XÂY DỰNG MÔ HÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH HIỆN NAY

Tác giả: GS Đặng Cảnh Khanh

Trong thời gian gần đây, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống nhưng vấn đề bạo lực gia đình vẫn diễn ra và có những biểu hiện ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Phòng, chống bạo lực gia đình vẫn là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng xã hội. Một trong những giải pháp để ngăn chặn, giải quyết hiện tượng này, là việc mở rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình hoạt động truyền thông.

Truyền thông từ lâu đã được xác định là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện thành công các mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình. Bởi vậy, trong thời gian qua, những hoạt động truyền thông, bao gồm việc xác định các thông điệp truyền thông, lựa chọn phương thức truyền thông, xây dựng các mô hình truyền thông luôn được xem là công việc quan trọng nhất trong các dự án phòng, chống bạo lực gia đình.

baoluc

Từ khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời và có hiệu lực thi hành, công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình cũng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và sự tham gia mạnh mẽ của hệ thống thông tin đại chúng trên phạm vi toàn quốc. Điều đó đã từng bước tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tổng hợp được sự thống nhất chung trong truyền thông, còn khá lúng túng trong việc xác định các mục tiêu, nội dung và hình thức truyền thông, chưa xây dựng được những mô hình truyền thông có hiệu quả trong phòng, chống bạo lực gia đình, đặc biệt là các mô hình truyền thông thay đổi hành vi.

Truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình là một quá trình liên tục chia sẻ thông tin, kiến thức, thái độ, tình cảm và kỹ năng giữa người truyền và đối tượng tiếp nhận nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và chuyển đổi hành vi về bạo lực gia đình theo mục tiêu truyền thông đặt ra. Truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình cần có những mô hình phù hợp.

Ở nước ta hiện nay, bên cạnh hệ thống báo chí, phát thanh, truyền hình đang tham gia tích cực vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình, chúng ta đang có các nhóm mô hình truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng như sau tồn tại:

1- Mô hình truyền thông theo chủ đề của từng chiến dịch truyền thông. Mô hình truyền thông này đang được áp dụng trên nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt vào dịp có các sự kiện lớn về lĩnh vực gia đình như Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11… dưới các hình thức truyền thông trực tiếp và gián tiếp, đa dạng về cách thức, phương tiện truyền tải.

2- Mô hình lồng ghép truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình với các cuộc vận động do Mặt trận tổ quốc các cấp và các bộ, ban, ngành chủ trì triển khai như: Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do Mặt trận tổ quốc Việt Nam chủ trì. Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa do Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch chủ trì. Cuộc vận động xây dựng làng, bản văn hóa do chính quyền địa phương chủ trì. Mô hình xây dựng Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc do Hội Liên hiệp phụ nữ triển khai…

3- Mô hình kết hợp truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình với hoạt động thường xuyên, cụ thể của các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình ngay tại cộng đồng. Kết hợp truyền thông với các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực gia đình, truyền thông kết hợp với việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử gia đình cho các thành viên gia đình, tham vấn về tâm lý cho những kẻ gây bạo lực gia đình, nhất là các đối tượng người chồng.

4- Mô hình lồng ghép truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình vào sinh hoạt các câu lạc bộ, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thi sáng tác văn học, thơ ca, vẽ tranh, diễn kịch với sự tham gia của chính người dân tại cộng đồng.

5- Mô hình giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình trong nhà trường, giáo dục kỹ năng làm vợ làm chồng cho các gia đình trẻ, giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên.
Tuy nhiên, các mô hình truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình nêu trên còn chưa có được sự chỉ đạo nhất quán, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các loại mô hình, đặc biệt là chưa phát huy được chính sức mạnh của những người trong cuộc, bởi vậy kết quả chưa cao.

Theo Báo cáo kết quả Điều tra thực trạng bạo lực gia đình, đề xuất giải pháp có tính đột phá nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình giai đoạn 2012-2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho đến thời điểm này, tổng số mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình trong cả nước gồm có: 11.363 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 11.319 câu lạc bộ, 10.986 tổ hòa giải. Nội dung tuyên truyền, giáo dục về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình là hoạt động chủ đạo của các mô hình.

Qua khảo sát bằng bảng hỏi của đề tài, nhìn chung thông tin về BLGĐ được người dân tiếp nhận là qua các hình thức truyền thông trực tiếp (cán bộ tuyên truyền) và các hình thức truyền thông ở cơ sở. Ngoài ra, các chương trình phổ biến của Đài truyền hình VN cũng là nguồn thông tin quan trọng về phòng chống bạo lực gia đình.

Ở các địa phương, các mô hình truyền thông sử dụng hầu hết các hình thức truyền thông để tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng: Tuyên truyền trên đài truyền hình; Tuyên truyền trên đài phát thanh; Tuyên truyền trên báo; Tuyên truyền trên loa truyền thanh xã/phường/thị trấn; Lồng ghép vào sinh hoạt của các đoàn thể cơ sở; Lồng ghép vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Treo băng rôn áp phích.

Ngoài ra, còn một số hình thức khác như: tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, in tờ rơi/tài liệu phát đến tận tay người dân, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của tỉnh/thành, tổ chức các hội thi tìm hiểu về pháp luật phòng chống bạo lực gia đình.

Trong các hình thức trên, có hai hình thức được tập trung nhiều nhất là tuyên truyền trên loa truyền thanh xã/phường/thị trấn và lồng ghép vào sinh hoạt của các đoàn thể.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động của các mô hình truyền thông chưa đồng đều. Có mô hình hoạt động khá tốt (tập trung ở các địa phương có dự án, hoặc hoạt động thí điểm, chiến dịch), nhưng phần lớn các mô hình còn lúng túng về nội dung, cách thức, kinh phí duy trì hoạt động. Một trong những nguyên nhân được xác định là công tác truyền thông chưa đủ mạnh, hoạt động của nhiều mô hình về truyền thông chưa có chất lượng và hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức sâu sắc của cộng đồng về bạo lực gia đình, những tác hại, hậu quả của bạo lực gia đình và cách thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình.

Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, chúng ta còn rất nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu, phân tích, trao đổi để tìm được các biện pháp có hiệu quả nhất.

Nguồn: http://tadri.org