SỰ LỰA CHỌN NGHỀ NGHIỆP QUÂN SỰ CỦA HỌC VIÊN SĨ QUAN QUÂN ĐỘI HIỆN NAY
THÂN TRUNG DŨNG*
Giới thiệu
Sự lựa chọn theo học hoặc làm một nghề nào đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi thanh niên khi học xong trung học phổ thông. Lý thuyết hệ thống về hướng nghiệp cho rằng, mỗi người là một cá thể sống trong một hệ thống phức tạp, đa dạng và chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Sự phát triển nghề nghiệp của mỗi người, bao gồm cả việc chọn nghề, là một quá trình và là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố cá nhân như giới tính, cá tính, tuổi tác, sức khỏe… với những yếu tố bên ngoài như gia đình, bạn bè, cộng đồng, quốc gia, hoàn cảnh kinh tế xã hội, hệ thống giáo dục… (Patton và McMahon, 2006). Sự tác động của từng yếu tố chủ quan và khách quan đối với quyết định chọn nghề của mỗi người không như nhau vì nó còn tùy thuộc vào từng thời điểm, nhận thức, điều kiện, khả năng và phản ứng của mỗi người trước từng yếu tố cũng như các yếu tố liên quan khác như hoàn cảnh gia đình, nhu cầu tuyển dụng lao động của xã hội và các yêu cầu, đòi hỏi của nghề.
(Tiễn thanh niên đi làm nghĩa vụ quân sự. Nguồn: internet)
Những kết quả thống kê thí sinh đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay cho thấy, nhiều thanh niên thích lựa chọn những ngành như tài chính – ngân hàng, quản trị nhân lực, marketing, công nghệ thông tin, du lịch – nhà hàng – khách sạn, dầu khí, xây dựng… (Quỳnh Trang. 2015; Đức An, 2015) với hy vọng có điều kiện làm việc trong môi trường năng động, sáng tạo, mang lại thu nhập cao, thăng tiến nhanh. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, vẫn có một số lượng không nhỏ thanh niên lựa chọn thi vào các trường quân đội để trở thành sĩ quan quân đội, một nghề rất đặc thù so với những nghề kể trên. Câu hỏi đặt ra là lý do nào dẫn dắt họ bước vào con đường binh nghiệp và những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp quân sự của họ? Câu trả lời có ý nghĩa rất quan trọng đối với các chương trình hướng nghiệp, giúp cho các nhà quản lý, các nhà giáo dục tìm ra giải pháp tạo động cơ học tập, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo giúp học viên yêu mến, yên tâm, gắn bó và trưởng thành với nghề nghiệp đã lựa chọn.
Cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu về chủ đề lựa chọn ngành học của sinh viên ở Việt Nam (ví dụ: Phạm Xuân Hảo, 2003; Vũ Cao Huân, 2007; Phạm Tất Thắng, 2007; Nguyễn Thanh Phong và cộng sự, 2008). Nghiên cứu của Phạm Tất Thắng (2007 & 2008) cho thấy, sinh viên lựa chọn ngành học chủ yếu theo ý muốn chủ quan, lựa chọn “ngành học có xu hướng phát triển”, ngành có “số đông thanh niên thích”, và “ngành mà mình yêu thích”. Sự hiểu biết của sinh viên về những tiêu chí chọn nghề còn hạn chế, ví dụ sự yêu thích ngành nghề được sinh viên đánh giá còn cảm tính, chung chung, mơ hồ, trong một số trường hợp sự yêu thích ngành nghề được gắn liền với các yếu tố thực dụng cho nên sự lựa chọn ngành, nghề ở sinh viên thường gắn với yếu tố kinh tế như lựa chọn những ngành, nghề có xu hướng đang phát triển, dễ xin việc, có thu nhập cao và thăng tiến nhanh trong tương lai. Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra những lý do ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp quân sự của đội ngũ sĩ quan quân đội, bao gồm các nhân tố môi trường gia đình, môi trường xã hội và môi trường quân đội (Nguyễn Đình Thắng, 2009).Tuy nhiên, tác giả chưa phân tích mối tương quan giữa những nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp quân sự với các biến số độc lập như địa bàn cư trú của gia đình, ngành nghề của sĩ quan, mức sống gia đình. Các nghiên cứu của Vũ Cao Huân (2007), Nguyễn Thanh Phong và cộng sự (2008) đều đã chỉ ra được một số lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự của học viên sĩ quan, nhưng chưa phân tích làm rõ mối tương quan giữa những lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự này với các biến số độc lập như: ngành học của học viên, địa bàn cư trú của gia đình học viên, mức sống của gia đình học viên, nghề nghiệp chính của cha, mẹ học viên. Có thể thấy, đây là một khoảng trống trong những nghiên cứu về sự lựa chọn nghề nghiệp quân sự ở nhóm học viên sĩ quan quân đội. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu xã hội học về nhóm học viên sĩ quan quân đội, đặc biệt là nghiên cứu về sự lựa chọn nghề nghiệp, định hướng giá trị nghề nghiệp ở nhóm này còn rất ít.
