Bạo lực gia đình – Vấn đề xã hội nghiêm trọng và phổ biến

Một trong những hiện tượng đáng lo ngại nhất của tình trạng khủng hoảng trong các gia đình hiện nay là tình trạng bạo lực gia đình. Bước sang thế kỷ 21, bạo lực gia đình vẫn lan rộng và trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới đặt ra cho xã hội văn minh nhiệm vụ cấp bách: Làm gì để bảo vệ phụ nữ trước những hành vi bạo lực?

baoluc28082015033713

Bạo lực gia đình – hiện tượng phổ biến và nghiêm trọng
Có nhiều khái niệm khác nhau về bạo lực gia đình nhưng khái niệm bạo lực gia đình của Liên hợp quốc thông qua năm 1993 được các tổ chức cũng như nhà khoa học trên thế giới chấp nhận rộng rãi.

Theo đó, bạo lực chống lại phụ nữ là “bất kỳ hành động bạo lực trên cơ sở giới nào dẫn đến hoặc có thể dẫn đến những tổn thất về thân thể, tâm lý hay tình dục hay những đau khổ của phụ nữ, bao gồm cả sự đe dọa có những hành động như vậy, việc cưỡng bức hay tước đoạt sự tự do, dù ở nơi công cộng hay trong cuộc sống riêng tư” (United nations, 1995).

Bạo lực gia đình chống lại phụ nữ đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới với nhiều dạng thức tinh vi không phân biệt dân tộc, màu da, tầng lớp, lứa tuổi, trình độ văn hóa, địa vị xã hội. Ngay ở những nước được coi là phát triển và văn minh ở châu Âu, châu Mỹ vẫn có không ít phụ nữ phải chịu đựng nạn này.

Theo số liệu điều tra năm 2001, hơn 1/2 triệu phụ nữ Mỹ (588.490 phụ nữ) chết do bạo lực gia đình bởi người chồng của họ. Có khoảng 85% nạn nhân của bạo lực gia đình (588.490 tổng) là nữ, chỉ có xấp xỉ 15% (103.220 tổng) nạn nhân là nam. Trong năm 2001, bạo lực gây tội nghiêm trọng của chồng đối với vợ tăng 20%, số vụ bạo lực của vợ đối với chồng tăng 3% trong tổng số những vụ nghiêm trọng đối với đàn ông. Trung bình mỗi ngày có hơn 3 phụ nữ bị giết bởi người chồng hoặc bạn trai của họ. Năm 2000, có 1.247 phụ nữ bị giết bởi chồng mình. (Theo: Family Violence Prevention Fund, 2004).

Ở Pháp, điều tra mới đây cũng cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị chồng ngược đãi là 2,5% tức là khoảng 1,5 triệu người. Theo “Liên đoàn đoàn kết phụ nữ quốc gia Pháp” nhận định: “Chỉ riêng tại Paris, kinh đô ánh sáng của văn minh nhân loại, 60 phụ nữ bị chồng hay người tình đánh giết mỗi năm”. Trên cả nước Pháp có 450 phụ nữ chết do bạo hành thể xác hay bạo hành tinh thần trong gia đình.

Ở Việt Nam, chưa có các cuộc khảo sát trên toàn quốc về tình trạng bạo lực gia đình. Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, từ ngày 1- 1-2000 đến ngày 31-12-2005 các tòa án địa phương trong cả nước đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ việc về lĩnh vực hôn nhân gia đình. Trong đó có tới 39.730 vụ ly hôn do bạo lực gia đình chiếm tới 53,1% tổng số vụ ly hôn.

