Chưa sẵn sàng cho việc chuyển giới tại Việt Nam

Theo Đại tá, TS Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), luật pháp Việt Nam còn khá chặt chẽ với người có giới tính thứ ba. Hiện chúng ta vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển đổi giới tính bởi mỗi ca này đòi hỏi thời gian thực hiện lâu dài, tốn kém với hàng chục lần phẫu thuật, cùng sự tham gia đông đảo của đội ngũ các y, bác sĩ…

>> Thuốc nam chữa bệnh thận
>> Xử lý số liệu SPSS
>> Cho thuê phòng học – Classroom for lease
>> Tuyển gia sư trên địa bàn thành phố Hà Nội
>> Đăng ký làm gia sư
>> Đăng ký tìm gia sư
Một ca phẫu thuật ngực của các bác sĩ Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (ảnh bác sĩ cung cấp).

Một ca phẫu thuật ngực của các bác sĩ Khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (ảnh bác sĩ cung cấp).

Nguy cơ tử vong khi tự ý sử dụng hormone

Những ngày gần đây, TS Nguyễn Huy Thọ “giật mình” khi có một số máy lạ thường xuyên gọi đến. TS Nguyễn Huy Thọ cho biết: “Nam thanh niên ấy tự xưng tên là P, hiện sống ở Cao Bằng. Theo mô tả của cậu ấy thì tôi biết đấy là một nam thanh niên hoàn chỉnh. Điều đáng nói là cậu ấy lại bị “mắc kẹt” với giới tính nữ”. Theo chia sẻ của TS Nguyễn Huy Thọ, hầu như ngày nào P cũng gọi cho ông, hỏi làm sao để thoát ra khỏi con người “giả” của mình? Làm sao sinh hoạt tình dục khi bạn tình của anh ta cũng là một nam giới? “Nhiều khi 11-12h đêm cậu ấy vẫn gọi cho tôi, giọng rất khẩn khoản. Gọi đến mức tôi… phát ngại và phải trốn điện thoại vì không biết khuyên nhủ cậu ấy thế nào. Tôi không thể giúp cậu được điều gì hơn. Tôi không thể “vẽ đường cho hươu chạy” trong khi tôi biết, con đường ấy cực kì nguy hiểm”, TS Nguyễn Huy Thọ chia sẻ.

Là người có gần 40 năm công tác trong ngành y, TS Nguyễn Huy Thọ thừa hiểu những người cùng giới sẽ gặp nhiều nguy cơ khi sinh hoạt tình dục thiếu lành mạnh như P. Một số người không đủ điều kiện để phẫu thuật chuyển đổi giới tính, còn ngại ngùng “lộ diện” nên họ vẫn loay hoay giữa tinh thần và thể xác. Chính vì vậy, theo nhận xét của TS Nguyễn Huy Thọ, một số người khi rơi vào trường hợp như P đã tự dùng thuốc để ức chế cơ thể trở về đúng với giới tính. TS Nguyễn Huy Thọ chia sẻ: “Nếu tự ý mua thuốc hoặc sử dụng các liệu pháp thay thế hormone mà không được sự giám sát của bác sĩ, nguy cơ gặp rủi ro, biến chứng… thậm chí tử vong rất cao. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào theo dõi một cách chính thống cho người chuyển giới. Vì thế, một số người đã và đang tự sử dụng hormone mà không biết rất nguy hiểm”.

“Nếu dùng các androgen sinh dục thường xuyên, không những tác động đến các yếu tố phụ của giới tính như lông, râu, tóc, mô mỡ… mà còn có thể gây các bệnh về tim mạch. Tuỳ tiện uống thuốc tránh thai, hormone sẽ làm thay đổi toàn bộ trục “não bộ – tuyến yên – buồng trứng” của nữ và “não bộ – tuyến yên – tinh hoàn” của nam. Đặc biệt, các loại thuốc này sẽ gây các tác dụng phụ nặng nề, thậm chí có thể bị rút ngắn tuổi thọ”, TS Nguyễn Huy Thọ nói.

Phải “theo” bác sĩ suốt đời

TS Nguyễn Huy Thọ.
TS Nguyễn Huy Thọ.

