VẤN ĐỀ ĐỊNH HƯỚNG THÔNG TIN CHO HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY

Tác giả: Thân Trung Dũng[*] –  Vũ Trường Giang**

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên (HS,SV) tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đa dạng, đa chiều qua hệ thống truyền thông, đặc biệt là internet góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt. Song, điều đó cũng tác động không nhỏ đến nhận thức, niềm tin, mục tiêu, định hướng giá trị và cách thức hành động của HS, SV. Với đặc trưng lứa tuổi, HS, SV phát triển chưa hoàn thiện lại khá nhạy cảm với các vấn đề chính trị xã hội, đặc biệt là những vấn đề tiêu cực, gây bức xúc trong đời sống xã hội. Do vậy, cần định hướng thông tin cho HS,SV để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm xã hội đặc thù này.

c1

Một số nghiên cứu gần đây, đặc biệt là nghiên cứu: “Sự tác động của thông tin truyền thông đến đạo đức, lối sống thanh niên Việt Nam trước khi nhập ngũ” do Viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự – Bộ Quốc Phòng tổ chức, với cỡ mẫu 3.000 HS, SV tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, Hải phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh, đã thu được những kết quả đáng quan tâm.

Từ xu hướng tiếp nhận thông tin

Kết quả nghiên cứu cho thấy, HS,SV Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề thời sự chính trị xã hội trong nước đang diễn ra. Khi được hỏi “hàng ngày những thông tin mới nào được bạn quan tâm nhất?. Có đến 69.5% HS,SV tham gia khảo sát cho rằng mình thường chú ý đến các thông tin thời sự chính trị xã hội trong nước, đặc biệt là các thông tin xã hội nổi cộm; 61.3% HS,SV chỉ chú ý đến thông tin liên quan đến học tập, trong khi đó thông tin về lĩnh vực thể thao giải trí thu hút được khá đông HS,SV với 76.4%. Ngoài ra, thông tin về việc làm cũng được các bạn trẻ quan tâm chiếm (45.5%). Như vậy, rõ ràng, HS,SV luôn quan tâm đến những thông tin về sự phát triển kinh tế xã hội cũng như thể thao, giải trí, học tập, việc làm chứ không phải họ bàng quan với thời cuộc như một số người vẫn nghĩ.

Khi được hỏi HS, SV việc tiếp cận thông tin từ các nguồn nào thì có đến 92.5% tiếp cận thông tin qua mạng internet, 85.4% qua bạn bè, 45.6% qua thầy cô giáo; 25.3% qua ti vi, đài phát thanh nội bộ. Chỉ có 17.6% HS,SV tiếp cận qua tổ chức, đoàn thể và gia đình. Như vậy, đa số HS,SV tiếp cận nguồn thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này phản ánh đúng với thực tiễn xã hội khi mà các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là internet phát triển mạnh mẽ. Internet đã và đang trở thành một trong những phương tiện không thể thiếu được trong đời sống của HS,SV. Tuy nhiên, thông tin trên internet có nhiều nguồn khác nhau, nhiều thông tin chưa qua kiểm duyệt nên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến HS, SV nếu họ không được định hướng kịp thời.

Đến hậu quả của việc tiếp nhận các thông tin xấu độc

Kết quả khảo sát cho thấy, ngoài việc tiếp cận với các thông tin chính thống, HS,SV còn tiếp xúc với các nguồn tin không chính thống thông qua bạn bè, các trang web không chính thức, web đen trên inernet. Việc tiếp cận với các thông tin xấu độc, tiếp xúc với các trang web độc hại có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của HS, SV, làm mất niềm tin, hoang mang, nghi ngờ về những thông tin có được, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Nhưng số liệu thu được từ khảo sát cho thấy, do chưa được định hướng kịp thời nên khi tiếp xúc với những thông tin kể trên có đến 45% HS,SV hoang mang, nghi ngờ về thông tin này, 55% HS,SV mất niềm tin vào sự công bằng xã hội, 48.3% chia sẻ bức xúc với người thân, bạn bè; 42.4% chú ý theo dõi sự phát triển thông tin đó; chỉ có 9.5% HS,SV coi thông tin trên là bình thường và 33.7% phản ứng ngay bằng cách gửi phản hồi trên mạng.

Như vậy, rõ ràng sự thiếu định hướng thông tin có ảnh tiêu cực tới sự phát triển của HS,SV. Vậy, làm thế nào để định hướng thông tin cho HS, SV? Làm sao để nhóm xã hội đặc thù này tránh được những thông tin xấu độc ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển hoàn thiện nhân cách? là vấn đề cần được giải đáp.

Và những giải pháp cần thực hiện

Xu hướng chung của HS,SV là mong muốn được tiếp cận những nguồn thông tin đa dạng, chính thống về các vấn đề nổi cộm trong xã hội. Do vậy để quá trình định hướng thông tin được tốt cần thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên nhà trường trong việc định hướng thông tin cho HS,SV. Việc định hướng thông tin thông qua các bài giảng hoặc tranh thủ những giời giải lao giúp HS, SV phân tích luận giải những vấn đề xã hội nổi cộm và mang tính thời sự. Đội ngũ giáo viên trong nhà trường phải thường xuyên tự bồi dưỡng kiến thức, cập nhật những thông tin mới đa chiều nhằm hỗ trợ kiến thức lý luận cơ bản giúp HS,SV biết cách lựa chọn những thông tin hữu ích, biết phân tích thông tin theo hướng tích cực.

Thứ hai, phát huy tốt vai trò của đoàn thanh niên trong tuyên truyền, giáo dục, định hướng thông tin qua các hoạt động và các buổi sinh hoạt đoàn. Đoàn thanh niên cần tổ chức những buổi sinh hoạt với nội dung phong phú như phân công nói chuyện về những vấn đề nổi cộm trong xã hội hoặc cùng nhau phân tích những vấn đề thời sự “nóng hổi” của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới qua đó vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, khi thì tung tin đồn nhảm, khi thì tuyên truyền sai sự thật trên internet, đồng thời xây dựng cơ chế quản lý khai thác sử dụng thông tin trên internet. Những hoạt động này sẽ giúp cho đoàn viên, thanh niên hình thành lập trường, chính kiến, kỹ năng phân tích khi nhận được thông tin.

Thứ ba, để có nguồn thông tin phong phú, đa dạng, có định hướng, cần nâng cao chất lượng hệ thống các kênh thông tin khác nhau như: thư viện, bảng tin, phòng đọc Hồ Chí Minh, các loại tài liệu, báo chí, hệ thống phát thanh, thông tin nội bộ.…nhằm cung cấp kịp thời cho HS,SV những thông tin mới, bổ ích, có định hướng, những vấn đề mang tính thời sự, thiết thực với lĩnh vực hoạt động, ngành nghề học tập.

Cuối cùng, để công tác định hướng thông tin cho HS, SV trong xã hội thông tin có hiệu quả cần có sự tham gia của đông đảo các tổ chức, lực lượng từ nhà quản lý, nhà trường, các tổ chức như đoàn thanh niên, hội HS, SV đến gia đình và bản thân các em cũng cần có sự tự định hướng tạo điều kiện cho quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách./.

Nguồn: Tạp chí Thanh Niên 3/2012

[*] Thạc sĩ, Giảng viên Học viện Hậu cần

** Thạc sĩ, Giảng viên Trường Đại học Chính trị