Con người Việt Nam truyền thống những giá trị đối với sự Phát triển

Trong thời gian gần đây, việc nghiên cứu về vai trò của các nhân tố truyền thống đối với sự phát triển ngày càng thu hút nhiều sự chú ý của các học giả, các nhà khoa học và các tổ chức nghiên cứu. Chính sự phát triển của một loạt nước ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương đã chứng minh rằng trong quá trình hiện đại hoá đất nước các nhân tố truyền thống đã có những đóng góp tích cực.
connguwoivietnam
SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẶT HÀNG

Trong một loạt các nhân tố truyền thống đã được các nhà nghiên cứu nhấn mạnh thì vai trò của con người vào văn hoá được kế thừa qua những biến động của lịch sử đã được coi trọng hàng đầu. Một loạt các công trình nghiên cứu cả ở Phương Đông lẫn Phương Tây đã được dành cho việc phân tích các giá trị truyền thống này. Ở nước ta trước đây, chúng ta đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về truyền thống dân tộc. Các công trình này đã góp phần không nhỏ vào việc khẳng định bản sắc của văn hoá và con người Việt Nam. Riêng về việc phân tích, đánh giá các giá trị truyền thống của người Việt, chúng ta thấy nổi lên các công trình nghiên cứu rất có giá trị của các giáo sư Vũ Khiêu, Đào Duy Anh, Phan Ngọc, Nguyễn Hồng Phong, Trần Văn Giầu và nhiều học giả khác…Tuy nhiên, nghiên cứu các giá trị truyền thống dưới góc độ hiện đại của các lý thuyết phát triển vẫn còn là điều tương đối mới mẻ.

Cuốn sách “Con người Việt Nam truyền thống – Những giá trị đối với sự phát triển”, là sự tổng hợp, biên soạn và chọn lọc các chuyên đề thuộc đề tài nghiên cứu: “Con người Việt Nam truyền thống” do Ths. Đặng Vũ Cảnh Linh làm chủ nhiệm, nằm trong đề tài cấp nhà nước “Xây dựng con người Việt Nam” Mã số KX.04/06-10 nghiệm thu tháng 9/2010.

Với kết cấu nội dung gồm 3 phần và 12 chương, cuốn sách đã trình bày được cơ sở hình thành những đặc điểm của con người Việt Nam truyền thống; những đặc trưng và giá trị của con người Việt Nam truyền thống và vấn đề kế thùa, phát huy giá trị truyền thống của con người Việt Nam vì mục tiêu Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá.

Phần I: Gồm 2 chương khái quát về những đặc điểm tự nhiên, lịch sử, văn hoá của con người Việt Nam và những cơ sở hình thành những đặc điểm của con người Việt Nam truyền thống: nền văn minh nông nghiệp lúa nước, tổ chức xã hội theo làng – xã và những ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo.

Phần II: Những đặc trưng và giá trị của con người Việt Nam truyền thống được làm nổi bật thông qua tập hợp những bài chuyên khảo của các nhà nghiên cứu với 7 chương. Trước hết, các tác giả đã cố gắng đúc kết lại những phẩm chất của con người Việt Nam truyền thống. Độc giả sẽ thấy hình ảnh con người Việt Nam được đặt dưới góc nhìn của văn học truyền thống và trong mối quan hệ của gia đình – dòng họ – làng xã cũng như tổng hoà tất cả những mối liên hệ xung quanh. Trong đó, công trình này cũng mở rộng phạm vi nghiên cứu đối với người dân tộc thiểu số khi đề cập đến tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hoá truyền thống của người Mường ở Phú Thọ. Thêm vào đó, chính sách quản lý xây dựng và phát triển con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử cũng được giới thiệu tới bạn đọc.

Phần III: Chỉ trong 3 chương, vấn đề kế thừa và phát huy giá trị truyền thống của con người Việt Nam vì mục tiêu Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá đã được xem xét một cách toàn diện từ những tiền đề kinh tế – xã hội đến mức độ ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường hiện nay đến hệ giá trị truyền thống . Qua đó, đề xuất một số giải pháp để xây dựng và hoàn thiện những chủ chương chính sách nhằm kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của con người Việt Nam.

Cuốn sách này là nguồn tài liệu bổ ích về cho những ai quan tâm đến vấn đề con người Việt Nam truyền thống – những giá trị đối với sự phát triển, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc.

Tác giả: Đinh Giang