“Tôi còn nhớ mấy năm trước, có hai chị em là Nhâm Thị T và Nhâm Thị H đều là người “lưỡng tính thiên nam”, tức là nữ nhưng có nhiều dấu hiệu của nam giới hơn. Khi cô em là Nhâm Thị H tìm đến GS Nguyễn Huy Phan (chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cô được phẫu thuật để trở thành đàn ông “chính hiệu” với cái tên khai sinh mới: Nhâm Quốc H. Lúc đó H vô cùng phấn khởi và ngay sau đó, cô chị gái cũng được phẫu thuật để trở thành đàn ông với cái tên Nhâm Quốc T. Sau này, hai người ấy vẫn liên lạc lại với tôi”, TS Nguyễn Huy Thọ nhớ lại.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Huy Thọ, chỉ những trường hợp khi người đó có bộ phận sinh dục nhưng quá bé và không rõ ràng như trường hợp của N và H ở trên, hoặc các trường hợp tai nạn ảnh hưởng bộ phận sinh dục, các bác sĩ trong nước mới được phép phẫu thuật để tái tạo. Còn những người muốn chuyển đổi giới tính hoàn toàn với tất cả các bộ phận của cơ thể thì hiện Việt Nam chưa sẵn sàng, bởi mỗi ca chuyển đổi giới tính đỏi hỏi thời gian thực hiện lâu dài với hàng chục lần phẫu thuật, với sự tham gia của bác sĩ tâm lý, bác sĩ nội tiết, bác sĩ phẫu thuật tạo hình…

Quá trình này, theo TS Nguyễn Huy Thọ, gồm 4 giai đoạn: Chuẩn bị tâm lý, tiêm hormone, phẫu thuật và sử dụng liệu pháp hormone sau phẫu thuật. Trong đó, việc phẫu thuật là để “dọn dẹp” các cơ quan sinh dục phụ, can thiệp về xương mặt, cơ bắp, đầu gối… và phẫu thuật để xây dựng các cơ quan sinh dục phụ như âm đạo, ngực (với nữ), dương vật (với đàn ông) để chuyển đổi giới tính. Còn cần cả quá trình sử dụng hormone lâu dài để duy trì hình dáng bên ngoài. Mỗi ca phẫu thuật chuyển giới hiện nay, theo TS Nguyễn Huy Thọ, tiêu tốn đến hàng vài trăm triệu đồng. Chưa kể, liệu pháp tiêm hormone rất tốn kém, mỗi tháng trung bình mất khoảng 200 – 300USD và quá trình này phải được sự giám sát bởi bác sĩ chuyên khoa.

“Khi một số bệnh nhân chuyển giới tìm đến với tôi để được tư vấn, tôi vẫn thường khuyên họ rằng, nếu có thể, nên cố gắng “theo” bác sĩ suốt đời. Đó là cách tốt nhất để đảm bảo sự an toàn cho tính mạng của họ. Tuy nhiên, vì lý do này lý do khác, nhiều người sau khi chuyển giới ở nước ngoài về đã mang đơn thuốc đến các cơ sở y tế để mua các loại thuốc tương đương. Họ không được bác sĩ theo dõi các chỉ số một cách chặt chẽ nên nguy cơ đến cơ thể là rất lớn”, TS Nguyễn Huy Thọ cho biết.

Cũng theo TS Nguyễn Huy Thọ, thực tế hiện nay ở Việt Nam có nhiều người muốn chuyển giới. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam hiện còn khá chặt chẽ với người có giới tính thứ ba. Đặc biệt, chỉ có ba cơ sở y tế được phép xác định lại giới tính gồm: Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Còn lại, chưa có cơ sở nào được điều trị hoặc phẫu thuật chuyển giới. “Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ thông qua hệ thống pháp luật, chuẩn bị cơ sở pháp lý, đồng thời bồi dưỡng, đào tạo liên ngành cho các chuyên gia tâm lý, bác sĩ nội tiết, bác sĩ phẫu thuật tạo hình, dược lý… để việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam không còn là một trở ngại”, TS Nguyễn Huy Thọ chia sẻ.

Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2015 đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Tuy nhiên, Luật vẫn “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8). Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.

“Nhiều người đồng tính và song tính đang chịu nhiều rủi ro, bạo hành”

“Số người đồng tính và song tính trong độ tuổi 15-59 ở Việt Nam tạm tính vào khoảng hơn 1,5 triệu người. Đa phần trong số họ đang phải chịu sự kỳ thị, định kiến, kể cả bạo lực về thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe tâm thần của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ít cơ hội việc làm để đảm bảo cuộc sống cho bản thân cũng như đóng góp cho xã hội”. Ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

“Việc dùng hormone khiến cơ thể dễ mắc bệnh tật”

“Tôi nghĩ việc dùng hormone chỉ là một phần nhỏ để giúp họ biến mơ ước sống với giới tính thật trở thành hiện thực, chứ không thể thay đổi giới tính hoàn toàn. Việc tự dùng thuốc hormone khiến họ dễ bị mắc bệnh tật nhiều hơn, cơ thể ốm yếu hơn. Để chuyển đổi giới tính hoàn toàn, họ phải trải qua rất nhiều cuộc đại phẫu thuật. Thậm chí phải phẫu thuật nhiều lần, uống hormone thường xuyên và luôn thăm khám bác sĩ. Hiện ở Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào cho phép điều trị chuyển đổi giới tính hoặc phẫu thuật thay đổi giới tính nên đó là trở ngại không nhỏ cho những người thuộc giới tính thứ ba nếu họ không có tiềm lực kinh tế”.

Sep Dung

Thạc sĩ Thân Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức (ITCD), Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/