Chuyện đôi đũa và văn hoá dùng đũa

Tác giả: ThS. Thân Trung Dũng

Trong văn hoá Ẩm thực của người Phương Đông, đũa là một vật dụng không thể thiếu. Người ta thậm chí còn có thể đánh giá nhận thức văn hoá của một người qua việc dùng đũa trong bữa ăn. Vậy, văn hoá dùng đũa quan trọng như thế nào? Nó hằng chứa những triết lý gì? Sự khác biệt về văn hoá dùng đũa ở một số nước Phương Đông ra sao?
Chuyện đôi đũa và văn hoá dùng đũa
Ở Trung Quốc
Có nhiều nước tự coi mình là nơi sản sinh ra đôi đũa. Điều này còn cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, ở Trung Quốc đôi đũa đóng vai rất trò quan trọng trong truyền thống văn hóa. Từ xa xưa, đũa được những người dân bên bờ sông Trường Giang gọi là “zhu” có nghĩa là “dừng lại”. Nhưng đối với những người thủy thủ trên tàu, “dừng lại” là một điều không may mắn. Vì thế, người ta đổi “zhu” bằng “kuai” có nghĩa là nhanh nhẹn, hoạt bát. Từ đó đến nay, người Trung Hoa gọi đôi đũa là “kuai”.
Người Trung Quốc không dùng dao và dĩa trong bữa ăn bởi theo quan niệm của họ, đó là những vật dụng liên quan đến bạo lực và binh đao. Trong khi đó, đũa tượng trưng cho sự thanh cao và lòng nhân từ, đây cũng là hai nội dung chính của học thuyết Khổng Tử. Một lý do nữa không kém phần quan trọng đó là các món ăn của người Trung Quốc cũng thích hợp với việc giữ và gắp hơn là cắt ra và xiên vào nó. Đôi đũa cũng đóng vai trò quan trọng về mặt văn hoá đối với người Trung Hoa. Ở một số nơi, trong lễ cưới, gia đình chú rể tặng 2 đôi đũa và 2 cái bát cho cặp vợ chồng mới. Người ta cho rằng điều đó thể hiện lời cầu chúc cho cô dâu chú rể không chỉ có cuộc sống hạnh phúc mà còn sớm sinh con đẻ cái vì “kuai” có nghĩa là “nhanh”.
dua6                                                                                             Anh: afamily.vn
Đặc biệt, trong đời sống hàng ngày, người Trung Quốc cũng có những quan niệm thú vị trong việc dùng đũa. “FanzhengKuai” là cầm đôi đũa trái đầu nhau. “QiaoKuai” là dùng đũa để đánh lên bát, đĩa và bàn, điều này giống như gõ đàn, gõ phách, tạo không khí vui nhộn. “GongKuai” là cắm đôi đũa thẳng đứng trong thức ăn, điều này gợi tới một lễ tang. “CiKuai” là dùng đôi đũa để xiên thức ăn như một chiếc dĩa, điều này thể hiện sự tham ăn. “MiKuai” là tay cầm đũa lên và do dự, phân vân khi gắp thức ăn. “YiKuai” là gắp thức ăn lên bát rồi gắp trả trở lại đĩa, điều này thể hiện bất lịch sự. “TaoKuai” là dùng đũa xới thức ăn lên để tìm, điều này thể hiện thói quen xấu. “JiaochaKuai” là gắp thức ăn cùng lúc với một người khác, điều này thể hiện sự vội vàng khi ăn. “TuipanKuai” là việc dùng đũa để đẩy bát hoặc đĩa. Cuối cùng là “TianKuai” có nghĩa là việc dùng lưỡi để mút đũa.
Điều mà không chỉ Trung Quốc mà một số nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam kỵ nhất là chống đũa vào bát cơm, vì người ta chỉ làm điều này trong nghi thức tang lễ (khi đơm cơm cúng cho người chết). Hơn nữa điều này đồng nghĩa với việc thiếu tôn trọng chủ nhà hoặc những người lớn tuổi.
Người Trung Quốc ít dùng đũa bằng gỗ mà thường chế tạo đũa từ sừng hoặc tre. Mỗi đứa trẻ ở Trung Quốc khi bắt đầu tự ăn đều phải học cách dùng đũa cho đúng để dần trở thành thói quen.