Để góp phần trả lời cho những câu hỏi trên, bài viết phân tích những lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự của nhóm học viên sĩ quan quân đội và những yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp của họ. Các phân tích sử dụng số liệu khảo sát chọn mẫu và phỏng vấn 800 học viên sĩ quan quân đội từ năm 2012 đến 2015 tại bốn trường: Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Học viện Kỹ thuật Quân sự, và Học viện Hậu cần.
2. Những lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự của nhóm học viên sĩ quan
2.1. Phân tích 11 chỉ báo
Bảng 1 trình bày kết quả khảo sát về những lý do chủ yếu mà các học viên đã chọn nghề quân sự. Có tới 60,8% người trả lời lựa chọn nghề nghiệp quân sự do “vinh dự, tự hào là người sĩ quan quân đội”. Sự yêu thích nghề nghiệp quân sự cũng xuất phát từ chỗ đó là một “nghề được xã hội coi trọng” (28,5%). Có 50,4 % người được hỏi đã lựa chọn con đường bình nghiệp vì “lòng tự hào dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc” và 50% do “lòng yêu nước”. Như vậy, lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với đất nước và dân tộc là những yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến động cơ lựa chọn nghề nghiệp quân sự ở học viên sĩ quan.
Đáng chú ý là chỉ có 11,5% học viên lựa chọn thi vào các học viện, nhà trường quân đội do thấy “bản thân có sở trường, năng khiếu quân sự”; 26,0% cho rằng “nghề phù hợp với sức khỏe và trình độ”; 22,3% học viên lựa chọn “nghề phù hợp với hứng thú, sở thích cá nhân”. Như vậy khi lựa chọn nghề nghiệp quân sự, đa số học viên chưa coi trọng những yếu tố về năng khiếu, sở trường và sự phù hợp với hứng thú, sở thích và sức khỏe của bản thân. Phải chăng trước khi thi vào các học viện, nhà trường quân đội, học viên chưa tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp quân sự? Đây là vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó ảnh hưởng đến sự ổn định nghề nghiệp của học viên trong quá trình học tập, rèn luyện cũng như công tác sau này. Việc tìm hiểu kỹ những đặc trưng của nghề nghiệp quân sự trước khi đăng ký thi vào các học viện, nhà trường quân đội sẽ giúp thí sinh suy nghĩ xem mình có phù hợp với nghề nghiệp này hay không, tránh tình trạng bị “sốc” khi vào học tại các học viện, nhà trường quân đội.Nguồn: Số liệu khảo sát tại 4 trường.
Có 40,9% học viên lựa chọn thi vào quân đội vì “có việc làm ngay trong biên chế nhà nước”. Trong bối cảnh tìm việc làm khó khăn, một số gia đình, đặc biệt là gia đình ở nông thôn, miền núi đã định hướng cho con em của mình thi vào các nhà trường quân đội để có một công việc ổn định. Nếu việc lựa chọn nghề nghiệp mà chỉ quan tâm đến yếu tố kinh tế, sự ổn định của nghề mà không quan tâm đến các yếu tố về sở thích, năng khiếu, sở trường thì sẽ làm hạn chế việc phát triển khả năng của học viên trong quá trình giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, chỉ có 7,1% chọn nghề nghiệp quân sự vì cho rằng đây là “nghề có thu nhập cao”. Như vậy, yếu tố kinh tế có lẽ ảnh hưởng không nhiều tới sự lựa chọn nghề nghiệp quân sự của học viên. Bên cạnh đó, có 15,6% học viên được hỏi trả lời rằng họ lựa chọn nghề nghiệp quân sự vì “binh nghiệp là hướng phấn đấu có triển vọng“. Điều này cho thấy, nhiều học viên chưa quan tâm đến tương lai phát triển sự nghiệp.
