Báo Trung Quốc: Quân đội Việt Nam đủ sức giáng trả Trung Quốc
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải bài viết nhận định năng lực tác chiến của quân đội Việt Nam, được nói là bắt nguồn từ tạp chí quân sự nổi tiếng Kanwa của Canada.
Tờ Hoàn Cầu thời báo, Trung Quốc mới đây dẫn lại bài viết đăng trên tạp chí quân sự nổi tiếng Kanwa của Canada nhận định: Trong chiến tranh hiện đại, không có ranh giới giữa nước mạnh và nước yếu. Việt Nam là nước không hề dễ động vào, họ hoàn toàn có khả năng giáng trả những đòn chí mạng vào Trung Quốc nhờ hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu hiện đại.
Hệ thống tên lửa lắp trên chiến đấu cơ Su-30M2 của Việt Nam |
Hoàn cầu Thời báo còn nêu rõ cả số lượng máy bay Su-30MK2, Su-22 của Việt Nam. Chưa rõ Hoàn cầu Thời báo, tờ báo chính thống của nhà nước Trung Quốc, đề cao sức mạnh quân sự của Việt Nam nhằm mục đích gì.
Ngay trước đó, tờ báo này liên tục có những bài viết với những giọng điệu hiếu chiến, đi đầu trong việc hô hào trừng phạt nhiều nước khi quan hệ căng thẳng liên quan đến biển đảo, trong đó có Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với những bằng chứng không thể chối cãi.
Trong bài viết ‘Việt Nam không dám đối đầu quân sự với Trung Quốc’ đăng hồi cuối tháng 6 vừa qua, Hoàn cầu Thời báo còn nói rằng Việt Nam không dám nổ súng vào Trung Quốc bởi sẽ cầm chắc thảm bại.
Nhưng Tân Hoa Xã, cũng là cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc hôm 10/6 cũng từng đăng bài: ‘Đặc công nước Việt Nam thiện chiến nhất Đông Nam Á’.
Dưới đây là lược dịch bài viết được đăng tải trên Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đang được lan truyền chóng mặt trên các trang mạng xã hội nước này:
Việt Nam, Philippines binh lực yếu, dễ đánh? Nhiều người Trung Quốc có lẽ đều nghĩ là như vậy. Trên thực tế, vũ khí chính xác và tên lửa mới là những thứ quyết định nhiều điều trong chiến tranh hiện đại. Ngày nay, những cuộc chiến trên biển không có ranh giới giữa nước mạnh và nước yếu.
Video: Trung Quốc tập trận bảo vệ giàn khoan trên biển
Trận chiến tranh giành đảo Malnivas giữa Anh và Argentina hồi năm 1982 là một ví dụ tiêu biểu cho hải chiến hiện đại. Một bên là nước Anh với hải quân, không quân tinh nhuệ, một bên là Argentina với không quân, hải quân yếu hơn nhiều.
Vậy còn cách biệt tương tự giữa Trung Quốc và Việt Nam hay Philippines là bao nhiêu, kết cục sẽ thế nào?
Vũ khí chính xác tạo sát thương
Trở lại cuộc hải chiến Anh – Argentina hồi thế kỷ trước, khi phải đối diện lực lượng hùng hậu của Anh, người Argentina dường như tránh đụng độ trực tiếp trên biển. Thay vào đó, họ dùng không quân.
Cho dù vũ khí hiện đại thực sự của Argentina khi đó chỉ có 5 chiến đấu cơ “Dassault-Breguet Super Étendard” còn hoạt động và 5 tên lửa chống tàu “Exocet” (cũng của Pháp). 5 lần phóng, 3 lần trúng mục tiêu và 2 “chiến lợi phẩm” là tàu khu trục “Sheffield” và “Atlantic Coveyor” của Anh.
Chiến đấu cơ Super Étendard của không quân Pháp |
Ngoài ra, Argentina còn dùng 30 máy bay cường kích A4 để tấn công tập trung vào các mục tiêu là chiến hạm Anh. Khi kết thúc trận chiến, Anh mất hơn 6 chiến hạm cỡ lớn.
Điều này cho thấy một đặc điểm trong hải chiến hiện đại: Lực lượng không quân của hải quân đóng vai trò quyết định cho chiến thắng.
Máy bay cường kích A4 |
Đó là bởi nó có tầm chiến đấu xa, hạ gục mục tiêu bằng pháo và tên lửa. Trong trận hải chiến Anh – Argentina, tên lửa hạm đối hạm của hai nước hầu như không phát huy tác dụng.
