LÝ DO LỰA CHỌN CON ĐƯỜNG BINH NGHIỆP CỦA HỌC VIÊN SĨ QUAN TRONG CÁC HỌC VIỆN, NHÀ TRƯỜNG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY

Thân Trung Dũng[*]

 Sự lựa chọn nghề nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trong đối với mỗi thanh niên khi học xong trung học phổ thông. Đôi khi sự lựa chọn nghề nghiệp có ảnh hưởng lớn đến sự thành công hay thất bại của cuộc đời một con người. Có nhiều lý do khác nhau để thanh niên lựa chọn cho mình một ngành học, một nghề để theo học và gắn bó với nó suốt cuộc đời. Theo đó, cũng có nhiều lý do khác nhau dẫn dắt những người thanh niên lựa chọn nghề nghiệp quân sự. Bài viết sẽ tập trung phân tích những lý do khiến người thanh niên lựa chọn nghề nghiệp quân sự? Những lý do lựa chọn đó có ảnh hưởng gì đến sự ổn định, yên tâm và gắn bó với nghề nghiệp quân sự của người học viên sĩ quan? dựa trên dữ liệu khảo sát 800 học viên sĩ quan tại: Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Chính trị, Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Hậu cần trong luận án tiến sĩ chuyên ngành xã hội học: “Định hướng giá trị nghề nghiệp (ĐHGTNN) của học viên sĩ quan trong các học viện, nhà trường quân đội khu vực phía bắc hiện nay” bằng phương pháp nghiên cứu xã hội học do tác giả bài viết thực hiện.

12278918_923101484410128_6789011965626210181_n

Học viên, sinh viên Học viện Hậu cần chụp ảnh kỷ yếu

1. Những lý do lựa chọn con đường binh nghiệp của nhóm học viên sĩ quan

Thứ nhất, lựa chọn con đường binh nghiệp do yêu thích nghề bộ đội

Có tới 60.8% người trả lời lựa chọn nghề binh nghiệp do “Vinh dự, tự hào là người sĩ quan quân đội”. Tuy nhiên, chỉ có 26.0% học viên lựa chọn “Nghề phù hợp với hứng thú, sở thích cá nhân. Sự yêu thích NNQS cũng xuất phát từ chỗ đó là một nghề trong những nghề cao quý – một “Nghề được xã hội coi trọng”: 28.5%. Trong nhiều cuộc trao đổi với học viên sĩ quan chúng tôi đều ghi nhận được những tình cảm rất trân trọng khi nói về sự yêu thích, đam mê và mơ ước được khoác trên mình màu xanh áo lính. Hình ảnh màu xanh áo lính, ngôi sao vàng năm cánh trên mũ và cao hơn nữa là hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ đã để lại nhiều tình cảm trong lòng nhân dân nói chung và cho những thí sinh chuẩn bị thi vào các trường cao đẳng, đại học nói riêng. Những hình ảnh đó đã tạo động lực thúc đẩy các thí sinh đăng ký và thi vào các học viện, nhà trường quân đội. Sự yêu thích và những tình cảm về Bộ đội Cụ Hồ đã tạo ra động lực và sự quyết tâm thi bằng được vào các học viện, nhà trường quân đội. Sự yếu mến, khát khảo được trở thành sĩ quan quân đội sẽ là cơ sở quan trọng cho sự ổn định nghề nghiệp trong suốt quá trình học tập, rèn luyện và công tác sau này ở học viên sĩ quan.

Thứ hai, bản thân có năng khiếu, sở trường quân sự

Chỉ có 11.5% thi vào các học viện, nhà trường quân đội do thấy “Bản thân có sở trường, năng khiếu quân sự”; 26.0% cho rằng “Nghề phù hợp với sức khỏe và trình độ”. Phải chăng trước khi thi vào các học viện, nhà trường quân đội thí sinh chưa tìm hiểu nhiều về NNQS. Trong thực tế, nhiều học viên khi vào học tại các học viện, nhà trường quân đội mới thấy nghề này thực sự vất vả, gian khổ, một số học viên do không đủ sức khỏe đã phải xin ra quân hoặc bị bắt buộc ra quân. Việc tìm hiểu các đặc trưng của NNQS trước khi đăng ký thi vào các học viện, nhà trường quân đội sẽ giúp thí sinh suy nghĩ  xem mình có phù hợp với nghề nghiệp này hay không, tránh tình trạng bị “sốc” khi vào học tại các học viện nhà trường quân đội. Bên cạnh đó, việc nắm bắt được khả năng, năng khiếu quân sự của các HVSQ trong quá trình học tập, rèn luyện có ý nghĩa hết sức quan trọng nó giúp cho người chỉ huy đơn vị, cơ quan tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân và tổ chức trong việc bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện phát triển tài năng quân sự. Vấn đề là các tổ chức cần phát hiện sớm những khả năng, năng khiếu quân sự của HVSQ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, có hiệu quả thiết thực.