Ở Nhật Bản:
Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, các nước Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc… chủ yếu sử dụng đũa làm công cụ để ăn hàng ngày. Mặc dù vậy nhưng mỗi nước lại có phong tục dùng đũa mang nét chung và riêng nằm trong phạm trù văn hóa phương Đông. So với đũa Trung Quốc và Việt Nam … đũa Nhật Bản làm bằng gỗ, ngắn hơn và dễ sử dụng hơn. Theo quan điểm của Richard Bowring (người Anh), một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nhật Bản thì: “Đũa Trung Quốc dài và hơi to quá nên khó sử dụng”. Do đó, theo ông quan niệm của người Nhật về đôi đũa có sự thay đổi theo chiều dài. Đũa của chồng dài hơn của vợ, đũa của bố mẹ dài hơn của con cái, đũa của anh dài hơn đũa của em. Điều này ngược lại với thời xa xưa, những bậc đế vương dùng đũa ngắn, bậc càng thấp dùng đũa càng dài.
Dưới con mắt người Nhật, đôi đũa có giá trị hơn khi nó trở thành chủ đề thẩm mỹ học gắn nhiều với phong tục, tập quán. Ở Nhật Bản, một món ăn truyền thống, nổi tiếng là món Sashimi sẽ dễ bị hỏng nếu như người Nhật sử dụng các dụng cụ ăn bằng kim loại như dao, dĩa… theo kiểu phương Tây.
Trên bàn ăn, người Nhật dùng một đôi đũa chung để gắp thức ăn vào bát của riêng mình. Nếu không có đôi đũa chung, họ phải trở đầu đũa ăn của mình để gắp thức ăn cho khách sau đó trở lại đầu đũa cũ để ăn. Đây không đơn thuần là vấn đề vệ sinh mà còn gần với phong tục: trong tang lễ Nhật Bản, người thân phải dùng đũa gắp xương người đã khuất sau khi hỏa táng và truyền cho nhau.
Ngoài ra, họ còn tránh dùng đũa gắp thức ăn đã bị rơi hoặc không cắm đũa vào bát cơm vì nó gợi lên hình ảnh chết chóc. Điều thú vị hơn cả là người đi cắm trại, đi picnic nhất thiết không được quên tục lệ: đôi đũa dùng xong phải bẻ đôi tránh ma quỷ tận dụng những đôi đũa đó làm điều xấu, điều ác hoặc tránh tà ma theo bám gia đình và bữa cơm gia đình.
Người Nhật ngày nay cũng như người Trung Quốc, người Việt Nam khi ăn xong đều rửa sạch đũa để dùng lại. Với tính cách cẩn thận nên trong các gia đình người Nhật thường chuẩn bị mỗi người một đôi đũa riêng. Ngăn đựng đũa của họ còn phân định rõ đâu là đũa dành cho chủ, đũa dành cho khách, khách đến nhà sau khi dùng bữa thì đũa của họ sẽ được gia chủ vứt đi – biểu hiện sự sạch sẽ của người dân xứ sở Mặt trời mọc.
Thời xưa muốn chứng tỏ mình thuộc tầng lớp “quyền quý”, vua, quan và những người giàu có thường dùng đũa một lần sau đó đem vứt đi và dần dần tục lệ này cũng trở nên phổ biến trong đời sống người thường dân. Cũng từ 1185 trở đi, mỗi năm vào thời điểm cấy lúa (mùa xuân) và dịp thu hoạch lúa (mùa thu) người dân Nhật lại có phong tục thay đũa mới. Họ quyết định lấy ngày 4- 8 làm “ngày hội đũa” truyền thống trên toàn quốc.Ở Hàn Quốc
Người Hàn lại “chuộng” dùng đũa bằng kim loại như đũa nhôm hoặc inox. Họ không thích dùng đũa bằng tre, gỗ như người Hoa, người Việt và người Nhật vì nó nhẹ quá. Trong bữa ăn gia đình, người Hàn dùng muỗng để ăn cơm và dùng đũa để gắp thức ăn.
dua-nhat1                                                                                            Ảnh:kokeshi39.com
Ở Việt Nam:
Người Việt Nam có những phong tục dùng đũa khá giống với người Trung Hoa. Khắp nơi, trên đất nước Việt Nam, người ta đều ăn cơm bằng đũa. Lâu dần, dùng đũa ăn cơm không còn là một thói quen tiện dụng hàng ngày mà đã trở thành một nếp văn hoá, tạo ra cả những cách cư xử mang tính nhân văn sâu sắc.