Số liệu thu được cũng cho thấy, lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự không có sự khác biệt đáng kể theo địa bàn cư trú của gia đình học viên (xem Bảng 1). Vấn đề này sẽ được phân tích sâu hơn ở phần tiếp theo.
2.1. Phân tích nhân tố
Để tìm hiểu sâu hơn về những nhân tố tác động đến sự lựa chọn nghề nghiệp quân sự của nhóm học viên sĩ quan, chúng tôi sử dụng phép phân tích nhân tố (factor analysis) với phương pháp phân tích thành phần chủ yếu (principalcomponentmethod) để khám phá tương quan giữa các chỉ báo và từ đó, kết hợp 11 nguyên nhân (hay chỉ báo) trong Bảng 1 thành một số ít nhân tố nhằm phân tích tập trung và hiệu quả hơn.
Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy 11 chỉ báo được quan sát là phù hợp cho phân tích nhân tố. Đồng thời, hệ số KMO và kiểm định Barllet cho thấy mô hình phân tích nhân tố là thích hợp. Tiêu chuẩn để chấp nhận chỉ báo là khi nó có hệ số tải (factor loading) lớn 0,3. Tổng phương sai mà các yếu tố giải thích được phải trên 30%. Dữ liệu thu được cho thấy, hệ số KMO bằng 0,795 là khá cao và kết quả kiểm định Barllet chỉ ra rằng bộ các chỉ báo có tương quan với nhau và thích hợp cho việc phân tích nhân tố. Kết quả phân tích với phép xoay Varimax đã thu được 3 nhân tố. Tổng phương sai giải thích được của 3 nhân tố là 50,9%, tức là 3 nhân tố này giải thích được 50,9% biến thiên của dữ liệu (xem Bảng 2). Phần biến thiên được giải thích bởi các nhân tố chung dao động từ 29,3% đến 71,8%).
Nguồn: Số liệu khảo sát tại 4 trường
Kết quả phân tích nhân tố được trình bày ở Bảng 2 cho thấy các lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự của học viên sĩ quan quân đội được kết hợp thành 3 nhân tố.Nhân tố thứ nhất cấu thành chủ yếu bởi 4 chỉ báo đầu tiên trong Bảng 2. Các chỉ báo này đều mô tả những lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự phản ánh lòng tự hào dân tộc, truyền thống chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, ước muốn góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội và lòng tự hào khi là người sĩ quan quân đội, lòng yêu nước. Do đó, có thể gọi nhân tố này là “Tinh thần yêu nước và lòng tự hào nghề nghiệp”.
Nhân tố thứ hai cấu thành chủ yếu bởi 3 chỉ báo tiếp theo trong Bảng 2. Các chỉ báo này liên quan đến sự phù hợp về sức khỏe, trình độ, hứng thú, sở thích, sở trường, năng khiếu quân sự của người học viên với nghề nghiệp quân sự. Vì vậy, có thể gọi nhân tố này là“Sự phù hợp giữa năng lực của học viên với nghề nghiệp quân sự”.
Nhân tố thứ ba cấu thành chủ yếu bởi 4 chỉ báo cuối cùng trong Bảng 2. Các chỉ báo này mô tả giá trị mà nghề nghiệp quân sự mang lại, cụ thể là việc làm trong biên chế Nhà nước, thu nhập cao, hướng phấn đấu có triển vọng, và được xã hội coi trọng. Có thể gọi nhân tố thứ ba này là “Địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề nghiệp quân sự”.
