Barack Obama và giấc mơ đã… trở thành hiện thực
Một số người sinh ra đã ở trong cung điện. Một số khác được định mệnh cho sung sướng ở trong lâu đài. Nhưng chỉ có vài người “sinh ra” trong trí tưởng tượng, nằm ở bên ngoài những tiền lệ của lịch sử và những niềm hy vọng. Barack Obama là một trong số đó.
Tân tổng thống của nước Mỹ đã chứng minh rằng ở xứ sở tự do, mọi điều đều có thể xảy ra, rằng giấc mơ của những người đã sáng lập ra mảnh đất này vẫn đang tiếp tục sống ở thời hiện tại. Cuộc bầu cử mới đây đã chứng minh rằng ông đúng.
Barack Hussein Obama đã chiến thắng không phải bởi màu da, hay vì màu da của ông. Ông chiến thắng bởi niềm tin vào giấc mơ Mỹ và hy vọng vào những thay đổi của chính nước Mỹ. “Hãy nhớ lấy ngày này,” cha mẹ nói với lũ trẻ khi đưa chúng đến trường và kể cho chúng nghe câu chuyện về một người da màu đã làm nên lịch sử, trong một cuộc bầu cử mà hàng triệu triệu người đã xếp thành những hàng dài, trong nhiều tiếng, để bầu như thể không phải cho một lãnh đạo mới mà cho những giá trị, tài sản, hy vọng và niềm tin của chính họ.
Hãy nhớ lấy ngày này! Lịch sử nước Mỹ không chỉ lật sang một trang mới, một chương mới mà đang viết lại với một cuốn sách mới. Trong cuốn sách đó, hệ lụy và những ràng buộc của quá khứ đã bị xóa bỏ. Trong cuốn sách đó, dường như người Mỹ đã để lại phía sau cả những nổi loạn của thế hệ Baby boomer (chỉ những người sinh ra sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, trong giai đoạn 1946-1964), những khác biệt văn hóa và tôn giáo đã chia cắt những gì họ từng có chúng, khoảng trống nguy hiểm giữa tuổi trẻ không quan tâm và tuổi già không ham muốn, cuộc chiến giữa giàu và nghèo, đen và trắng, sự đối đầu giữa trẻ và già. Tác giả cuốn sách đó là Obama.
Nước Mỹ đã quyết định đặt số phận mình vào tay của một người mà mẹ da trắng, bố da đen; một người đã lớn lên trong nghèo khó, đã đến với ghế dân biểu Chicago, rồi Thượng viện Mỹ, rồi Phòng Bầu Dục bằng sự tự lực của chính mình. Điều này hoàn toàn khác biệt với những người thuộc dòng họ Bush, dòng họ Kennedy, dòng họ Roosevelts hay dòng họ Adams. Obama không danh gia vọng tộc. Obama không bệ đỡ. Nhưng Obama không bao giờ thiếu niềm tin và sự kiên định đối với niềm tin đó. Bài học mới nhất trong các trường mẫu giáo trên khắp nước Mỹ bây giờ là: “Ai lớn lên cũng có thể trở thành tổng thống”.
Obama đã giành được số phiếu bầu nhiều hơn bất cứ vị tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ. “Yes we can” – Tiếng hô đó vang lên trong ánh nến trên mộ của Dr King, người gần 50 năm trước đã nói về giấc mơ mà hôm nay Obama biến nó thành hiện thực. Tiếng hô đó vang lên bên ngoài Nhà Trắng, nơi một thế kỷ trước việc một tổng thống Mỹ mời một người da đen đến ăn trưa có thể bị coi là một sự sỉ nhục. Tiếng hô đó vang lên trên khắp các ngả đường của nước Mỹ, kết nối các màu da, kiểu tóc, các triết lý sống, các đảng phái để hàn gắn một nước Mỹ đang rạn nứt hơn bao giờ hết. Tiếng hô đó cũng truyền cảm hứng thay đổi ở nhiều nơi khác trên thế giới. “Yes we can”. Trong cuộc điện thoại chúc mừng chiến thắng ấn tượng của Obama, tổng thống Bush đã nói: “Anh sắp đi trên một trong những hành trình vĩ đại nhất của đời mình”. Thật ra hành trình đó đã bắt đầu từ 47 năm trước.
Hành trình Obama
Từ một chú bé da màu, con lai ở Hawai đến chủ nhân của Nhà Trắng ở Washington DC.