Mặc dù đũa ngà, đũa ngọc là quý nhưng đũa tre là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của tất cả các gia đình người Việt. Trong văn hoá dân gian, đôi đũa xuất hiện nhiều trong các bài hát, trong các câu thành ngữ, tục ngữ. Ông cha ta đã dùng đôi đũa để thể hiện triết lý bình đẳng cân xứng trong hôn nhân như:  “Vợ chồng như đũa có đôi” – thể hiện tình cảm gắn bó không thể thiếu giữa vợ và chồng. Hoặc để ví hai vợ chồng không cân xứng với nhau về địa vị và hình thể người ta nói: “Ví dầu chồng thấp vợ cao. Như đôi đũa lệch so sao cho vừa” hoặc “Vợ dại không hại bằng đũa vênh” v.v…
Người Việt cũng có các quan niệm về đũa khá đặc biệt. Trong mỗi bữa cơm gia đình người dưới phải so đũa đều, rồi chia từng đôi đũa cho người trên. Nếu vô tình nhận được đôi đũa lệch người ta thường có cảm giác không vui, giống như mình bị người khác xem thường vậy. Thông thường chỉ khi nào bố mẹ cầm đũa thì con cái mới được cầm sau, chủ nhà cầm đũa rồi mới đến khách. Điều này thể hiện gia đình có gia giáo.
Trong lúc ngồi vào mâm cơm, người lịch sự thì không cầm đũa chọc vào món ăn. Làm như thế sẽ bị cho là kém văn hoá. Cũng không được dùng đũa đảo đều món ăn để tìm lấy phần ngon nhất. Phong cách ăn uống có giáo dục là, gắp thức ăn vừa đủ cho vào bát, tiếp đó mới ăn. Khi nào hết thức ăn thì gắp tiếp. Thêm vào đó, người ta còn tránh trao đũa cho nhau, họ đặt đũa lên bàn chứ không đưa thẳng vào tay người nhận. Người ta quan niệm, đưa thẳng như vậy sẽ có xích mích với nhau. Người ta cũng tránh việc vừa cầm đũa vừa chan canh vào cơm.
Một vấn đề tế nhị khác là trong khi ăn uống, không được dùng đũa để chỉ trỏ hay chọc ghẹo nhau, vì điều đó tạo không khí thiếu nghiêm túc. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không nên dùng đũa để gây ra một hành động phản cảm. Theo tập quán của người Việt, khi cô dâu về nhà chồng hoặc chú rể về vợ sẽ được ưu tiên dành quyền chia đũa cho mọi người rồi mời ông bà, cha mẹ, anh chị em dùng bữa.
Qua cách dùng đũa trong bữa ăn, ta cũng có thể nhận thấy ngay những kẻ thô tục, phàm phu bằng câu: “Gắp thức ăn mời khách mà không giở đầu đũa”. Người Việt Nam tế nhị nên luôn ý thức rằng giở đầu đũa gắp cho khách là thể hiện sự tôn trọng, lịch sự. Việc cứ để đầu đũa đang ăn mà gắp cho khách, nhất là những người kỹ tính có thể gây khó chịu cho họ.
Ngoài ra, đôi đũa còn được xem là thể hiện của tính tập thể, tính cộng đồng trong sinh hoạt văn hoá. Bó đũa mang biểu tượng của sức mạnh đoàn kết. Nó được thể hiện trong chuyện ngụ ngôn“Câu chuyện bó đũa” – nói về sức mạnh của sự đoàn kết trong cộng đồng.
Trong cuộc sống thường ngày, người Việt còn đặc biệt kiêng kỵ với hiện tượng bị gãy đũa, ném đũa…vì nó thể hiện sự không may mắn. Với người Việt Nam, đôi đũa là hình ảnh của một nét văn hóa lâu đời cần được trân trọng và phát huy.
Như vậy, văn hoá dùng đũa có nhiều điểm thật phong phú và thú vị. Quan niệm văn hóa dùng đũa cũng như cách dùng đũa của mỗi nước lại có những nét vừa tương đồng vừa khác biệt nhau. Tuy nhiên, về bản chất, văn hoá dùng đũa có thể được hiểu chung là : nó không chỉ đơn thuần là việc giúp người ta ăn sao cho tiện, cho ngon, nấu món ăn sao cho hợp khẩu vị, mà còn làm cho bữa ăn thi vị hơn, qua bữa ăn mà gần gũi, gắn bó nhân ái với nhau hơn. Đó chính là bản chất của văn hoá ẩm thực Á Đông.
Tác giả: Th.s. Thân Trung Dũng