Riêng năm 2005, có tới 39.730 vụ ly hôn trong tổng số 65.929 vụ án về hôn nhân gia đình chiếm tỷ lệ là 60,3%. Trên địa bàn Hà Nội từ tháng 1-2000 đến tháng 9-2002, Trung tâm Cảnh sát 113 Hà Nội đã nhận được 517 tin tố cáo, cầu cứu của các nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Trong 8 năm gần đây có tới 11.630 vụ bạo lực gia đình được chính quyền can thiệp giải quyết. Cao nhất là các tỉnh Hà Tây 1.484 vụ, Kiên Giang 2.005 vụ…

Trên báo chí hàng ngày đã đăng tải nhiều vụ bạo lực rất dã man trong gia đình như: Bài “Khống chế, đổ thuốc diệt cỏ vào miệng vợ!?” Báo Thanh niên – số 186 ra ngày 5-7-2003; “Kẻ giết vợ dã man”, “Hình phạt chung thân vì hành xử vợ bằng… búa” – Báo Phụ nữ Việt Nam ra ngày 8-9-2003; “Đổ xăng đốt vợ” – Báo Công an nhân dân ra ngày 7-12-2002… Những bài báo đã mô tả những hành động tội ác dã man, vô nhân tính của người chồng đối với vợ mình và rút ra những bài học sau những vụ bạo lực đó.

Bên cạnh những hành động bạo lực dã man và thô bạo, một loại bạo lực gia đình khá phổ biến đang phát triển ở Việt Nam hiện nay là sự ép buộc vợ quan hệ tình dục.

Dạng bạo lực này ngày càng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ. Tuy nhiên, dạng bạo lực này không mấy ai biết và chú ý đến bởi vì nó được ngụy trang một cách kín đáo dưới vỏ bọc là “quan hệ tình cảm” giữa hai vợ chồng. Mặt khác, đây là vấn đề tế nhị cho nên chị em thường giấu giếm vì không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Những điều này góp phần làm cho bạo lực về tình dục ngày một phát triển và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với phụ nữ.

Ngoài ra, còn rất nhiều dạng bạo lực khác làm tổn thương lớn đến phụ nữ như không quan tâm, bỏ rơi, không nói chuyện theo kiểu “chiến tranh lạnh”, chửi bới thậm chí còn là những hành vi quản lý tiền nong chi tiêu trong gia đình…

Nguyên nhân của bạo lực gia đình
Có rất nhiều lý do để giải thích sự tồn tại và mức độ của bạo lực gia đình. Một số trường hợp do người chồng say rượu, cờ bạc, nghiện hút đánh đập vợ, đòi tiền để thỏa mãn cơn nghiện hoặc do căng thẳng, thần kinh không ổn định, thất vọng trong cuộc sống. Một số ông chồng đánh vợ với những lý do rất vô lý như do vợ không đẻ được con trai, do vợ nói nhiều thậm chí nói ít, rồi đánh vợ để trả thù vì ngày xưa “cưa” khó…

Những bất đồng về kinh tế, nuôi dạy con cái, tình dục… có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo lực nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp và người chồng phải tìm những lý do “hợp lý” khác như làm trái ý chồng để có thể đánh đập, mắng chửi vợ.

Trong trường hợp người chồng đánh vợ vô cớ hoặc “không hợp lý” thì thường được mọi người giải thích là do chồng say rượu, cờ bạc, nghiện hút hoặc chỉ đơn giản là quá nóng tính. Khi say rượu, ham mê cờ bạc, nhiều ông chồng mất tự chủ và thường giải quyết bất đồng với vợ con bằng những hành vi bạo lực. Đó cũng là lý do của nhiều trường hợp chồng đánh đập vợ một cách nghiêm trọng đã từng xảy ra trong thực tế.

Tuy nhiên, đằng sau những tệ nạn xã hội đó có thể là những lý do sâu xa khác như trình độ văn hóa thấp, tình trạng kém hiểu biết về pháp luật hay tư tưởng trọng nam kinh nữ còn quá nặng nề… mà bản thân những người trong cuộc cũng chưa nhận thức được.