- Một số yếu tố tác động đến lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự
Kết quả phân tích nhân tố cũng cho phép ước lượng ba biến số liên tục tương ứng với ba nhân tố kể trên từ 11 chỉ báo ban đầu. Mối liên hệ giữa các 3 nhân tố thu được với các biến số độc lập được trình bày trong các bảng tiếp theo, trong đó mỗi biến tiên tục được nhóm thành 3 nhóm tương ứng với 3 mức độ tương đối: “Dưới trung bình”, “Trung bình” và “Trên trung bình” (mỗi nhóm xấp xỉ 1/3 mẫu). Các phân tích tiếp theo mô tả mối liên hệ giữa lý do chọn nghề quân sự với một số biến độc lập, bao gồm: ngành học sĩ quan, địa bàn cư trú của gia đình học viên, mức sống của gia đình học viên và nghề nghiệp chính của cha học viên.
3.1. Lý do vì tinh thần yêu nước và lòng tự hào nghề nghiệp
Kết quả cho thấy, lý do lựa chọn nghề quân sự với nhân tố“Tinh thần yêu nước và lòng tự hào nghề nghiệp”có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm học viên sĩ quan các ngành học khác nhau. Lý do chọn nghề quân sự với nhân tố này có xu hướng mạnh hơn ở nhóm học ngành quân sự và yếu nhất ở nhóm học ngành kỹ thuật. Thật vậy, tỷ lệ mức độ “Trên trung bình” của nhân tố này là 40% trong nhóm học viên sĩ quan quân sự, nhỉnh hơn so với ở nhóm học viên sĩ quan chính trị (38%) cũng như nhóm sĩ quan hậu cần (37%), nhưng gấp đôi so với ở nhóm học viên sĩ quan kỹ thuật (20%). Ngược lại, tỷ lệ ở mức độ “Dưới trung bình” cao nhất trong nhóm học ngành kỹ thuật (40%) và thấp nhất trong nhóm học ngành quân sự (21,5%) và hậu cần (27,5%). Điều hơi ngạc nhiên là tỷ lệ tương ứng ở nhóm học ngành chính trị lại khá cao (31%) và chỉ thấp hơn nhóm học ngành kỹ thuật.
Số liệu cũng cho thấy xu hướng lựa chọn nghề quân sự với lý do liên quan đến nhân tố“Tinh thần yêu nước và lòng tự hào nghề nghiệp”trong nhóm cư trú ở vùng miền núi, hải đảo mạnh hơn nhóm thành thị, trong nhóm thu nhập trung bình mạnh hơn nhóm thu nhập khá. Tuy nhiên, sự khác biệt là khá nhỏ và kết quả kiểm định Chi-Square chưa cho phép khẳng định mối tương quan giữa lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự vì“tinh thần yêu nước và lòng tự hào nghề nghiệp” với địa bàn cư trú, mức sống cũng như nghề chính của cha học viên sĩ quan.
3.2. Lý do liên quan đến sự phù hợp giữa năng lực với nghề nghiệp quân sự
Với lý do liên quan đến nhân tố “Sự phù hợp giữa năng lực của học viên với nghề nghiệp quân sự”, trong bốn biến số độc lập được xét thì chỉ có mối liên hệ với mức sống và nghề chính của cha là ở mức có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Về mức sống, nhóm có mức sống “dưới trung bình” đưa ra lý do chọn nghề quân sự do sự phù hợp với năng lực thấp hơn so với các nhóm có mức sống cao hơn. Điều này có lẽ là với không ít thanh niên ở các gia đình có mức sống thấp, việc đi học sĩ quan quân đội là lựa chọn khả dĩ nhất cho họ (bảo đảm cuộc sống khi học và sau khi ra trường), mà không có điều kiện quan tâm nhiều đến sự phù hợp với năng lực.
