Thạc sỹ xã hội học Thân Trung Dũng (Trưởng phòng Nghiên cứu Gia đình và Trẻ em, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Theo ông Dũng, việc nam giới đòi hỏi người yêu, người vợ phải còn trinh là điều vô lý, nó thể hiện tư tưởng bất bình đẳng giới trong những chuẩn mực của con người khi nói về trinh tiết. Sự bất bình đẳng này thể hiện ở chỗ, người phụ nữ luôn được mong đợi phải giữ được trinh tiết cho đến khi cưới, trong khi nam giới thì không cần như vậy.
“Các bạn nam có nhiều bạn tình được nhìn theo hướng tích cực, được xem là người “đào hoa” còn các bạn gái thì lại được cho là lăng nhăng, lẳng lơ. Cho nên, trước khi đòi hỏi người yêu, người vợ của mình còn trinh tiết thì các đấng mày râu cũng nên tự hỏi: Trước khi kết hôn, mình có còn “trong trắng” hay không mà lại bắt người yêu/vợ mình phải “trong trắng”?”, ông Dũng nói.
Thạc sỹ Thân Trung Dũng (Ảnh Mercury Back)
Ông Dũng cho hay, trong xã hội truyền thống thì trinh tiết là một giá trị vững chắc trong hệ thống các giá trị đạo đức và chuẩn mực giới của người Việt Nam vì thế sự trong trắng của người phụ nữ trước khi cưới là bất khả xâm phạm. Nếu người phụ nữ không giữ được trinh tiết sẽ chịu nhiều điều tiếng từ dư luận xã hội, bị cả làng phạt vạ như Thị Mầu trong “Quan Âm, Thị Kinh”, thậm chí còn bị trừng trị bằng nhiều hình thức nghiêm khắc như bêu xấu, cạo đầu bôi vôi thả trôi sông…
Tuy nhiên, hiện nay, quan niệm về chữ trinh đã thoáng hơn nhiều. Và việc giữ gìn trinh tiết cho đến khi kết hôn trở nên khó khăn khi mà các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh khuyến khích sự thử nghiệm tình dục ở giới trẻ.
Ở xã hội hiện đại, không phải người ta không coi trọng sự trong trắng của người phụ nữ, cũng không phải người ta cổ súy cho việc quan hệ trước hôn nhân, mà bởi, không thể dựa vào trinh tiết để đánh giá bản chất của một con người. Một cô gái còn trong trắng chưa chắc đã là ngoan, một cô gái yêu hết mình, từng trao thân cho người đàn ông mình yêu, hoặc đã lầm lỡ trao cho kẻ Sở Khanh cũng không thể cho là họ “mất nết”.
Ông Dũng nói: “Hoặc một số cô gái có thể bị tai nạn, bị kẻ khác cưỡng bức mất đi sự trong trắng thì không thể xem họ là người hư được. Bởi thế, để đánh giá một con người phải dựa vào nhiều yếu tố, tính cách, trí tuệ, sự tự trọng và cách ứng xử với các mối quan hệ… chứ không thể lấy “cái màng sinh học” này ra để quy chụp một người. Mặt khác, với sự phát triển của y học hiện đại, chỉ cần một chút tiền, các cô gái có thể có ngay một màng trinh mới, vì thế nếu chỉ dựa vào màng trinh để đánh giá cô gái đó tốt hay xấu là điều vô lý.
Còn nếu cho rằng, trinh tiết mới là thước đo đánh giá phẩm hạnh, đạo đức thì hãy mang đàn ông ra cân đong đo đếm. Thử hỏi có bao nhiêu người đàn ông giữ được “trinh tiết” cho đến khi kết hôn? Đàn ông rất dễ “dâng hiến”, thậm chí nhiều người còn trao thân lần đầu của mình cho gái “bán hoa”. Trong khi phụ nữ thì khác, phần lớn lần đầu của họ chỉ dành cho người mình yêu. Vậy thử hỏi, ai dễ dãi hơn, ai đạo đức, phẩm hạnh hơn?”
Cũng theo quan điểm của nhà nghiên cứu này, ở Việt Nam, mọi người khi đã đủ 18 tuổi là có quyền công dân trong đó có quyền tình dục. Khi yêu nhau cả nam và nữ đều có nhu cầu thể hiện tình cảm. Tuy nhiên, hãy thể hiện tình yêu của mình một cách thông minh và an toàn.
Tác giả: Ong Lý
Nguồn: nguoiduatin.vn