Theo chúng tôi nguyên nhân sâu xa và xuyên suốt các vụ bạo lực trong gia đình chính là sự bất bình đẳng sâu sắc trong quan hệ giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, trong gia đình, quyền uy của người đàn ông luôn cao hơn người phụ nữ. Dựa vào quyền ấy, nhiều ông chồng tự cho mình cái quyền được đánh vợ, coi đánh vợ như là một sự “giáo dục” và “thể hiện quyền lực” của “bề trên” đối với “kẻ dưới”.

Hậu quả của bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đối với phụ nữ. Nó không những làm tổn thương về thể xác, tinh thần mà còn liên quan chặt chẽ đến sự kiểm soát đời sống tình dục cũng như vị trí, vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị – kinh tế – văn hóa…

Bạo lực gia đình gây ảnh hưởng sâu sắc về mặt tinh thần của người phụ nữ khiến phụ nữ không yên tâm làm việc, hoặc luôn có cảm giác lo sợ, buồn bã, muốn tự tử và là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tan vỡ gia đình.

Theo thống kê chưa đầy đủ ở Mỹ, cứ 100 vụ ly hôn thì có trên 90% là nguyên nhân do bạo hành, tỷ lệ này ở Thái Lan là 76%, Hà Nội là 51%, TP. Hồ Chí Minh là 56%.

Những vết thương về thể xác rồi thời gian sẽ qua đi nhưng những tổn thương về tinh thần của các nạn nhân đâu dễ dàng xóa bỏ và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người phụ nữ. Do vậy, cần phải có những biện pháp mạnh ngăn chặn tình trạng này.

fbf6014c2_anh_2

Đi tìm giải pháp
Mặc dù xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến song ngay từ khi thành lập, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng mục tiêu giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, bình đẳng.

Điều này được thể hiện rõ trong các chính sách, văn bản pháp luật đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, hiện tượng đánh đập ngược đãi, buôn bán phụ nữ trẻ em vẫn gia tăng.

Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế tình trạng bạo lực gia đình như sau: Cần nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới cho người dân để cả nam và nữ đều nhận thức được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội. Cũng qua đó nâng cao nhận thức của người dân để họ không coi bạo lực gia đình là “chuyện vặt”, “chuyện nội bộ”của các gia đình, hay là vấn đề “cá nhân” mà phải nhận thức đó là vấn đề xã hội và cần giải quyết nó bằng các chính sách và luật pháp thích hợp.

Đặc biệt, pháp luật cần có hình thức trừng trị nghiêm khắc đối với những kẻ gây bạo lực đối với phụ nữ. Nhưng, trước khi chờ sự can thiệp của pháp luật, chị em hãy “tự cứu mình” bằng giải pháp không chấp nhận sống chung với kẻ vũ phu. Trong trường hợp đó, ly hôn là giải thoát chị em khỏi kẻ thường xuyên đánh đập mình, đòi lại quyền con người của chị em.

Cần có sự giúp đỡ từ phía cộng đồng làng xóm bởi lẽ, rất nhiều phụ nữ khi bị chồng đánh thường im lặng, nín nhịn. Bị chồng đánh tím mặt thì nói với bạn bè, hàng xóm là bị vấp ngã. Chồng nói vài câu xin lỗi là nguôi ngoai, chịu làm lành. Mà không thấy rằng nếu bị chồng đánh lần thứ nhất mà không “phản ứng mạnh”, không có một sự cảnh cáo, răn đe nghiêm khắc thì chuyện bị đánh lần thứ hai, lần thứ ba thậm chí cả lần thứ 100 cũng sẽ xảy ra. Cuối cùng, phụ nữ phải biết tự bảo vệ hạnh phúc của mình.

Đừng thách thức sự kiên nhẫn của chồng, đừng đẩy họ đến tình trạng “giận mất khôn” nhưng nếu đó là người đàn ông thực sự vũ phu thì đừng sợ tan vỡ gia đình mà không nhờ đến sự can thiệp của cộng đồng và pháp luật.

Thân Trung Dũng
Khoa Công tác Đảng – công tác chính trị – Học viện Hậu cần

Nguồn: thegioiphunu.vn