Nghề nghiệp chính của cha cũng là một biến số có tác động đến lý do lựa chọn nghề liên quan đến “Sự phù hợp giữa năng lực của học viên với nghề nghiệp quân sự”. Tỷ lệ có lý do này với mức độ “Trên trung bình” thấp nhất trong nhóm học viên có cha là nông dân (31,1%), thấp hơn đáng kể so với nhóm có cha là công/viên chức (37%), bộ đội/công an (35,2%) hay làm nghề kinh doanh (34,4%). Đồng thời, tỷ lệ ở mức độ “Dưới trung bình” cao nhất là ở nhóm có cha là nông dân (36,5%), và đặc biệt là rất thấp nhất ở nhóm có cha làm nghề kinh doanh (18%). Như vậy, nhóm học viên có cha là nông dân ít quan tâm đến sự phù hợp về năng lực trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp quân sự hơn nhóm học viên có cha làm những nghề khác.
Mức độ đưa ra lý do liên quan đến nhân tố “Sự phù hợp giữa năng lực của học viên với nghề nghiệp quân sự” cũng có khác biệt theo ngành học. Cụ thể, tỷ lệ ứng với mức “Trên trung bình” cao nhất trong nhóm học viên sĩ quan kỹ thuật (37,5%), rồi đến nhóm học ngành hậu cần (35%), quân sự (32,5%), và thấp nhất ở nhóm sĩ học viên sĩ quan chính trị (25,5%). Có lẽ nhiều học viên theo học chuyên ngành hậu cần và chuyên ngành kỹ thuật cho rằng, nghề của họ cần đến năng khiếu, năng lực nhiều hơn hơn so với nhóm học viên sĩ quan chính trị và nhóm học viên sĩ quan quân sự. Bên cạnh đó, tỷ lệ ở mức độ “Trên trung bình” của nhóm có gia đình cư trú ở miền núi/hải đảo là 40,2%, cao hơn hẳn so với trong nhóm cư trú ở nông thôn (31,3%) cũng như ở đô thị (33,3%). Nếu thanh niên cho rằng nghề sĩ quan quân sự cần quen sống ở núi rừng, biển đảo thì điều này cũng có phần hợp lý, nhưng cũng cần xem xét lại trong bối cảnh quân đội ngày càng cần được hiện đại hóa, áp dụng kỹ thuật hiện đại. Đây có lẽ là khía cạnh cần được chú ý trong các chương trình hướng nghiệp cho thanh niên. Tuy nhiên do phân tích này có mức ý nghĩa thống kê p>0,05, cần có số liệu khảo sát sâu rộng hơn để khẳng định mối liên quan giữa ngành học cũng như địa bàn cư trú với nhân tố “Sự phù hợp giữa năng lực của học viên với nghề nghiệp quân sự”. Nhưng nhìn chung, kết quả phân tích này cùng với số liệu trong Bảng 1 cho thấy đa số học viên lựa chọn nghề nghiệp quân sự còn chưa trú trọng nhiều đến sự phù hợp giữa năng lực của họ với nghề.
3.3. Lý do liên quan đến địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề
Nếu học viên chỉ quan tâm đến địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề quân sự thì đó không phải là điều tích cực. Tuy nhiên, quan tâm đến địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề là điều cần thiết và thực tiễn trong cuộc sống bởi những giá trị vật chất mà nghề nghiệp mang lại cũng như vị trí, vai trò của nghề nghiệp trong xã hội sẽ góp phần tạo nên sự yên tâm, ổn định nghề nghiệp.
Trong 4 biến số độc lập được xét thì “ngành học” là biến số có mối liên hệ rõ nhất đến lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự vì “địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề” (Bảng 5). Tỷ lệ ở mức “Trên trung bình” cao nhất trong nhóm học viên sĩ quan hậu cần (45,5%), tiếp đến là nhóm học ngành quân sự (33%), ngành kỹ thuật (29,5%), và thấp nhất là ở nhóm học ngành chính trị (27%). Điều này cho thấy, nhóm học viên sĩ quan ngành hậu cần và ngành quân sự quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố về địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề nghiệp so với các nhóm học viên sĩ quan khác trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp.