Về tiềm lực không quân, Việt Nam được cho là có nhiều chiến đấu cơ Su-30M2, lực lượng rất có uy lực. Su-30M2 của Việt Nam có những tính năng tổng hợp của hai chiến đấu cơ chính của Trung Quốc là Su-30MKK và Su-30MK2. Có thể nói, chiến đấu cơ Việt Nam bằng hai chiến đấu cơ Trung Quốc ghép lại.
Su-30M2 của Việt Nam có thể sử dụng tên lửa Kh59TE tiêu diệt mục tiêu trên mặt đất, cũng có thể sử dụng những loại tên lửa không đối hạm được trang bị cho không quân Nga.
Chiến đấu cơ Su-30 của không quân Việt Nam |
Trong khi đó, Su-30MKK của không quân Trung Quốc không được trang bị hệ thống tên lửa không đối hạm Kh31, sắp tới Trung Quốc có thể được trang bị loại tên lửa này hay không thì cũng khó đoán được.
Đội Su-30MK2 của Việt Nam có thể dùng tên lửa không đối hạm tấn công mục tiêu trên vịnh Á Long, đảo Hải Nam – quân cảng chiến lược của Trung Quốc.
Chiến đấu cơ Việt Nam cũng có thể tấn công căn cứ hạt nhân thứ hai của Trung Quốc tại Hải Nam, tấn công tàu tên lửa hạt nhân chiến lược 094, khu trục hạm tên lửa đạn đạo 052C và căn cứ tàu sân bay.
Với bán kính chiến đấu 1.500km, những căn cứ quân sự Trung Quốc ở Trạm Giang, Côn Minh, Nam Ninh và những căn cứ quân sự quan trọng khác đều nằm trong phạm vi tấn công của không quân Việt Nam. Chỉ tính riêng điểm này, có thể thấy Việt Nam đủ sức giáng đòn chí mạng vào Trung Quốc.
Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam |
Đó là còn chưa tính tới việc Việt Nam sở hữu hệ thống phóng Bastion với những quả tên lửa Yakhon được cho là uy lực nhất thế giới hiện nay.
Loại tên lửa với tầm bắn 300km này hoàn toàn có thể tấn công trực tiếp căn cứ Trung Quốc tại vịnh Á Long. Để bắn chìm tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc cùng lắm chỉ cần 2 đến 3 quả tên lửa Yakhon.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều chiến đấu cơ Su-22 đã được nâng cấp. Chiến đấu cơ này mang theo tên lửa diệt radar Kh28 với tầm bắn 110km và tên lửa hành trình Kh29T.
Điều này có thể mang lại hiệu quả giống như quân đội Argentina đã từng làm với quân đội Anh trong trận hải chiến Malnivas.
Điểm đặc biệt thứ hai trong hải chiến Malnivas là lực lượng tàu ngầm với uy lực quyết định trong chiến tranh. Trong toàn bộ quá trình chiến đấu với người Anh, Argentina gần như luôn tránh đối đầu trực tiếp ở quy mô toàn diện do tàu tuần dương Tướng Belglano của nước này bị tàu ngầm ‘Kẻ chinh phục’ của Anh bắn chìm.
Anh đã mang tới cuộc chiến 5 chiếc tàu ngầm, không chỉ phong tỏa chặt chẽ mặt biển mà còn phát huy khả năng cảnh báo cho toàn bộ hạm đội của hải quân Anh.
Nhiều chiếc cường kích A4 của không quân Argentina đã bị phát hiện trước khi phát động tấn công, trong khi đó, muốn tiêu diệt tàu ngầm bằng chiến đấu cơ là điều cực khó.
Một điều quan trọng khác cần thấy trong trận chiến này, đó là tàu ngầm hạt nhân Anh không hề sử dụng tên lửa đạn đạo, tên lửa đối đất mà chỉ trang bị ngư lôi Tiger Fish. Ngư lôi này hoạt động không ổn định, xác suất bắn trúng mục tiêu chỉ khoảng 40%.
Chiến đấu cơ Su-22 |
Ngày nay, Việt Nam trang bị 6 tàu ngầm Kilo 636VM với tính năng vượt trội so với tàu ngầm Kilo 636 của Trung Quốc.
Tàu ngầm Việt Nam được lắp đặt kính tiềm vọng nhìn đêm, tên lửa đạn đạo đối đất 3M-14E tầm bắn 300km; tên lửa hành trình chống hạm 3M-54E tầm bắn 220km.
