Chuyên gia xã hội học phân tích nguyên nhân xảy ra liên tiếp các vụ hiếp dâm trẻ em gây rúng động dư luận
“Khi xã hội quá coi trọng giá trị đồng tiền, tác động của phim ảnh bạo lực khiêu dâm, tình trạng ly hôn, ly thân… dẫn đến các sang chấn tâm lý, hành vi lệch chuẩn ở cả trẻ em và người lớn. Đây chính là những nguyên nhân làm cho số vụ lạm dụng tình dục trẻ em ngày một gia tăng”, TS Xã hội học Thân Trung Dũng cho hay.
>> Xử lý số liệu SPSS tư vấn làm luận văn
>> Cho thuê phòng học – Classroom for lease
> Cung cấp dịch vụ gia sư GIỎI tại Long Biên, Hà Nội
>> Liên tục tuyển sinh các lớp học ghitar đệm đàn so lo cho mọi lứa tuổi
Thời gian gần đây liên tiếp những vụ xâm hại tình dục được phơi bày như vụ xâm hại ở Hà Nội khiến một bé gái có thai 5 tháng, xâm hại tại Nghệ An khiến một em bé liên tục kêu đau buốt ở vùng kín. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa biết rõ được nguyên nhân cũng như cách điều trị “vết sẹo” tâm hồn cho con trẻ.
PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS Xã hội học Thân Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức (ITCD) về vấn đề này.
Theo anh, nguyên nhân sâu xa do đâu những vụ xâm hại tình dục lại xảy ra liên tiếp như vậy?
Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam ngày càng có chiều hướng gia tăng là do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ thực tiễn và kết quả một số nghiên cứu gần đây có thể chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản như sau:
Thứ nhất, nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và cộng đồng xã hội nói chung về vấn đề này còn hạn chế.
Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em vẫn tồn tại những điểm hạn chế. Điều này dẫn đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em chưa được rộng rãi, thường xuyên.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được kiện toàn một bước về tổ chức tuy nhiên còn chưa ổn định và thực sự yên tâm công tác do chế độ đãi ngộ chưa hợp lý.
Thứ tư, những rạn vỡ trong mối quan hệ gia đình và sự xói mòn những giá trị truyền thống trong xã hội. Lối sống thực dụng, coi trọng giá trị kinh tế gây ra những rạn vỡ trong mối quan hệ gia đình và sự xói mòn những giá trị truyền thống đã dẫn tới số trẻ em bị bỏ rơi, bị sao nhãng, bị lạm dụng, bóc lột, xâm hại tình dục ngày càng tăng.
Thứ năm, ảnh hưởng của lối sống thực dụng và những văn hóa phẩm đồi trụy. Tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự du nhập của lối sống thực dụng từ các nước phương Tây.
Hơn nữa, việc nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt. Công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân. Một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi cần xử lý cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm dụng trẻ em ngày càng gia tăng.
Phần lớn những đối tượng xâm hại tình dục ở trẻ em là người quen, hàng xóm…vậy có cách nào để nhận biết được các “yêu râu xanh” đang quanh con mình hàng ngày?
Trong thực tiễn, hành vi xâm hại tình dục trẻ em biểu hiện rất đa dạng, có những hành vi dễ dàng nhận biết, nhưng cũng có những hành vi rất khó nhận biết bởi đôi khi nó bị che lấp bởi vỏ bọc sự quan tâm, yêu quý của những người xung quanh với trẻ em. Do vậy, muốn nhận biết được “yêu râu xanh”, các bậc phụ huynh phải nhận diện được những hành vi xâm hại tình dục trẻ em cụ thể. Có nhận biết được thì chúng ta mới có thể phòng chống được.
Khi trẻ bị xâm hại tình dục thì cha mẹ là những người biết cuối cùng, theo anh phải chăng đây đang là lỗ hổng lớn về thực trạng cha mẹ thiếu kỹ năng sống?
Nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em còn hạn chế. Các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc có nhận thức hạn chế về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, những nguy cơ bị xâm hại tình dục ở trẻ em nên thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính, tình dục, các kiến thức, kỹ năng phòng chống lạm dụng tình dục với trẻ em. Từ đó, dẫn tới trẻ em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý, giới tính lứa tuổi, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.
Cha mẹ nên làm gì khi con bị xâm hại tình dục để chữa lành “vết sẹo” cho con?
Khi con bị xâm hại tình dục, lời khuyên cho các bậc phụ huynh cần bình tĩnh và xử trí và thực hiện những việc làm cụ thể sau:
Một là, kiềm chế cảm xúc đau đớn, giận dữ của mình để trấn an trẻ, tuyệt đối không đánh mắng trẻ vì bị xâm hại không bao giờ là lỗi của trẻ.Hãy chia sẻ cảm xúc, công nhận con đã trải qua tình cảnh khó khăn và cho con biết cha mẹ luôn ở bên con giúp đỡ con, chăm sóc con.Hãy lắng nghe những ngôn ngữ bằng lời và không lời của trẻ. Đặc biệt trẻ khó nói ra trẻ đang cảm thấy như thế nào mà trẻ sẽ bộc lộ những cảm xúc của mình qua hành vi.Phụ huynh cần cách ly trẻ với kẻ lạm dụng trẻ, sự an toàn cho con cần được quan tâm hàng đầu. Hỗ trợ tâm lý cho con là việc quan trọng cần làm ngay. Nếu cần, gia đình hãy tìm đến các chuyên viên tham vấn tâm lý để cả trẻ và cha mẹ được hỗ trợ tâm lý.
Hai là, lưu giữ những vật chứng liên quan vụ XHTD như quần áo, ga trải giường, quà tặng, thư tay, tin nhắn,… phải giữ lại và không tắm, không thay quần áo cho trẻ khi phát hiện ra sự việc. Trò chuyện với trẻ, ghi nhận lại những tâm sự ban đầu của trẻ, phụ huynh cần ghi âm lại để sau này có tư liệu làm việc với các cơ quan chức năng, tránh cho con mình phải kể đi kể lại nhiều lần gây tổn thương cho trẻ.
Ba là, bạn đưa con đến cơ quan công an nơi gần nhất để tố cáo và yêu cầu thực hiện các quy trình giám định pháp y.
Bốn là, phụ huynh cần kiểm tra sức khỏe cho con càng sớm càng tốt nhằm phát hiện và điều trị các chấn thương về thể chất. Nếu trẻ có các dấu hiệu tâm lý bất ổn thì cha mẹ cần đưa con đến các trung tâm tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý dành cho trẻ em.
Năm là, gia đình liên hệ với giáo viên, nhà trường giúp con tiếp tục đi học và ngăn sự chế nhạo từ bạn bè hay ai đó ở trường (nếu vụ việc bị nhiều người biết).
Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích, động viên, thể hiện sự yêu thương và dành nhiều thời gian riêng cho trẻ, nhất là lúc ngủ.Cha mẹ tạo những dịp vui chơi để trẻ chơi cùng cả gia đình, chia sẻ niềm vui giúp cả cha mẹ và trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong suốt hành trình tiến hành các biện pháp xử lý nói trên, cha mẹ hạn chế tối đa việc chia sẻ thông tin chuyện trẻ bị xâm hại cho những người không liên quan.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!