Kết quả cũng cho thấy, nhóm học viên sống ở đô thị có xu hướng lựa chọn nghề nghiệp quân sự vì “địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề” cao hơn nhóm vốn sống ở nông thôn hay miền núi/hải đảo. Có lẽ nguyên nhân là thanh niên viên sống ở đô thị có nhiều thông tin và điều kiện để quan tâm đến khía cạnh này hơn khi chọn nghề. Điều này trái với quan niệm thông thường rằng, những học viên xuất thân từ nông thôn, miền núi/hải đảo đã trải qua cuộc sống vất vả, thiếu thốn nên họ quan tâm hơn đến chọn nghề mang lại những giá trị kinh tế và thăng tiến xã hội nhanh. Ngoài ra, kết quả phân tích trong Bảng 4 không cho thấy rõ mối liên hệ giữa lựa chọn nghề nghiệp quân sự vì “địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề” với mức sống hay nghề nghiệp chính của cha học viên.
- Kết luận và bàn luận
Các phân tích đã bước đầu phác họa được những lý do cơ bản lựa chọn nghề nghiệp quân sự của học viên sĩ quan quân đội, sự khác biệt trong mối tương quan giữa những lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự với đặc điểm nhân khẩu của học viên sĩ quan trong các học viện, nhà trường quân đội hiện nay.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, học viên sĩ quan lựa chọn con đường binh nghiệp với nhiều lý do khác nhau, mỗi lý do có vị trí, vai trò, ý nghĩa khác nhau nhưng có mối liên hệ biện chứng với nhau tạo nên những động cơ thúc đẩy họ quyết tâm lựa chọn nghề nghiệp quân sự và gắn bó cả đời với nghề nghiệp đã chọn. Những lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự chính của học viên sĩ quan bao gồm 3 nhóm chủ yếu: (1) tinh thần yêu nước và lòng tự hào nghề nghiệp; (2) sự phù hợp giữa năng lực của học viên với nghề nghiệp quân sự; (3) địa vị xã hội và những giá trị vật chất của nghề nghiệp quân sự. Bên cạnh đó, sự lựa chọn nghề nghiệp quân sự của học viên sĩ quan cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế xã hội như ngành học, nơi cư trú và mức sống của gia đình, nghề nghiệp chính của cha ở những mức độ khác nhau. Điều này cũng phù hợp với mô hình lý thuyết hệ thống về hướng nghiệp và kết quả của một số nghiên cứu đã đi trước.
Trong ba nhân tố trên, “tinh thần yêu nước và lòng tự hào nghề nghiệp” là nhân tố phổ biến nhất trong việc lựa chọn nghề nghiệp quân sự của học viên sĩ quan. Có sự khác biệt về mức độ khác nhau trong mối tương quan giữa lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự này với đặc điểm nhân khẩu của học viên sĩ quan. Nhóm học viên sĩ quan kỹ thuật lựa chọn nghề nghiệp quân sự vì “tinh thần yêu nước và lòng tự hào nghề nghiệp” với mức độ thấp hơn hẳn so với nhóm học viên sĩ quan quân sự, chính trị và hậu cần. Nhóm học viên ở miền núi/hải đảo có lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự do “tinh thần yêu nước, lòng tự hào nghề nghiệp”mạnh hơn nhóm học viên ở khu vực nông thôn và đô thị.