12803108_983263861727223_9004215943507699013_n

Thứ ba, do muốn noi theo truyền thống cách mạng của dân tộc, gia đình, dòng họ.

50.4 % người được hỏi đã lựa chọn con đường bình nghiệp vì “Lòng tự hào dân tộc, truyền thống chống ngoại xâm BVTQ”; 50.0%  do “Lòng yêu nước” và 22.0% do “Theo truyền thống của gia đình”; chỉ báo “theo lời khuyên của bố mẹ” được lựa chọn với tỉ lệ 42.5%. Những số liệu trên đã phản ánh ảnh hưởng của truyền thống cách mạng dân tộc, truyền thống gia đình đến hành vi lựa chọn đăng ký và thi vào các học viện, nhà trường quân đội để trở thành SQQĐ. Những cuộc trao đổi trực tiếp với học viên cho chúng tôi thêm chắc chắn rằng, truyền thống cách mạng dân tộc và gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình lựa chọn và thi vào các học viện, nhà trường quân đội của nhóm thanh niên học sinh. Trong những gia đình có người làm việc trong quân đội thì sự ảnh hưởng đó càng mạnh mẽ hơn. Khi đã trở thành SQQĐ những động viên tinh thần từ gia đình vẫn có ảnh hưởng rất lớn tới sự yên tâm, ổn định vững chắc NNQS của HVSQ. Việc lựa chọn thi vào các học viện, nhà trường quân đội theo truyền thống cách mạng của dân tộc, gia đình, dòng họ là nhân tố, điều kiện thuận lợi cho quá trình phấn đấu, rèn luyện, học tập, công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao ở nhóm HVSQ. Đồng thời khẳng định truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc ta đã và đang được các thế hệ HVSQ, SQQĐ nhân dân Việt Nam gìn giữ và phát triển.

Thứ tư, những lý do thuộc về ý thức trách nhiệm chính trị – xã hội đối với quê hương, đất nước.

69% học viên sĩ qua lựa chọn nghề nghiệp quân sự doMuốn góp phần vào sự nghiệp xây dựng và BVTQ, xây dựng quân đội. Có sự khác biệt về tỷ lệ lựa chọn chỉ báo này ở các nhóm sĩ quan khác nhau. Những số liệu thu được cho thấy, nhiều học viên đã lựa chọn đi theo con đường binh nghiệp do ý thức, trách nhiệm chính trị đối với quê hương, Tổ quốc. Họ nhận thức sâu sắc nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng, và BVTQ, trong sự nghiệp xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Điều đó được thể hiện qua những hành động tích cực trong học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực nghề nghiệp, luôn có khát vọng vươn lên, thể hiện lòng yêu mến, gắn bó với NNQS. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu chúng tôi thấy rằng, một số học viên do chưa nhận thức được những đòi hỏi, yêu cầu, những giá trị đặc trưng của nghề nghiệp quân sự nên đã bị “sốc” với quá trình học tập, rèn luyện vất vả, gian khổ trong quân đội. Có học viên đã phải làm đơn xin ra quân hoặc buộc phải ra quân vì không đủ sức khỏe trong quá trình học tập, rèn luyện. Thậm chí, ở một số học viên vẫn tồn tại ý nghĩ lệch lạc cho rằng, vào quân đội để được thăng quan, tiến chức, để kiếm được nhiều tiền cho nên khi vào học tại môi trường quân đội tìm hiểu thấy nghề nghiệp quân sự không kiếm được nhiều tiền như họ tưởng nên đã làm đơn xin ra quân, đơn vị không cho ra quân thì sẵn sàng vi phạm kỷ luật để ra quân. Vấn đề này cần được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các cấp, các ngành, các cơ sở đào tạo cũng như sự quan tâm sâu sát của chỉ huy đơn vị quản lý học viên.

