Hát ru | Đi tìm lời ru của mẹ | Khoa học Ứng Dụng |

“Dẫu con đi hết cuộc đời

Cũng không đi hết những lời mẹ ru”

                                                                                                    (Xuân Quỳnh)

Không biết làn điệu hát ru được hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng khi bồng đứa con trên tay, theo bản năng, người đàn bà phải biết nựng dỗ con khi con hờn dỗi, biết ru cho con ngủ. Cứ thế, đứa con có nhu cầu nghe mẹ hát ru như nhu cầu được bú sữa mẹ. Dòng sữa nuôi con về thể xác, tiếng ru nuôi con về tâm hồn.

Hát ru con ngủ Bắc Bộ  – Chúc các mẹ và bé luôn mạnh khỏe, ngủ ngon

Đăng ký kênh Youtub Khoa học Ứng dụng để nhận được nhiều bài hát ru và những video hữu ích, giá trị miễn phí

Có lẽ, tôi là một người may mắn. Bởi từ khi chào đời đến lúc lớn lên, tôi luôn được nghe tiếng ru mượt mà của bà, của mẹ, đến giờ tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng, thích thú trước sự kỳ diệu của những lời ru:
“Mình về mình nhớ ta chăng?
Ta như sao vượt đón trăng giữa trời
Thấy anh như thấy mặt trời
Chói trang khó ngó, trao lời khó trao”.
Hay:
“Cái cò cái vạc cái nông
Ba con cùng béo vặt lông con nào…”.
“Ai về cầu nhỏ Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui”.

Những lời ru mới đậm tình quê hương làm sao. Nó như muốn nhắc nhở người ta sống sao cho có tình có nghĩa, có trước có sau. Và có lẽ không một người Việt Nam nào không thuộc một lời ru của mẹ. Bởi lẽ, từ khi còn được ẵm ngửa trên tay, nghe mẹ hát, dẫu không hiểu gì, nhưng cái âm điệu ngọt ngào như đã “ngấm” dần dần vào lòng đứa bé, để lại dấu ấn trong tâm hồn.

Lời ru, bài hát ru được lấy từ hò, vè, ca dao, đồng dao, Kiều… cho nên nội dung bài hát ru có giá trị tổng hợp về kiến thức: tình yêu Tổ quốc, tình yêu cha mẹ và bà con làng xóm, tình bằng hữu, căm ghét kẻ sấu, kẻ độc ác, trọng đạo nghĩa… Thậm chí, cả những bài hát mà ta tưởng là vu vơ, nhưng thực ra trong đó đã nhen nhóm cho đứa trẻ những ý niệm trong trẻo, khai sơ về các mối quan hệ sự vật và các mối quan hệ xã hội:
“Mèo già ăn trộm
Mèo ốm phải đòn
Mèo con phải vạ
Con quạ đứt đuôi
Con ruồi đứt cánh
Đòn gánh có mấu
Châu chấu biết bay…”

Danh sách phát HÁT RU CON NGỦ | NHẠC THAI GIÁO CHO SỰ PHÁT CON TRẺ

Giá trị của những lời hát ru thật vô cùng to lớn. Mặc dù, lớn lên, tôi đã được đọc nhiều sách báo, thuộc nhiều bài thơ của các thi sĩ lừng danh, rồi có thể lại quên đi, nhưng lời ru của mẹ tôi nghe từ nhỏ, những bài đồng dao tôi hát với bạn bè thủa còn chăn trâu thì in sâu vào trí nhớ qua mấy chục năm trời. Cho đến tận bây giờ, tôi mới hiểu hết nội dung sâu sắc của nó, nhưng lời thì tôi đã thuộc lòng từ thủa thơ ấu:
“Ăn cơm một bát thì no
Tình trao ba bát sao cho bằng lòng”.

Hay:
“Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hướng ấy, so tơ phím này”.

“Mây Tần khóa kín song the
Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao”.

Hát ru làm phong phú thêm tâm hồn của trẻ. Ảnh: KT

Lời ru của mẹ sao mà kỳ diệu thế! Nó nuôi dưỡng, làm tâm hồn tôi phong phú. Nó chắp cánh cho tôi bay vào đời. Để hôm nay, sau những ngày sống bon chen nơi thành phố về đến đầu làng, nghe tiếng mẹ ru con, bà ru cháu, lòng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Vẫn những lời ru ấy, vẫn những tình cảm ấm nồng như hơi thở ấy sao mà tuyết diệu thế… Lời ru cất lên như xóa tan tất cả sự mệt nhọc, như làm sống dậy tuổi thơ tôi và hình ảnh mẹ ru con ngủ lại hiện về. Và tôi như lại được nhận những hơi ấm tình thương nồng nàn của mẹ. Những lời ru như đã tạc vào hồn tôi như thế đó.

Nhưng thật buồn, ngày nay, nhiều người mẹ trẻ không còn biết hát ru con nữa. Bởi lẽ, đại đa số khi con lên hai, lên ba đã đưa vào nhà trẻ, mẫu giáo. Ở đó hầu như cũng không còn âm vang tiếng hát ru. Vậy là các em nhỏ không còn được nghe những lời hát ru ngọt ngào, êm dịu từ miệng những bà mẹ nữa. Phải chăng đó là thiệt thòi, mất mát lớn của các em? Rồi một ngày nào đó, biết đâu trên mọi miền quê đất nước không còn những lời ru quen thuộc nữa. Không hiểu lúc đó chúng ta sẽ thế nào? Đâu đó tôi đã bắt gặp những bà mẹ trẻ tập ru con bằng nhạc nhẹ, bằng rock, soul thậm chí bằng cả disco và rap nữa… Toàn những âm nhạc thời thượng, nhưng nó sẽ làm chai sạn tâm hồn con trẻ.

Rời quê hương ra đi, tôi cũng không khỏi lo lắng… Liệu 5 – 10 năm nữa, tôi có còn được ghe những làn điệu hát ru quen thuộc nữa không? Tôi chợt nghĩ: Tại sao ngành văn hóa thông tin, hội phụ nữ, đài phát thanh và truyên hình từ trung ương đến địa phương… không tổ chức thêm nhiều hội thi tiếng hát ru con, hát những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc dân tộc? Có như vậy, chúng ta mới hy vọng những làn điệu dân ca truyền thống sẽ được phục hồi và mỗi người mẹ Việt Nam sẽ không quên nét văn hóa truyền thống trong guồng quay cuộc sống hiện đại.

# Nhạc thai giáo giúp bé ngủ ngon, thông minh – Nhạc giúp  bé ngủ ngon thông minh:

Nhạc giúp bé ngủ ngon thông minh trên kênh Khoa học Ứng dụng #Khoahocungdung,

Tác giả: Thân Trung Dũng

Nguồn: Tạp chí Gia đình và Trẻ em