‘Thưa Bộ trưởng, khâu kém nhất của giáo dục Việt Nam là…’

PGS-TS Nguyễn Hữu Hợp vừa có bài viết gửi VietNamNet thẳng thắn nêu những bất cập của giáo dục Việt Nam. Thông qua bài viết PGS muốn gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất cần làm ngay “Đổi mới phải bắt đầu từ quản lý giáo dục ngay từ bây giờ”. Theo PGS, khâu yếu kém nhất của giáo dục Việt Nam hiện không phải là chương trình, nội dung, sách giáo khoa…

 

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Hữu Hợp.

“Đoàn tàu” giáo dục đang được kéo bởi một đầu máy cũ kĩ, rệu rã

Quản lí giáo dục được coi là “đầu tàu” kéo đoàn tàu giáo dục với những “toa tàu-giáo viên” và “hành khách-học sinh” đi về đích-mục tiêu giáo dục một cách chất lượng và hiệu quả. Nay, theo tôi, khâu yếu kém nhất của giáo dục Việt Nam không phải là chương trình, nội dung, sách giáo khoa… mà là quản lí giáo dục. “Đoàn tàu” giáo dục (GD) đang được kéo bởi một đầu máy cũ kĩ, rệu rã…

Quản lí giáo dục quá chú trọng đến hồ sơ, sổ sách của giáo viên (GV), trong lúc đó, điều quan trọng nhất là kết quả, chất lượng, sự tiến bộ của HS chưa được quan tâm đúng mức. Những hồ sơ, sổ sách này chiếm quá nhiều thời gian hằng ngày của GV, họ không còn thời gian cho nghiên cứu bài vở, gây ức chế tâm lí nặng nề, làm hao mòn sức khỏe GV, gây hiệu ứng “đô-mi-nô” tiêu cực đến dạy học, giáo dục HS. Quản lí phải hiểu rằng, không phải cứ có bộ hồ sơ đẹp là bảo đảm chất lượng GD. Những thứ đó chủ yếu được GV chuẩn bị để đối phó với thanh kiểm tra mà thôi!

Ngay việc dự giờ một tiết dạy của GV liệu có đủ cơ sở để xếp loại chưa? GV biết rằng việc dự giờ này sẽ bị xếp loại thì rất khó dạy tốt bởi yếu tố tâm lí. Hơn nữa, tiêu chí quan trọng nhất của một tiết học không phải là GV dạy gì, dạy như thế nào, mà là HS học như thế nào, đạt được những kết quả gì và tiến bộ như thế nào. Vậy thì cán bộ quản lí phải khảo sát HS trước và sau tiết học này?Đáng ra, điều quan trọng nhất không phải là xếp loại tiết dạy như thế nào cho khách quan mà mục đích của việc dự giờ là giúp đỡ, hỗ trợ GV như thế nào để họ rút kinh nghiệm và từ đó nâng cao năng lực chuyên môn, giúp học sinh ngày càng tiến bộ.

Bệnh thành tích còn quá nặng nề, trong lúc đó, kết quả và chất lượng GD thực chất không kiểm soát được. Vẫn còn hiện tượng HS được học trước những nội dung sẽ kiểm tra, thi, HS được GV làm ngơ để quay cóp, trao đổi bài, thậm chí GV “gà” bài cho HS… Căn bệnh này tạo ra một thứ đạo đức giả, đối phó từ GV đối với quản lí giáo dục, từ quản lí giáo dục cấp dưới đối với cấp trên. Nó còn “giết chết” những HS có kết quả học tập thấp do bị “lùa” lên lớp, không được lưu ban.

Cơ chế quản lí hiện nay chưa khuyến khích GV nỗ lực chuyên môn. Việc đánh giá, xét thi đua đối với giáo viên bị nhiều nơi kêu là “nhìn mặt đặt tên”, thiếu khách quan, công bằng.

Còn những cán bộ không giải được bài toán “sao”

Lương GV quá thấp, kém cả phụ hồ, bảo vệ, làm cho nhiều người không còn dành tất cả tâm huyết cho dạy học, “78% giáo viên cho rằng yếu tố thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống ảnh hưởng nhiều đến công việc” (theo nghiên cứu của TS Ngô Minh Oanh).

Để kiếm sống, nhiều GV đã chọn phương án dạy thêm. Cấm dạy học thêm mà bỏ qua yếu tố đời sống vật chất (kéo theo cả yếu tố tinh thần) thì chỉ là thứ lao động cưỡng bức mang tính đối phó kém chất lượng, hiệu quả.

“Muốn làm thầy giáo phải học 4 năm ĐH, vậy mà ra trường lãnh lương thua một anh bảo vệ. Bảo vệ bây giờ lương 4 triệu đồng người ta không chịu làm đâu. Nếu chúng ta thay đổi được lương giáo viên là thay đổi rất nhiều thứ” (TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM).

Sĩ số học sinh ở tiểu học theo qui định là không quá 35 em. Tuy nhiên, không biết qui định này dành cho ai, hay chỉ là “phát súng chỉ thiên”. Một tính qui luật hiển nhiên là, sĩ số càng cao thì chất lượng giáo dục càng thấp (các yếu tố khác coi như tương đương), nhưng quản lí giáo dục dường như chưa tính đến tính qui luật này, mà mọi sự đổ vào đầu GV.