1960: Barack Hussein Obama chào đời ngày 4/8 tại Honolulu, Hawaii. Cha của ông là Barack Obama, Sr., một công dân Kenya da đen, và mẹ là Ann Dunham, một phụ nữ da trắng đến từ Wichita, Kansas. Hai người gặp nhau khi đang theo học tại Đại học Haiwaii ở Manoa. Tổng thống Mỹ khi Obama chào đời chính là John Fitzgerald Kennedy.
Mẹ ông là Ann Dunham, người Wichita, bang Kansas của Mỹ. Ảnh: AP
Cha ông, Barack Obama Sr., sinh ra và lớn lên
tại một ngôi làng nhỏ ở Kenya. Ảnh: AP
1963: 2 tuổi: Cha mẹ ly thân và sau đó ly dị. Obama không được sống trọn vẹn với tình yêu của cha mẹ, nhưng ông luôn dành cho họ những lời tốt đẹp nhất. “Cha mẹ tôi không chỉ chia sẻ với nhau tình yêu trong mơ, mà còn cả niềm tin vào các cơ hội rộng mở trên đất nước này. Họ cho tôi cái tên châu Phi, Barack – nghĩa là người được chúc phúc, vì họ tin rằng ở nước Mỹ bao dung, tên của bạn không thể là rào cản đến thành công. Họ tưởng tượng rằng tôi sẽ đến những trường học tốt nhất mặc dù họ không giàu, bởi vì ở nước Mỹ hào phóng, bạn không cần phải giàu mới có thể đạt được những ước mơ.”
Thượng nghị sĩ Barack Hussein Obama sinh ra tại
Honolulu, Hawaii, vào ngày 4/8/1961. Ảnh: Reuters.
1967: 6 tuổi: Mẹ Obama đi bước nữa với một người Indonesia. Obama theo mẹ đến Jarkarta sinh sống. Obama là tổng thống đầu tiên của nước Mỹ có một tuổi thơ dài gắn với Đông Nam Á.
Cha mẹ ly thân khi Obama hai tuổi và sau đó ly dị. Mẹ ông đi bước nữa, cả nhà chuyển đến Indonesia vào năm 1967. Trong bức ảnh Obama (phải) ngồi cạnh mẹ, cha dượng và em gái. Ảnh: AP.
1971: 10 tuổi:Obama trở về Honolulu sống với ông bà ngoại – họ không chỉ chăm chút cho Obama những cốc sữa và những lát bánh mì buổi sáng, những bát súp buổi tối, mà cả những giấc mơ để sống trong cuộc đời.
Barack Obama chụp ảnh với ông bà ngoại Stanley và Madelyn Dunham.
1972: 11 tuổi: Mẹ Obama về Hawaii làm việc. Vài năm sau bà lại quay về Indonesia. Thời gian hai mẹ con ở bên nhau, vì thế, không nhiều.
1979: 18 tuổi:Obama tốt nghiệp trung học. Sau đó ông đến Los Angeles, học tại trường Đại học Occidental trong 2 năm, rồi sang New York, theo học tại Đại học Columbia, môn Khoa học chính trị chuyên ngành Quan hệ quốc tế. Cuộc sống tự lập của Obama bắt đầu.
Sau này, Obama quay trở lại Mỹ sống cùng ông bà ngoại. Ông theo học ở Đại học Columbia (New York), chuyên ngành khoa học chính trị và tốt nghiệp năm 1983. Ảnh: AP.
1982:21 tuổi:Cha đẻ Obama mất vì tai nạn xe hơi. Từ khi ly thân đến khi chết, ông gặp con trai đúng một lần. Tuy nhiên, ông vẫn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho người mình mang họ và cả màu da.
1983:22 tuổi:Obama tốt nghiệp Đại học Columbia với văn bằng cử nhân, rồi đến làm việc tại Tập đoàn Doanh nghiệp Quốc tế và Nhóm Nghiên cứu Quyền lợi Công cộng New York. Hai năm sau, Obama chia tay New York để đến Chicago, trở thành chuyên viên và sau đó là giám đốc một tổ chức cộng đồng.
1986:25 tuổi:Lần đầu tiên Obama đến thăm châu Âu trong ba tuần, kế đến là Kenya trong năm tuần, tại đây lần đầu ông có cơ hội gặp những người họ hàng bên nội. Châu Âu cho Obama cái nhìn rộng hơn về thế giới, trong khi Kenya cho chàng trai trẻ một cái nhìn sâu hơn về gốc rễ của mình. Cả hai đều là hành trang tinh thần để ông thực hiện những ước mơ về sau.
