Mỗi ngày chữa bệnh cho hơn một trăm người

Trong một chuyến công tác về xứ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, tôi có dịp chứng kiến một ngôi nhà không biển hiệu, đèn hoa, ở đó người ta làm gì mà trước cửa nhà lại có đông người đến vậy! Phải có đến trăm người xếp hàng chờ đợi. Tôi quyết định nghỉ chân tại một quán nước gần đó để tìm hiểu. Sau câu hỏi của tôi, cô chủ quán nước vừa rót nước vừa cho biết: “ Nhà cô Tý đấy, cô Tý chuyên chữa sai khớp, trật khớp, bó gãy xương. Cô Tý nổi tiếng thế mà anh không biết à?”. Hóa ra đây là nơi chữa bệnh của cô Tý Bắc Giang – người mà tôi đã nghe danh từ rất lâu.

Qua quan sát, tôi thấy người đến càng lúc càng đông. Rất lạ là nơi chữa bệnh không có bàn đón tiếp ghi chép mà chỉ có 2 người hướng dẫn bệnh nhân đứng ở cửa. Theo sự hướng dẫn, những người bị gãy xương, đi lại khó khăn thì ngồi một hàng, những người vẫn có thể đi lại thì xếp một hàng, còn những người phải nằm cáng thì người nhà được phép xếp hàng thay. Không có ai chen ngang. Tôi mon men đi vào thì một anh hướng dẫn ra hỏi: “Anh bị làm sao? Chữa bệnh thì ra xếp hàng, nếu là khách thì qua 16 giờ quay lại. Cô đang làm việc, không tiếp khách”. Tôi đành ngậm ngùi dù không phải bệnh nhân nhưng cũng ra xếp hàng.

Bệnh nhân xếp hàng chờ vào chữa bệnh trước cửa nhà cô Tý.

Chính từ việc xếp hàng mà tôi được tận mắt chứng kiến và hiểu được cách thức làm việc tại đây. Ai đến trước sẽ được chữa trước, người đến sau được chữa sau. Mọi người hoàn toàn bình đẳng không phân biệt sang hèn… Khi đứng xếp hàng tôi mới biết, bệnh nhân của cô Tý không chỉ có người ở quanh vùng mà họ đến từ rất nhiều nơi như: Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội,… Quả đúng là tiếng lành đồn xa.

Điều làm tôi rất ngạc nhiên là tất cả những bệnh nhân bị trật khớp ở bất cứ vị trí nào khi được cô Tý nắn cho chưa đầy 20 giây đã đi ra với nụ cười trên môi như trút đi được cả gánh nặng. Mặc dù ngay trước đó sự đau đớn, khó chịu còn hiển hiện trên sắc mặt họ.

Dường như ai sau khi được chữa trị xong đều đặt tiền lên một chiếc đĩa nhỏ ở trên ban thờ nơi chính giữa của phòng chữa bệnh. Người thì đặt 50 nghìn đồng, người thì đặt 20 nghìn đồng, có cả những người đặt chỉ vẻn vẹn 5 nghìn đồng và cũng có những người chỉ cảm ơn cô rồi ra về. Hỏi ra thì được biết: Ở đây chữa bệnh không yêu cầu người bệnh thanh toán tiền công, tiền thuốc. Ai có lòng gửi bao nhiêu thì cứ việc đặt lên ban thờ. Chẳng ai trong nhà cô Tý để ý xem người bệnh đặt bao nhiêu tiền cả.

Sau một hồi xếp hàng thì cũng đến lượt tôi vào. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô Tý, đó là một dáng người nhỏ nhắn với tác phong rất nhanh nhẹn. Ân cần cô hỏi tôi bị làm sao? Và khi biết tôi chỉ muốn trao đổi với cô chứ không phải là người bệnh, cô đã nói: “Nếu cháu là người bệnh cô chữa được, cô sẽ chữa cho cháu ngay. Nhưng không phải thì cháu quay lại sau nhé! Cô còn rất nhiều bệnh nhân đang chờ”. Và tôi trở lại hàng nước chờ đợi cho đến khi những người bệnh đã được cô chữa trị xong hết.

Trả tiền chữa bệnh bằng mấy bắp ngô

Thấy tôi tỏ ý băn khoăn về số người bệnh đến khám quá đông, cô Đồng Thị Trinh, chủ hàng nước và cũng là hàng xóm sát vách với nhà cô Tý cho biết: “Hôm nay còn vắng đấy. Thường thì những ngày cuối tuần là khoảng 200 đến 250 người, ngày thường cũng khoảng 150 người được cô Tý chữa trị cho”. Cô Trinh còn nhắc tôi: “Nếu có vào chữa trị cũng không được nhắc đến tiền với cô Tý đâu nhé. Cô ấy chữa cho tất cả mọi người, ai cũng như ai và không yêu cầu bao nhiêu tiền đâu. Ai muốn đặt lên ban thờ bao nhiêu thì là tùy mỗi người. Cô không quan tâm đến tiền đâu”.

Những câu dặn dò của cô chủ hàng nước quả không sai! Khi tôi thấy một cậu thanh niên chừng 27-28 tuổi ngỏ ý muốn dùng tiền để được vào chữa trị trước đã bị anh hướng dẫn thẳng thắn khước từ: “Ở đây không có tiền vẫn được chữa bệnh và chữa bệnh không phải vì tiền. Anh có nhiều tiền thì anh đi bệnh viện đi”. Chàng trai đành lẳng lặng xuống xếp hàng.

