MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI HOÁ – XÃ HỘI HỌC ĐẠI CƯƠNG

Môi trường xã hội hóa là nơi cá nhân có thể thực hiện thuận lợi các tương tác xã hội của mình nhằm mục đích thu nhận và tái tạo kinh nghiệm xã hội. Môi trường xã hội hoá chính là vườn ươm của nhân cách, và đây cũng chính là ngả đường mở rộng để các kinh nghiệm xã hội có thể đến với các cá nhân. Có bốn môi trường có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình xã hội hóa cá nhân đó là: gia đình; nhà trường; nhóm xã hội và truyền thông đại chúng. Dưới đây, Kênh youtube Khoa học Ứng dụng sẽ giới thiệu và phân tích 4 môi trường này:

❤️ ĐĂNG KÝ KÊNH KHOA HỌC ỨNG DỤNG ĐỂ XEM VÀ TẢI NHỮNG BÀI GIẢNG MIẾN PHÍ TẠI ĐÂY: ĐĂNG KÝ

Vì sao gia đình là môi trường xã hội hóa đầu tiên quan trọng bậc nhất?

1.Gia đình

Đây là môi trường xã hội hoá quan trọng bậc nhất của cá nhân, bởi hầu hết mỗi cá nhân đều sinh ra và lớn lên trong gia đình. Trong mỗi gia đình đều có một tiểu văn hoá, tiểu văn hoá này được xây dựng trên nền tảng của văn hoá chung nhưng với những đặc thù riêng của từng gia đình. Các tiểu văn hoá này được tạo thành bởi nền giáo dục gia đình, truyền thống gia đình, lối sống của gia đình… Các cá nhân sẽ tiếp nhận các đặc điểm của các tiểu văn hoá này. Những kinh nghiệm sống, các quy tắc ứng xử, các giá trị … đầu tiên con người được nhận từ chính các thành viên trong gia đình bố, mẹ, ông, bà, anh, chị. Vì mỗi chúng ta trưởng thành và tiếp nhận một tiểu văn hoá có những đặc trưng riêng biệt cho nên cũng có những đặc điểm nhân cách khá riêng biệt.

Quá trình xã hội hoá không chỉ diễn ra trong các gia đình cùng chung sống với cha mẹ, tức là nơi họ được sinh ra và lớn lên, mà còn trong cuộc sống gia đình vợ chồng. Trước khi trở thành người vợ, người chồng, các cá nhân từ nhỏ đã được hưởng thụ các phong cách giáo dục gia đình rất khác nhau, thậm chí xung khắc với nhau. Để có cuộc sống hạnh phúc, các cặp vợ chồng cần thích ứng các giá trị của họ với nhau. Tức là phải có sự tiếp nhận các giá trị mới, các khuôn mẫu hành động mới. Nói cách khác, phải tiếp tục quá trình xã hội hoá của cả hai vợ chồng.

2. Nhà trường

Vườn trẻ, nhà mẫu giáo là những nơi đứa trẻ thực hiện hoạt động vui chơi và học tập bước đầu của mình. Thông qua hoạt động này trẻ em chủ yếu nhận những kiến thức ban đầu về tự nhiên và xã hội. Cũng tại đó chúng thực hiện những giao tiếp và dần hình thành các mối quan hệ xã hội. Thông qua những trò chơi, những mối quan hệ đã hình thành tại đây, các đứa trẻ hoà nhập dần vào đời sống xã hội. Các cô giáo hay các cô bảo mẫu sẽ là những người hướng dẫn, khuyến khích những hành vi đúng hoặc điều chỉnh, phạt những hành vi làm sai.

Trong các trường học, hoạt động chủ đạo của các cá nhân là học tập. Các cá nhân thu nhận các kiến thức khoa học cơ bản về tự nhiên và xã hội, các kiến thức văn hoá chủ yếu làm nền tảng cho cuộc sống sau này. Những kiến thức đó sẽ phục vụ đắc lực cho việc thực hiện những vai trò mà cá nhân cần phải đóng trong tương lai. Tuy vậy, không phải mọi kiến thức mà cá nhân nhận được trong các trường học, đặc biệt là các trường phổ thông là những kiến thức trực tiếp về vai trò. Thông thường chúng chỉ đóng vai trò là tri thức nền, phông trong việc thực hiện các vai trò. Cũng trong giai đoạn này các cá nhân thực hiện rất nhiều tương tác và nhiều quan hệ xã hội của họ cũng được thiết lập.

3. Các nhóm xã hội

Đó là các nhóm mà cá nhân là thành viên. Đó có thể là những lớp sinh viên, các tập thể lao động, nhóm cùng sở thích… Các nhóm này có ý nghĩa quan trọng trong việc cá nhân thu nhận các kinh nghiệm xã hội theo cả con đường chính thống và không chính thống. Tức là không phải chỉ qua những bài giảng, các phương tiện thông tin đại chúng mà cả qua kênh giao tiếp cá nhân.

4. Thông tin đại chúng

Báo, đài, vô tuyến truyền hình, và các loại phương tiện thông tin đại chúng khác. Các phương tiện thông tin đại chúng là một phương tiện cung cấp thông tin chủ yếu cho các cá nhân. Đồng thời chúng cũng là các công cụ giải trí phổ biến. Chính thông tin đại chúng sẽ cung cấp cho các cá nhân những định hướng và các quan điểm đối với các sự kiện và những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.

  • Trong lĩnh vực xã hội hoá, thông tin đại chúng có tính hai mặt. Một mặt nó tăng cường ý nghĩa của các giá trị, chuẩn mực văn hoá cũng như các giá trị tri thức khoa học đa dạng và bổ ích thông qua các chương trình giáo dục, qua các nội dung giáo dục được truyền đi. Mặt khác, các phương tiện này cũng có thể làm méo mó, lệch lạc việc tiếp nhận các giá trị thông tin qua các chương trình không lành mạnh do tính thương mại hoặc thiếu thận trọng của người lập chương trình.