Bớt ảo, trở về đời thực

botaoNếu mải mê vào những màn hình điện thoại, trang mạng xã hội, sẽ vô tình bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc đời – Ảnh: Chụp từ đoạn phim

 

 

Tác giả Gary Turk bắt đầu câu chuyện với lời dẫn rằng anh có 422 người bạn, nhưng vẫn cảm thấy cô độc. Dù anh nói chuyện với họ hằng ngày, nhưng không ai thực sự biết về anh…

Trong suốt 5 phút, Gary Turk thừa nhận đã cảm thấy dằn vặt bản thân vì mất nhiều thời gian phụ thuộc vào thế giới kỹ thuật số với những thiết bị thông minh, các trang mạng xã hội. Trong thế giới ảo này, chỉ trò chuyện bằng cách gõ bàn phím. Dù dành hằng giờ để nói chuyện nhưng chẳng bao giờ nhìn vào mắt nhau, chỉ nhìn vào những cái tên trên màn hình máy tính qua các mạng xã hội.

Gary Turk kể những đứa trẻ khi sinh ra đã thấy người lớn sống như robot, luôn dán mắt, chúi mũi vào những màn hình, rồi cứ ngỡ đó là quy chuẩn của cuộc sống. Thế nên những thú vui thời thơ ấu của anh như đùa giỡn cùng bè bạn, đạp xe lang thang, chơi lò cò, trốn tìm… đã không còn hiển hiện với những đứa trẻ thời nay. Giờ đây những công viên yên tĩnh đến mức lạnh lẽo, không có bóng dáng trẻ con. Vì tất cả đã bắt chước theo người lớn, sống cùng “iPad”…

Chàng trai người Anh cho rằng: “Chúng ta là thế hệ của những kẻ ngốc, của điện thoại thông minh và những người câm. Hiện tại con người đang làm nô lệ cho thứ công nghệ đã làm chủ. Thế giới ảo là thế giới của vị kỷ, tự đề cao mình, sống ảo tưởng, luôn khoe khoang những thứ hay ho của bản thân, phần lớn mọi người tập trung chỉnh sửa ảnh để câu kéo lời khen”.

Gary Turk phân tích những điều này về lâu dài sẽ khiến mọi người khó gắn kết với cùng nhau, khó lòng nhìn vào mắt nhau khi giao tiếp. Đặc biệt nếu chỉ mải mê vào các trang mạng xã hội, sẽ phí hoài cuộc sống, vô tình bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc đời.

Vì lẽ đó, Gary Turk khuyên mọi người đừng lãng phí thời gian buộc mình vào những thiết bị thông minh. Hãy tắt điện thoại, hãy đi ra ngoài để kết nối thật sự. Hãy gạt bỏ phía sau những thứ khiến bạn xao lãng. “Bởi lẽ, chúng ta sống trong một cuộc sống hữu hạn với số ngày hữu hạn, đừng phó thác đời mình vào mạng xã hội, cuối cùng sẽ chẳng còn gì ngoài sự hối tiếc mà thôi…”, Gary Turk chia sẻ.

Look Up đã thu hút hơn 31 triệu lượt xem cùng hơn 17.000 lượt bình luận – những con số “khủng” cho một sản phẩm trên YouTube. Chưa kể “phủ sóng” hiện diện ở khắp các trang, diễn đàn mạng… Dân mạng cho rằng Look Up là “hiện tượng trên internet”, là “cơn sốt làm chao đảo mọi người”.

Không khó để tìm gặp đường link chia sẻ đoạn phim này kèm theo những lời nhắn: “Đoạn phim không nên bỏ lỡ dành cho những người nghiện mạng xã hội, nghiện smartphone”, “Hãy xem để có thể thay đổi cuộc sống của bạn theo hướng tích cực hơn”, “Hãy ngắt kết nối ảo để quay về sống với thực tại, bạn nhé”…

Dù rằng vẫn có ý kiến chỉ trích như bình luận của Duy Luân trên tinhte.vn: “Look Up quá phiến diện, chỉ nói mặt tiêu cực mà không đề cao tính tích cực của công nghệ và mạng xã hội. Tại sao chăm chăm chỉ trích khiến con người rời xa mà bỏ quên lợi ích của nó: giúp cập nhật thông tin nhanh, là một phần của sự thay đổi và thích nghi với sự phát triển của thế giới hiện đại”.

Tuy nhiên, những nhận xét “chỉ lỗi” như thế rất khó thấy vì lọt thỏm vào hàng chục ngàn bình luận khen tặng.

Thành viên sonnapoli bình luận trên cliphaynhat.com: “Rất ý nghĩa và đáng xem. Đã “nói đúng tim đen” của nhiều người, phản ảnh được thực trạng con người đã và đang quá phụ thuộc vào công nghệ và mạng xã hội”.

Ý kiến của Nguyễn Hoàng Quân trên Facebook được rất nhiều người đồng tình, rằng không thể phủ nhận những “điểm cộng” mà tiện ích từ mạng xã hội, điện thoại thông minh đem lại. Nhưng cần biết cách hạn chế những “điểm trừ” bằng cách sử dụng công nghệ và mạng xã hội một cách hợp lý hơn.

Bình luận

“Nói cho hay vậy thôi chứ tôi đoan chắc không ai có thể sống nổi nếu một ngày không điện thoại thông minh, không mạng xã hội”. (Quỳnh Anh/Facebook)

“Hãy là người thông minh sử dụng điện thoại thông minh. Chứ đừng tự biến thành người ngốc ngếch sử dụng điện thoại thông minh”.(Truc_ Nhan/YouTube)

“Chuẩn chẳng cần chỉnh. Con người đang ngày càng thờ ơ với nhau, xa cách hơn, ngại giao tiếp hơn cũng chỉ vì mạng xã hội”. (nhanhoang/linkhay.com)

“Tuyệt vời! Một đoạn phim khiến người xem phải suy ngẫm. Một phim ngắn ý nghĩa cho người nghiện smartphone”.(Vũ Trần Giang/Facebook)

 

Tác giả: Trâm Anh – Nhật Hạ

Nguồn: http://thanhnien.vn/