Cùng chờ đợi với tôi có con trai của bác Lê Văn Khương 52 tuổi, trú tại thôn Bạc Sơn, xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định lên tận đây để chữa bệnh. Bác Khương bị gãy chân phải vì tai nạn. Tôi hỏi con bác Khương, sao ở xa thế mà không vào viện chữa cho tiện. Anh thở dài tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình anh khó khăn lắm. Vào viện cũng được thôi nhưng tốn kém quá em ạ. Đã thế thời gian bình phục lại lâu. Qua người quen ở trên này, anh biết cô Tý chữa bệnh về xương rất giỏi. Gãy chân như bố anh chỉ một tuần là lành bệnh. Và đặc biệt là ở đây không có tiền vẫn được chữa, còn …”. Nói đến đây, tôi thấy khuôn mặt anh nặng trĩu, ánh mắt nhìn xa xăm!

Với trường hợp của bà Nguyễn Thị Đỉnh, 82 tuổi trú tại thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội bị gãy xương đùi đã được người nhà đưa đi viện chụp chiếu kỹ lưỡng nhưng lại thuê xe lên tận nhà cô Tý để được điều trị. Qua tìm hiểu, con bà Đỉnh cho biết: “Trường hợp của mẹ anh ở viện là phải mổ để chốt đinh. Nhưng mẹ anh có tuổi rồi, cô Tý chữa thì chỉ đắp thuốc và bóp thuốc mà lại nhanh khỏi”.

Thời gian cũng dần trôi về cuối ngày, số lượng người bệnh chỉ còn khoảng 10 người. Khuôn mặt những người cuối hàng đã bắt đầu tươi tỉnh hơn một chút. Bất ngờ, một người phụ nữ trung niên đi một chiếc xe đạp cũ dừng lại giữa cửa, trên tay là một túi bắp ngô tươi đi thẳng vào nhà. Bị người hướng dẫn chặn lại, người phụ nữ nói: “Tôi vào biếu cô Tý mấy bắp ngô, hôm trước tôi bị trật khớp chân được cô Tý nắn cho nhưng hôm đó tôi chẳng có đồng nào. Hôm nay ra đồng thu ngô nên biếu cô mấy bắp thôi”. Nghe vậy, cô Tý trong nhà đi ra nhẹ nhàng đáp: “Bác quan trọng chuyện đó làm gì. Em chữa bệnh em còn chẳng quan trọng mà”. Người phụ nữ ngại ngần đưa túi bắp ngô cho cô Tý và nói: “Cô cứ nhận cho tôi vui, không thì tôi áy náy lắm. Ngô tôi mới bẻ đấy, ngọt lắm”. Cô Tý vui vẻ nhận túi bắp ngô và cảm ơn, người phụ nữ với vẻ mặt mãn nguyện tất tưởi ra về… Cô Tý lại tiếp tục công việc trị bệnh của mình.

Và rồi cô Tý cũng dành thời gian cho tôi. Cô tên thật là Hoàng Thị Tý, giáo viên đã nghỉ hưu. Năm nay, cô đã ngoài 50 tuổi nhưng những người bệnh của cô từ già đến trẻ, ai cũng gọi cô với cái tên thân mật là cô Tý. Y thuật của cô do gia đình truyền lại. Đến nay, cô đã chữa bệnh cứu người được hơn 20 năm. Khi được hỏi về những người bệnh của mình, cô chia sẻ: “Nhiều quá cô không thể nhớ hết được, ngày nào cô cũng chữa trị cho cả trăm người và kéo dài nhiều năm nay rồi”.

Khi được hỏi về việc chữa bệnh cứu người mà không quan tâm đến vấn đề kinh tế, cô cho biết: “Cô làm theo khả năng, và coi chữa bệnh cứu người là trách nhiệm của mình. Cứ gặp trường hợp có thể giúp được là cô giúp không ngần ngại. Chữa bệnh vì “chữ tâm” chứ không phải chữa bệnh vì tiền, nếu nghĩ đến tiền thì không làm được đâu”.

Như tôi đã được chứng kiến một bệnh nhân nghèo trả công chữa bệnh cho cô bằng những bắp ngô. Chia sẻ về chuyện này, cô nói: “Bất cứ ai đến đây để chữa bệnh, nếu khả năng cho phép thì cô đều chữa trị hết lòng cho họ dù họ có là ai và hoàn cảnh ra sao thì cũng như nhau vì với cô, họ đều là bệnh nhân của mình. Ai trả công cho mình thế nào đều không quan trọng, điều quan trọng là mình chữa được bệnh, thế là hạnh phúc rồi”.

Với số tiền “tùy tâm” người bệnh gửi, ngoài việc bảo đảm sinh hoạt của gia đình, còn lại cô đều sử dụng vì cộng đồng. Hằng năm, vào đầu năm học cô đều dành tặng những phần quà là sách vở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở những trường quanh vùng. Hằng tháng, những người già, trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không ai chăm sóc đều nhận được sự giúp đỡ của cô. Cô tâm niệm: “Làm từ thiện đâu cần phải đi xa, xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều người cần những tấm lòng hướng thiện”.

Ông Bùi Văn Luân, Trưởng khu Dốc Đồn, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, cho biết: “Cô Tý luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện của khu, rất tích cực đóng góp cũng như vận động đóng góp xây dựng các quỹ từ thiện, công trình từ thiện. Cô Tý là một tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo cả về mặt đạo đức, lối sống và công việc”.

Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM 

Nguồn: http://www.qdnd.vn/