26022016vietcuong10

            Thứ năm, những lý do thuộc về yếu tố kinh tế và cuộc sống

20.9 % người trả lời cho biết họ lựa chọn nghề nghiệp quân sự là vì “Không có điều kiện để học ở các trường ngoài quân đội”. Điều kiện ở đây được hiểu là điều kiện vật chất, khả năng chi trả cho các khoản chi phí trong quá trình đào tạo. 40.9% lựa chọn thi vào quân đội là do “Có việc làm ngay trong biên chế Nhà nước”. Đối với nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh khu vực nông thôn, miền núi khi tốt nghiệp trung học phổ thông thì việc lựa chọn thi vào ngành nào, nghề nào không chỉ tuỳ thuộc vào sở thích, năng khiếu, sở trường, lực học… mà còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình cần có để theo đuổi nghề nghiệp ấy. Vì thế thi vào các nhà trường quân sự là sự lựa chọn của nhiều học sinh khu vực nông thôn. Bởi lẽ, vào học trường quân sự, học viên sẽ được chu cấp kinh phí học hành và khi ra trường cũng không phải lo xin việc. Như vậy, yếu tố kinh tế và cuộc sống có ảnh hưởng không nhỏ tới việc lựa chọn NNQS. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng và phổ biến thì không ít gia đình, đặc biệt là gia đình ở nông thôn, miền núi còn nghèo và những bất cập trong tìm kiếm việc làm đã chi phối động cơ lựa chọn nghề nghiệp của con em họ. Với những gia đình kinh tế khó khăn thì việc định hướng, lựa chọn cho con em của mình thi vào các học viện, nhà trường quân đội là sự lựa chọn hợp lý vì ở đó học viên được hỗ trợ kinh phí học tập, không phải đóng học phí, ra trường được phân công, sắp xếp công việc. Tuy nhiên, nếu việc lựa chọn nghề nghiệp mà chỉ quan tâm đến yếu tố kinh tế mà không quan tâm đến các yếu tố về sở thích, năng khiếu, sở trường thì sẽ làm hạn chế việc phát triển mọi khả năng của thanh niên trong quá trình giáo dục, đào tạo. Mặt khác, cũng cần phải dè chừng với những tính toán, so đo có thể làm ảnh hưởng tới mức độ yên tâm, ổn định NNQS xuất phát từ nhóm lý do này.

  1. Đôi lời kết luận

HVSQ lựa chọn con đường binh nghiệp với nhiều lý do khác nhau, mỗi lý do có vị trí, vai trò, ý nghĩa khác nhau nhưng có mối liên hệ biện chứng với nhau tạo nên những động cơ thúc đẩy họ quyết tâm lựa chọn NNQS và gắn bó cả đời với nó. Quá trình lựa chọn NNQS là quá trình nhận thức, cân nhắc, tính toán và lựa chọn những giá trị chính trị – kinh tế – xã hội. Sự lựa chọn đó dựa trên sự hài hoà giữa giá trị chính trị – xã hội và lợi ích kinh tế, trong đó giá trị chính trị – xã hội vẫn luôn được đề cao. Việc tạo ra những động cơ tích cực lựa chọn NNQS sẽ là điều kiện khá thuận lợi để họ phấn đấu, trưởng thành và góp phần vào xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh, chính quy, hiện đại.

Những lý do lựa chọn NNQS của nhóm HVSQ đã phản ánh những định hướng giá trị xã hội, định hướng NNQS từ gia đình, nhà trường và xã hội. Các lý do lựa chọn con đường binh nghiệp mang cả sắc thái về vật chất, tinh thần và ý nghĩa chính trị – xã hội. Song nổi lên là tình cảm yêu thích quân đội, nó tạo thành động cơ quan trọng ban đầu thúc đẩy người thanh niên lựa chọn con đường binh nghiệp. Tuy nhiên, cũng do những hoàn cảnh và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những học viên xuất thân từ các vùng nông thôn còn nghèo đã có động cơ vào quân đội nhằm đáp ứng nhu cầu công việc và ổn định đời sống cũng cần được trân trọng, như là một lựa chọn thích hợp để lập nghiệp, lập thân.

Những lý do lựa chọn NNQS phù hợp với sở thích, năng khiếu sở trường chưa được người thanh niên quan tâm nhiều khi lựa chọn NNQS nên có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng quá trình giáo dục đào tạo cũng như sự yên tâm, ổn định, gắn bó với nghề ở người học viên.

Tài liệu tham khảo

  1. Thân Trung Dũng (2015), “Định hướng giá trị nghề nghiệp của học viên sĩ quan trong các học viện, nhà trường quân đội hiện nay, luận án tiến sĩ Xã hội học, Học viện Khoa học Xã hội.
  2. Phạm Xuân Hảo (2003), Định hướng giá trị chính trị – xã hội cho đội ngũ học viên đào tạo sĩ quan hiện nay.
  3. Nguyễn Quang Uẩn, Nguyễn Thạc và Mai Văn Trang (1995), Giá trị – Định hướng giá trị nhân cách và giáo dục giá trị, Hà Nội, Hà Nội.
  4. Viện Xã hội học (1990), “Xã hội học – Chuyên đề về cơ cấu xã hội và định hướng giá trị, Tạp chí Xã Hội Học. Số 4.

 

[*] Thạc sĩ Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức – ITCD, 0965611555. Email: thantrungdung@gmail.com.

Nguồn: Tạp chí Thanh niên, số 45, 24/12/2015