1988:27 tuổi:Obama nhập học Trường Đại học Luật Harvard. Cũng trong năm này, ông gặp Michelle Robinson, nay đã là đệ nhất phu nhân Mỹ. Robinson chính là cố vấn cho Obama tại Công ty luật Sidley & Austin ở Chicago, nơi Obama nhận một công việc vào mùa hè. Đến cuối hè, họ bắt đầu hẹn hò, tuy nhiên, phải ba năm sau họ mới đính hôn.
Obama tiếp tục theo học luật tại Harvard và tốt nghiệp vào năm 1991. Ảnh: AP.
1989:28 tuổi:Dựa trên thành tích học tập và một cuộc thi viết, Obama được chọn làm biên tập viên cho Tạp chí Luật Harvard. Đến năm thứ hai, ông đắc cử chức Chủ nhiệm của tạp chí này, điều hành một ban biên tập 80 người, hầu hết đều là những cái đầu siêu thông minh. Sự kiện một người da đen làm Chủ nhiệm Tạp chí Luật Harvard đã thu hút sự chú ý của báo giới. Cái tên Obama bắt đầu được nhắc đến.
1991:30 tuổi:Một năm song hỷ. Obama tốt nghiệp hạng giỏi của Harvard với học vị tiến sĩ luật. Cũng trong năm này, ông chính thức đính hôn với Robinson. Họ kết hôn vào tháng 10 năm 1992 .
Ông gặp người vợ tương lai Michelle Robinson vào tháng 6/1989.
Hai người tiến tới hôn nhân vào tháng 10/1992. Ảnh: AP.
1992:31 tuổi:Obama bắt đầu đi dạy học. Ông dành ra 12 năm để dạy luật hiến pháp tại Trường Đại học Luật Chicago. Bốn năm đầu ( 1992-1996) là giảng viên, tám năm sau (1996- 2004) là giảng viên trưởng. Làm vợ của một ông giáo hơn một thập kỷ, có lẽ chính Robinson lúc đó cũng khó mà nghĩ rằng chồng mình trở thành tổng thống Mỹ sau này.
1995:34 tuổi:Mẹ Obama mất vì bệnh ung thư buồng trứng. Khi Obama bắt đầu chín để bước những bước đi dài trong sự nghiệp thì cả hai vị song thân đều đã qua đời.
1996:35 tuổi:Obama đắc cử vào Thượng viện Illinois, đại diện cho Hạt 13 của thành phố Chicago. Ông giành được sự ủng hộ cho các dự luật chấn hưng đạo đức và cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe. Obama còn tái đắc cử hai nhiệm kỳ nữa, mỗi nhiệm kỳ kéo dài hai năm.
Tài hùng biện của Obama
1999:38 tuổi:Con gái đầu của vợ chồng Obama, Malia Ann, chào đời. Nghĩa là 7 năm sau khi cưới, Obama mới sinh con.
2000:39 tuổi:Obama thất bại khi ra tranh cử vào Hạ viện Mỹ. Có lẽ chính thất bại này đã cho ông bài học để không thua về sau.
2001:40 tuổi:Gia đình Obama có thêm một thành viên mới, bé gái Natasha (“Sasha”).
Hai con gái của Obama, Malia Ann và Natasha, lần lượt ra đời
vào năm 1998 và 2001. Ảnh: AP.
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 43, 4-8-2004 ở Matteson, Illinois.
2004: 43 tuổi:Obama đắc cử vào Thượng viện Mỹ với 70% phiếu bầu – đây là sự cách biệt lớn nhất trong một kỳ bầu cử cấp tiểu bang trong lịch sử Illinois. Trong lịch sử, Obama là thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi thứ năm, và là người thứ ba được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi thắng cử tổng thống Mỹ, ông là người da đen duy nhất phục vụ ở Thượng viện.
Obama được bầu vào thượng viện Mỹ năm 2004.
Ông là thượng nghị sĩ Mỹ gốc Phi thứ năm trong lịch sử đất nước. Ảnh: Reuters
Obama thị sát vùng bị tàn phá do cơn bão Katrina gây ra.
2005:44 tuổi: Tạp chí Time xếp Obama vào danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới. Tạp chí New Statesman tại London cũng xếp Obama vào danh sách “10 nhân vật có khả năng thay đổi thế giới”. Điều này giờ đã trở thành sự thật.
2006:45 tuổi: Obama xuất bản cuốn sáchThe Audacity of Hope (Hy vọng táo bạo), một cuốn sách tự thuật được viết dưới tiêu chí tản mạn về quyền giành lại giấc mơ Mỹ. Cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ – Gary Hart nhận xét rằng, quyển sách này đã thể hiện một “con người sẽ lóe sáng đến tầm vĩ nhân”. Cuốn sách về sau đã có mặt trong danh sách Best Seller của tờ New York Times và giành được giải Grammy cho ấn bản đọc. Nó cũng được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Theo tờ Chicago Tribune, chính những đám đông tụ tập tại các buổi ký tặng sách đã ảnh hưởng đến quyết định tranh cử tổng thống của Obama.