Hệ thống hỏa lực của tàu ngầm Việt Nam cũng tốt hơn, trong khi tàu ngầm Trung Quốc chỉ có tên lửa 3M-54E và hai ống phóng ngư lôi.
Việt Nam được cho là còn sở hữu những tàu ngầm tự chế cỡ nhỏ, loại tàu ngầm này cùng với tàu ngầm Kilo 636VM đủ sức phong tỏa Vịnh Bắc Bộ hay thậm chí vươn tới vịnh Á Long, cảng Trạm Giang – những căn cứ hải quân trọng yếu của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo đối đất 3M-14E trên tàu ngầm Việt Nam thừa khả năng bắn tới các mục tiêu nêu trên. Tàu ngầm, chiến đấu cơ sẽ hợp thành khả năng tác chiến tổng hợp.
Lực lượng tàu mặt nước của hải quân Việt Nam cũng không thể xem nhẹ, đặc biệt là các loại tên lửa đối hạm rất đa dạng.
Chiến hạm lớp Gepard mang tên Lý Thái Tổ |
Hai tàu hộ vệ tên lửa cỡ lớn Gepard là chủ lực của hải quân Việt Nam sau khi được Nga chuyển giao vào năm 2012.
Hai chiến hạm này trang bị 8 quả tên lửa hạm đối hạm Kh35 với tầm bắn 150km, lượng giãn nước lên đến 2.200 tấn.
Năm 2013, Việt Nam đặt mua hai tàu hộ vệ tên lửa Sigma của Hà Lan. Đây là nỗ lực lớn của quân đội Việt Nam trong việc trang bị vũ khí hiện đại.
Nguyên bản của chiến hạm Sigma có hệ thống hỏa lực do Pháp sản xuất với tên lửa hạm đối không NorthWest Wind và tên lửa hạm đối hạm Flying Fish. Sau khi mua chiến hạm Sigma, Việt Nam sẽ trang bị tên lửa Pháp hay vũ khí gì? Điều này không ai nắm rõ được.
Nếu Việt Nam muốn mua hệ thống vũ khí phương Tây, về mặt chính trị sẽ không có gì trở ngại. Có thông tin cho rằng Việt Nam muốn sử dụng tên lửa Flying Fish do Pháp sản xuất.
Lắp tên lửa cho chiến hạm Gepard |
Tàu tên lửa tấn công nhanh cũng là lực lượng đáng kể của Việt Nam. Quân đội Việt Nam hiện sở hữu cả chục tàu tên lửa tấn công nhanh hiện đại BPS500.
Mỗi tàu trang bị 8 tên lửa hạm đối hạm Kh35, các nguồn tin quân sự nói Việt Nam đang xây dựng hải quân với nhiều chiến hạm loại này.
Giả thiết xảy ra hải chiến Việt – Trung, điều bất lợi cho Trung Quốc là có quá nhiều mục tiêu chiến lược nằm gần Việt Nam, thuộc phạm vi tấn công của không quân, hải quân Việt Nam.
Với sự công kích của tên lửa đạn đạo và số lượng lớn tàu tên lửa tấn công nhanh, Việt Nam có thể áp sát vịnh Á Long, tấn công các chiến hạm mặt nước cỡ lớn của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc không trang bị tàu tên lửa tấn công nhanh ở vịnh Á Long.
Có thể thấy Việt Nam đã chuẩn bị sẵn lực lượng bao gồm đủ tấn công lẫn phòng thủ. Với hệ thống phòng không, Việt Nam có ít nhất 2 sư đoàn tên lửa đất đối không S300PMU1, Trung Quốc cũng có loại tên lửa này.
Tên lửa S-300 của Việt Nam |
Với cả hai phía Việt Nam hay Trung Quốc, nếu dùng không quân tấn công các mục tiêu mặt đất của đối phương đều sẽ phải trả giá đắt.
Thậm chí ngay cả Philippines vốn bị quân đội Trung Quốc không coi trọng, nhưng tình hình đang mỗi ngày một khác.
Nếu có xung đột với Trung Quốc, dư luận quốc tế, phương Tây và Mỹ, Nhật Bản nhất định sẽ đứng về phía Việt Nam, Philippines, thậm chí là cung cấp thông tin tình báo, hỗ trợ quân sự.
Philippines cũng đang mua sắm nhiều vũ khí, khí tài hiện đại từ Mỹ. Uy lực vũ khí Mỹ, hiển nhiên không thể xem thường.
Trong thời đại tên lửa đạn đạo ngày nay, không một nước nào là có thể dễ gây sự.
Văn Việt Võ
Nguồn: http://www.vtc.vn/