đối tượng dễ bị tổn thương với những tác động từ phía người khác và dễ gây ra tổn thương với chính mình. Ở đây lại cần khẳng định mọi sự “tổn thương” trong tâm lý tội phạm không thể tự nhiên mà có, rõ ràng môi trường sống khách quan rất quan trọng là thứ tác động trực tiếp đến tâm lý, hành vi của họ.
Trước những vụ giết người có tính chất man rợ, khiến dư luận hết sức phẫn nộ trong thời gian vừa qua, vậy theo ông, giải pháp nào để ngăn ngừa, hạn chế các thảm án trong bối cảnh hiện nay?
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh: Chúng ta nói quá nhiều về giải pháp trong vấn đề tội phạm, từ việc ngăn ngừa, phòng chống, giáo dục, truyền thông nâng cao các thiết chế gia đình, xã hội trong vấn đề này cho tới việc xử lý, nâng khung hình phạt răn đe những kẻ tội phạm, nâng cao thiết chế pháp luật. Tất nhiên mọi giải pháp đều là cần nhưng chưa đủ. Điều quan trọng nhất vẫn là xã hội cần hướng tới lành mạnh hóa môi trường sống cho các cá nhân thông qua các thiết chế đang có của mình và các cá nhân cũng cần luôn suy nghĩ, điều chỉnh lối sống một cách tích cực với mọi người xung quanh, để làm người có ích cho xã hội. Nếu không có môi trường sống tích cực xung quanh và nếu các cá nhân không sống một cách tích cực với đúng nghĩa của nó thì mọi hành vi phạm tội đều có thể nảy sinh.
Với một môi trường sống tương đối “ô nhiễm” và thiếu an toàn như hiện nay, chúng ta càng cần nêu cao các giá trị truyền thống bình đẳng, yêu thương, nhân ái, độ lượng, khoan dung của cha ông ta, coi đó là những giá trị căn bản và cốt lõi, có thể điều chỉnh, kiềm chế từ những ứng xử hàng ngày trong công việc, cuộc sống, trong các mối quan hệ, giao tiếp xã hội, thì mỗi người chúng ta đang thể hiện sự đóng góp ngăn chặn được các hành vi phạm tội, các vụ việc phạm tội đáng tiếc trong xã hội.
Tác giả: Tiểu Phương
Nguồn tin: Nguoiduatin.vn, Tinmoi.vn