Kết quả cũng cho thấy, có sự kết hợp giữa những giá trị về vật chất, tinh thần với những giá trị về chính trị – xã hội và vị trí, vai trò của nghề nghiệp quân sự trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp của học viên sĩ quan. Song những giá trị về chính trị, xã hội luôn được học viên sĩ quan đề cao coi trọng hơn các giá trị vất chất. Có sự khác biệt ở các mức độ khác nhau khi so sánh tương quan yếu tố“địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề” với các đặc điểm kinh tế xã hội của học viên. Nhóm sĩ quan hậu cần lựa chọn nghề nghiệp quân sự do “địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề” cao hơn các nhóm sĩ quan khác, nhất là so với nhóm học ngành chính trị. Tuy nhiên, kết quả phân tích không cho thấy rõ mối liên hệ giữa lựa chọn nghề nghiệp quân sự vì “địa vị xã hội và giá trị vật chất của nghề” với mức sống hay nghề nghiệp chính của cha học viên
Về nhân tố“Sự phù hợp giữa năng lực của học viên với nghề nghiệp quân sự”, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có mối liên hệ giữa nhân tố này với các biến số độc lập “mức sống” gia đình học viên và “nghề chính của cha” học viên. Cụ thể, nhóm học viên có mức sống “dưới trung bình” lựa chọn nghề quân sự do sự phù hợp với năng lực thấp hơn so với các nhóm có mức sống cao hơn và nhóm học viên có cha là nông dân ít quan tâm đến sự phù hợp về năng lực trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp quân sự hơn nhóm học viên có cha làm những nghề khác. Mặc dù, sự phù hợp giữa năng lực của học viên sĩ quan với nghề nghiệp quân sự là vấn đề hết sức quan trọng có ảnh hưởng đến chất lượng quá trình giáo dục đào tạo cũng như sự ổn định nghề nghiệp ở học viên sĩ quan quân đội. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đa số học viên chưa chú ý đến sự phù hợp giữa năng khiếu, sở trường, hứng thú, sở thích và sức khỏe với nghề nghiệp quân sự nên sự lựa chọn nghề nghiệp của họ còn mang nặng tính chủ quan. Đây là điều cần được lưu ý hơn trong các chương trình hướng nghiệp cho thanh niên hiện nay. Vấn đề này cần có những nghiên cứu chuyên sâu để có đủ cơ sở khoa học đề ra những giải pháp khắc phục.
Những lý do lựa chọn nghề nghiệp quân sự của nhóm học viên sĩ quan, nhìn chung đã phản ánh những định hướng giá trị nghề nghiệp cơ bản của xã hội. Các lý do lựa chọn con đường binh nghiệp mang cả sắc thái về vật chất, tinh thần và ý nghĩa chính trị – xã hội. Song nổi lên là sự yêu thích nghề nghiệp quân sự, tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm xây dựng Tổ quốc, xây dựng quân đội. Những yếu tố này đang góp phần quan trọng tạo thành động cơ thúc đẩy học viên sĩ quan lựa chọn, dấn thân vào con đường binh nghiệp.
Tài liệu tham khảo
Đức An. 2015. “Những ngành nghề “hot” nhất trong năm 2015”, nguồn: http://www.doisongphapluat.com/giao-duc/nhung-nganh-nghe-hot-nhat-trong-nam-2015-a107214.html, truy cập 10/2/2016.
Phạm Xuân Hảo. 2003. Định hướng giá trị chính trị – xã hội cho đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan hiện nay. Đề tài cấp Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.
Vũ Cao Huân. 2007. Định hướng giá trị nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy cấp phân đội trường Sĩ quan Lục Quân 1 hiện nay. Luận văn Tâm lý học, Học viện Chính trị Quân sự, Hà Nội.
Patton, W. M. McMahon. 2006. The systems theory framework of career developmentand counseling:Connecting theory and pactice. InternationalJournalfor the AdvancementofCounselling, 28(2):153-166.
Nguyễn Thanh Phong, Đặng Văn Danh và Thân Trung Dũng. 2008. Định hướng giá trị nghề nghiệp cho học viên đào tạo cử nhân hậu cần cấp phân đội ở Học viện Hậu cần hiện nay.Báo cáo Đề tài khoa học cấp Học viện, Học viện Hậu cần, Bộ Quốc Phòng.
Nguyễn Đình Thắng. 2009. Sự lựa chọn, ổn định nghề nghiệp quân sự của nhóm sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn hiện nay. Luận án Tiến sĩ Xã hội học, Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Phạm Tất Thắng. 2007. Xu hướng lựa chọn công việc của sinh viên sau tốt nghiệp.Tạp chí Xã hội học. Số 2 (98).
Thắng Phạm Tất Thắng. 2008. Định hướng giá trị của sinh viên.Luận ánTiến sĩ Xã hội học, Viện Xã hội học.
Quỳnh Trang. 2015. Ngành hot của nhiều trường ‘bội thu’ thí sinh, nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/nganh-hot-cua-nhieu-truong-boi-thu-thi-sinh-3260850.html, truy cập 10/2/2016.
*Học viện Hậu cần – Bộ Quốc phòng, Liên hệ với tác giả: E-mail: thantrungdung@gmail.com
Nguồn: Tạp chí Xã hội học, số1 (131) tháng 3 năm 2016.