Cần có một tấm lòng

 Dù ở thời nào, trẻ em luôn được ví như những mầm non cần được bảo vệ chăm sóc để sau là tương lại của đất nước. Nhưng “những mầm non” ấy hiện đang vấp phải vấn nạn bạo hành nhiều hơn bởi các cô giáo mầm non, những người thường được ví “như mẹ hiền”. Dư luận xôn xao, bất bình đến cao trào bởi những hành động tàn ác này. Đứng dưới góc độ chuyên gia xã hội học Ths. Thân Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức (ITCD), Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển đã có buổi trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật

 

Thưa ông, gần đây hành động bạo hành của các bảo mẫu mầm non ngày càng có xu hướng gia tăng bức xúc dư luận. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Xã hội càng phát triển thì càng phát sinh những vấn đề xã hội phức tạp trong đó có bạo lực xã hội nói chung và bạo lực trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, bạo lực đối với trẻ em là bạo lực đáng để lưu tâm nhất. Tình trạng bạo lực này là sự thể hiện của sự xói mòn những giá trị truyền thống, giá trị đạo đức của dân tộc. Những hiện tượng bạo lực trẻ nhỏ khi trẻ còn rất nhỏ, chưa nhận thức được hành động của hành vi bạo lực, đây là một việc xã hội cần lên án và bài trừ khỏi. Đây cũng là sự nhức nhối chung của xã hội trong nền giáo dục quá truyền thống mà chúng ta đang thiên về lý thuyết mà không có trang bị những kỹ năng sống cho học sinh. Đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo về mầm non lại đang được đào tạo một cách ồ ạt, dạy và học cho đủ chương trình để có thể ra trường chứ chưa thực sự chú trọng vào chi tiết. Với ngành nghề này lại đòi hỏi sự trải nghiệm về cảm xúc nhưng hầu hết các giáo viên trong trường mầm non đang thiếu trầm trọng về kỹ năng sống, kỹ năng mềm hơn nữa là long say mê nghề nghiệp, tình yêu với trẻ nhỏ.

Sep Dung

Thạc sĩ xã hội học Thân Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức

Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ác mẫu” trong thời gian gần đây?

Cốt lõi của vấn đề có một số nguyên nhân sau: Giáo dục gia đình cũng đã ăn sâu vào ý thức của mỗi giáo viên, trong giáo dục gia đình vẫn giữ quan niệm “yêu cho doi cho vọt”. Tuy nhiên, đây không còn là vấn đề phù hợp với xã hội hiện tại nữa. Ngày nay, việc chăm sóc  trẻ em đã đi theo những quan niệm khác, trẻ em được nâng niu ngay từ những việc nhỏ nhất. Ví dụ như vừa ngã xuống nền, vừa ngã xuống đất đã được “trả thù” bằng các câu nói như để mẹ đánh chừa nó, để mẹ mắng nó cho… chính những việc này đã vô tình hình thành nên mỗi con người mầm mống bạo lực và những điều này dần dần trở thành bản năng của mỗi con người. Đến một lúc nào đó hành vi bạo lực đó sẽ thành bột phát ra xung quanh xã hội. Đây cũng là một lý do.

Ở phía nhà trường có thể dễ dàng nhận thấy những vấn đề giáo dục của chúng ta còn nhiều bất cập. Việc giáo dục về kỹ năng sống hiện nay vẫn chưa được chú trọng, do đó khi những giáo viên mầm non này họ còn trẻ họ không biết tiết chế được cảm xúc có thể dẫn đến việc hành động bạo lực. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một quan niệm cũ rằng trò hư phải đánh. Đánh để rèn rũa học trò. Tuy nhiên, những quan niệm cũ này một lần nữa không còn phù hợp.

Bên cạnh đó việc, tuyển chọn vấn đề giáo viên mầm non hiện nay đang có vấn đề, nhất là các giáo viên mầm non tư thục . Về kỹ năng nghiệp vụ giáo viên họ chỉ đang coi đây như một cái nghề kiếm tiền đơn thuần chứ không phải làm nghề vì đam mê và thiếu đi lòng yêu trẻ.  Đối với giáo viên mầm non, đây là một nghề đặc thù rất cần người có tấm lòng yêu trẻ rất lớn.

Hệ quả tâm lý đối với những trẻ là nạn nhân trong các vụ bạo hành này sẽ gây nguy hiểm như thế nào đối với sự phát triển của trẻ về sau?

Nhiều nghiên cứu xã hội học, tâm lý học đã chỉ ra rằng, bạo lực gia đình có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Thực tế, hàng năm có hàng triệu trẻ em chứng kiến, nghe thấy và cảm nhận được bạo lực gia đình. Trẻ em có nhiều phản ứng khác nhau với hành động bạo lực mà chúng chứng kiến, đó có thể là sợ hãi, bối rối, tội lỗi, bực bội, bất lực, cảm thấy có trách nhiệm đã để xảy ra bạo lực, chối bỏ, trở lên nguy hiểm, lo âu và buồn bã. Những điều này có thể biểu hiện qua hành vi buồn nản, lo lắng, mơ thấy ác mộng hoặc hung hăng, lẩn tránh, tự trò chuyện như đang nói với ai đó, gọi điện đến các trung tâm tư vấn nhờ sự giúp đỡ. Các em thường bị ăn hiếp và có thể tỏ ra đau khổ tại trường hoặc đối phó bằng cách trở thành kẻ ăn hiếp các bạn cùng lứa tuổi. Có thể nói, chứng kiến bạo lực gia đình sẽ làm tổn thương tình thần, ảnh hưởng đến sự phát triển, hình thành nhân cách của bất cứ trẻ em nào sống trong ngôi nhà có bạo lực. Bạo lực gia với trẻ em là vấn đề cần ngăn chặn ngay để tránh tình trạng bạo lực thúc đẩy bạo lực gây nguy hiểm cho xã hội.

Qua những vụ việc gây phẫn nộ dư luận như  vậy, cô có chia sẻ gì cho các vị phụ huynh và các trường mầm non cũng như các nhà giáo dục?

Các cha mẹ nên quan tâm đến con và không được chủ quan. Khi chọn tường lớp cho con cha mẹ cần khảo sát, theo dõi xem liệu có phù hợp với con không. Cha mẹ cũng nên dạy con từ 2 tuổi một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân mình, chia sẻ với cha mẹ những chuyện ở lớp học để cha mẹ có thể biết được con ở lớp ra sao.

Với giáo viên là nghề liên quan đến sự phát triển của một con người, trước khi vào nghề nên tham gia một số các chương trình huấn luyện về tâm lý, cảm xúc, phương pháp, cách giải quyết vấn đề để không lung túng hay không chịu áp lực mà có những hành động không đúng.

Bộ GD – ĐT cần siết chặt hơn nữa những quy định cụ thể về mầm non công lập cũng như tư thục, tiêu chuẩn về giáo viên mầm non cần nâng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu mới của xã hội

Xin cám ơn ông!

                                                           Tác giả: PV Lại Cường – Thanh Hiên – Ngô Huyền –Lê Giáp thực hiện

                                                           Nguồn: Báo Đời sống và Pháp luật, số 121, ngày 9/10/2015