Vẫn còn những trường có lớp chọn – điều này gây bất bình đẳng giữa các giáo viên (giáo viên lớp chọn thường được “ưu ái” các mặt hơn), giữa học sinh (những em lớp “kém” không có cơ hội học hỏi từ những bạn bè lớp “giỏi”), làm cho việc đổi mới dạy học trong một nhà trường trở nên “khấp khểnh”. Ngoài ra, hiện tượng này còn gây bè phái, “lợi ích nhóm” ngay trong trường học.

Đâu đó còn những cán bộ quản lí giáo dục có năng lực chuyên môn chưa tốt – không dám dạy “mẫu” cho GV rút kinh nghiệm, “phán” các tiết dạy của GV mang tính áp đặt chủ quan làm GV không phục, không giải được những bài toán “sao” trong sách giáo khoa… Lẽ thường là, những ai không có chuyên môn tốt thì thường áp đặt, ra oai. Thực tế cho thấy, những trường có Ban giám hiệu chuyên môn yếu thì chất lượng HS thường thấp.

Quản lí giáo dục phải phục vụ giáo viên và học sinh

Chuyển từ cơ chế cũ làm GV “nể sợ” sang PHỤC VỤ giáo viên và học sinh. Khi đó, các hoạt động khác nhau của quản lí giáo dục đều nhằm mục đích phục vụ, hỗ trợ, giúp đỡ GV trong việc dạy học, giáo dục HS sao cho chất lượng và hiệu quả. Và, GV có quyền đòi hỏi quản lí giáo dục phải phục vụ mình với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học, giáo dục, giúp học sinh tiến bộ.

Lấy kết quả, chất lượng, sự tiến bộ của học sinh (HS) làm thước đo chính để “đo” năng lực sư phạm của người GV. Vào đầu mỗi năm học, cuối mỗi học kì và năm học, các lớp và từng cá nhân học sinh đều được đánh giá theo từng môn học. Những thông tin này là cơ sở quan trọng bậc nhất để đánh giá năng lực sư phạm của người giáo viên. Việc đo lường này cần phải khách quan, như thế giáo viên mới nỗ lực hết mình cho việc dạy học, giáo dục học sinh. Dữ liệu thu được có thể được công bố công khai, minh bạch.

Xây dựng bộ công cụ đánh giá kết quả, chất lượng, sự tiến bộ của HS sao cho khách quan. Bộ công cụ này cần được thiết kế cho theo từng môn học, hoạt động giáo dục, theo từng lớp, trong đó, cần tính đến yếu tố vùng miền một cách thích hợp.

Không kiểm tra các loại hồ sơ, sổ sách, kể cả giáo án cũng không bắt buộc (GV có thể soạn hoặc không). Nếu bỏ việc kiểm tra này, giáo viên được giải phóng năng lượng và tâm lý, tạo ra một môi trường sư phạm lành mạnh. Khi đó, giáo viên có thêm thời gian cho việc tự đào tạo, học hỏi, trau dồi chuyên môn một cách tích cực.

Tránh áp đặt “chỉ tiêu” thi đua bởi mỗi lớp và mỗi cá nhân học sinh mang tính “cá biệt” bởi không thể giống với những lớp khác, học sinh khác. Những chỉ tiêu thi đua dễ làm cho con người gian dối, đối phó. Ngược lại, hãy để cho giáo viên tự xây dựng chỉ tiêu phấn đấu sao cho phù hợp với tình hình cụ thể của lớp, khả năng giáo viên và những điều kiện thực hiện khác. Đối với những HS không đạt chuẩn kiến thức và kĩ năng theo qui định của chương trình, nhà trường cần cho các em được lưu ban.

Tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh để giáo viên nỗ lực về chuyên môn (quan trọng nhất là tự đào tạo, tự nâng cao năng lực sư phạm); có chính sách khen thưởng cho những GV có năng lực sư phạm cao, giúp học sinh tiến bộ vượt bậc, cho BGH những trường có nhiều HS tiến bộ (nâng lương, tăng bậc lương…).

Tạo cơ chế và biện pháp phòng chống, loại bỏ hiện tượng “lớp chọn”, “lợi ích nhóm” trong từng trường học. Trong đó, đối với những lớp có nhiều học sinh có năng lực học tập thấp, cần bố trí những giáo viên có năng lực sư phạm cao.

Nâng cao năng lực chuyên môn của quản lí giáo dục, trong đó, qui định đã là quản lí giáo dục thì phải có chuyên môn tốt (lúc đó họ mới có thể giúp đỡ, hỗ trợ được cho giáo viên). Đối với những cán bộ quản lí không có năng lực chuyên môn tốt phải chuyển sang làm công tác khác.

***

Để những đề xuất trên trở thành hiện thực, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, soạn thảo và ban hành những văn bản mang tính pháp lý chặt chẽ và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc.

Một thiết bị công nghệ dù phần cứng tốt đến mấy mà hệ điều hành lạc hậu thì không thể chạy tốt được. Tương tự, dù chương trình sau 2018 có hay đến mấy mà quản lí giáo dục không thay đổi thì tôi nghĩ sẽ khó thành công.

  • PGS-TS Nguyễn Hữu Hợp (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
  • Nguồn: http://vietnamnet.vn/