2007:46 tuổi: Đứng trước tòa nhà Old State Capitol tại Springfield, Illinois, nơi Abrham Lincoln hơn 100 năm trước từng nói về sự đoàn kết của nước Mỹ, Obama tuyên bố chính thức tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Khẩu hiệu ông đưa ra là: Thay Đổi.
2008:47 tuổi:
- 3.6: Obama thắng Clinton để trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Mỹ.
- 23.8: Obama chọn Thượng nghị sĩ Joe Biden (đại diện bang Delaware) vào chức Phó Tổng thống trong liên danh tranh cử. Đây là một sự lựa chọn thông minh.
- 28.8: Diễn thuyết trước 84.000 đại biểu của Đảng Dân chủ, Obama chính thức bắt đầu cuộc đua vào Nhà Trắng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tính ra hai đảng đã tiêu đến 2,4 tỷ đô la cho cuộc đua này.
- 2.11: Bà ngoại của Obama, Madelyn Dunham, mất vì bệnh ung thư ở tuổi 86. Obama biết tin này chỉ một ngày trước kỳ tổng tuyển cử. “Bà đã về nhà”, Obama nói trong nước mắt, trước một đám đông im lặng, về người đã nuôi dạy ông, đã là một phần không thể quên trong cuộc đời ông. “Bà là một trong số những người hùng thầm lặng mà chúng ta có trên khắp nước Mỹ này. Họ không nổi tiếng. Tên họ không có trên mặt báo, nhưng họ lao động chăm chỉ mỗi ngày”, vì nước Mỹ mỗi ngày. Bà đã không đợi được, dù chỉ một ngày, để chứng kiến đứa cháu của mình trở thành người nổi tiếng nhất thế giới.
Chụp với Hillary Clinton trong quá trình chạy đua vào cương vị ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân chủ. 1-2-2007, Washington, DC.
Sau nhiều tháng chạy đua với nữ thượng nghị sĩ Hillary Clinton,
Obama chính thức trở thành ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters.
Obama đứng trong thang máy, ngay sau khi nhận được đủ số phiếu ủng hộ của các đại biểu để trở thành ứng viên của đảng ra tranh cử tổng thống. Gương mặt của ông tỏ rõ vẻ chiến thắng.
Obama cùng vợ con đêm chiến thắng 4/11/2008
10/11/2008, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Barack Obama đã lần đầu tiên
tới Nhà Trắng thăm và gặp gỡ Tổng thống sắp mãn nhiệm George Bush
sau khi đắc cử. Đây là chuyến thăm chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao quyền lực sắp tới.
Hai tổng thống Mỹ bàn chuyện trong phòng Bầu dục. Lần mới đây nhất
Obama tới Nhà Trắng là vào tháng 9 trong phiên họp khẩn cấp
bàn về khủng hoảng tài chính. Ảnh: AP.
Tổng thống cũng là người bình thường
12 ghi nhớ nhanh về Obama
1. Con một, nhưng có 7 chị em cùng cha khác mẹ và một em gái cùng mẹ khác cha.
2. Thích chơi bóng rổ.
3. Thuận tay trái.
4. Từng hút và đã bỏ thuốc lá (vì nghe lời vợ).
5. Nguồn thu nhập chủ yếu trong hai năm gần đây: bán sách.
6. Được rất nhiều sao Hollywood quyên góp tiền, ví dụ: Jodie Foster: 1.000 USD; Isaiah Washington: 2.300 USD; Tom Hanks, Paul Newman, Will Smith: mỗi người 4.600 USD. Các ngôi sao khác ủng hộ Obama bao gồm: Oprah Winfrey, Scarlett Johansson, Toni Morrison.
7. Cuốn sách yêu thích: Song of Solomon của Toni Morrison, Moby Dick của Herman Melville và các bi kịch của Shakespeare.
8. Phim yêu thích: Casablanca,Bố già (1 và 2), Bay trên tổ chim cúc cu.
9. Nhạc sỹ ưa thích: Miles Davis, John Coltrane, Bon Dylan, Stevie Wonder, Johann Sebastian Bach.
10. Siêu sao ưa thích: Người nhện.
11. Món ăn ưa thích: ớt.
12. Người hùng: Martin Luther King Jr., Mohandas Gandhi, Pablo Picasso và John Coltrane.