Chọn nghề hay nghề chọn?
Thỉnh thoảng tôi nhận được những câu hỏi tìm hiểu về nghề khảo cổ. Phần lớn những câu hỏi này bắt nguồn từ thông tin trên báo chí về những phát hiện khảo cổ học và thường kết thúc bằng câu: “Vì sao chị là phụ nữ mà lại đi theo nghề… đào bới?”. Những câu hỏi như thế luôn làm tôi phải suy nghĩ: Vì sao và từ khi nào chúng ta mặc định nghề này của nam giới, nghề kia của phụ nữ? Người trẻ có bị những định kiến xã hội hướng dẫn chọn nghề hay không? Và yếu tố nào là quyết định khi người trẻ chọn nghề?
Khi còn học trung học, tôi lần lượt thích các ngành khác nhau do mỗi năm học lại thích các môn học khác nhau. Lúc đó chẳng có khái niệm “hướng nghiệp“, cũng chẳng có ai tư vấn cho chúng tôi theo con đường nào trong những năm dài phía trước.
Mọi việc dường như đơn giản hơn bây giờ. Có lẽ vì mức sống của cả xã hội hầu như không có sự chênh lệch lớn giữa các ngành nghề.
Tuy nhiên, từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, cơ cấu kinh tế xã hội đã thay đổi. Kinh tế tư nhân phát triển, các ngành dịch vụ và nhiều nghề mới xuất hiện… Nhu cầu xã hội thay đổi nhanh nhưng việc đào tạo ngành nghề lại chậm thay đổi.
Rồi các trường ào ào mở thêm những ngành mới: luật, marketing, tin học; hàng loạt trường mới ra đời: ngân hàng, ngoại ngữ, tin học, ngoại thương, du lịch…; con cái các gia đình khá giả đua nhau đi nước ngoài học về thời trang, quản lý nhà hàng – khách sạn, truyền thông…, toàn những ngành rất có triển vọng nên hút các bạn trẻ lao vào học.
Mục tiêu đầu tiên và rất rõ ràng là học những ngành dễ kiếm tiền, làm việc ở doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước không quan trọng. Rồi mục tiêu ở mức cao hơn: học để mở công ty hay để tiếp tục quản lý công ty của gia đình; học để làm cho công ty nước ngoài hay ở lại nước ngoài làm việc.
Học những ngành có thu nhập cao lúc này phần lớn là những ngành kinh tế. Những mục tiêu này khiến các bạn trẻ phải nỗ lực nhiều, phải có kiến thức thật sự, phải giỏi ngoại ngữ, giỏi kỹ năng sống; các bạn phải năng động hơn, bản lĩnh hơn vì trước mắt là môi trường cạnh tranh về công việc. Và nhiều bạn đã thành công do thích ứng được với môi trường sống mới.
Những mục tiêu này cũng khiến nhiều bạn trẻ luôn bị sức ép từ sự kỳ vọng của gia đình, từ việc “chạy sô” học thêm từ thời phổ thông đến những năm đại học, chưa kể phải đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm để có thể dễ dàng hơn khi xin việc.
Cũng từ lúc này, việc phân biệt nam, nữ với ngành nghề đã có sự thay đổi, nữ có khả năng kiếm việc làm nhiều hơn trước, thậm chí nhiều nghề chỉ tuyển “nữ có ngoại hình”.
Những ngành xã hội nhân văn, kể cả sư phạm, bị xếp vào cuối bảng lựa chọn, nguyên nhân đơn giản: khó xin việc làm, có việc thì lương thấp, mà lương thấp thì khó sống, khó lập gia đình, khó thăng tiến…, nói chung là khó đủ thứ. Thậm chí, bạn trẻ nào muốn học những ngành này cũng… khó ăn khó nói với gia đình, bạn bè.
Vậy nên, tuy có “hướng nghiệp” nhưng vẫn là “hướng” các bạn trẻ vào những “nghiệp” căn cứ theo nhu cầu của xã hội, nhu cầu vật chất của cuộc sống. Mặc nhiên cả xã hội, nhà trường, gia đình đều coi “kiếm tiền” là yếu tố quan trọng nhất của việc chọn ngành nghề, tuy không ít người dạy các em “hô những khẩu hiệu đầy tính giáo dục lý tưởng”.
Sở thích cá nhân, năng lực bẩm sinh, xu hướng tự nhiên… của mỗi con người hầu như bị bỏ qua, không được tôn trọng. Đây chính là một di chứng của xã hội “bao cấp”, chỉ thấy đám đông mà không biết từng cá nhân.
Cá tính, sở trường cá nhân không có điều kiện vận dụng vào nghề nghiệp vì không được phát hiện, có khi còn phải quên đi, dẹp bỏ vì phải sống cho người khác.
Không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến việc những em bé bẩm sinh thuận tay trái luôn bị người lớn gò ép sử dụng tay phải “như mọi người”, một sự cưỡng ép tưởng là mang lại điều tốt nhưng thật ra là “giết chết” sự riêng biệt độc đáo của mỗi người.
Quay trở lại chuyện nghề khảo cổ. Khi nghe câu hỏi trên, tôi thật tình trả lời: Nghề nào cũng có những đặc thù riêng. Hầu hết những người theo nghề khảo cổ, nam hay nữ, đều do yêu thích công việc này, và khi đã theo nghề rồi thì quen dần và chấp nhận những khó khăn vì đó là “nghiệp” của mình.
Nhưng không thể phủ nhận, làm nghề nào cũng cần có tố chất phù hợp với nghề đó. Với nghề khảo cổ là sự say mê những chuyến đi, tỉ mỉ trong công việc và cần có tính đồng đội cao.
Nếu bạn nào thích nghề khảo cổ thì cứ theo học vì đây là ngành học rất thú vị! Thú vị vì được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều. Tuy có vất vả thật đấy nhưng các bạn nữ làm khảo cổ vẫn “điệu” và rất nữ tính.
Khuyên ai theo một nghề nào đó giống như mình đang “làm mai” vậy. Tôi không nghĩ một công việc hấp dẫn là một công việc nhàn nhã hay kiếm được nhiều tiền. Quan trọng là các bạn hãy tự hỏi mình yêu thích nghề nào, vì sao?
Mỗi nghề có sự hấp dẫn riêng cũng như khó khăn riêng, nếu thích thú thì cứ làm và đừng nghĩ, đừng cho rằng mình phải “hy sinh” vì nghề nghiệp. Nghề nào cũng vậy, nếu làm tốt thì mình đã được thêm nhiều thứ: thỏa mãn sự ham mê, có thêm kiến thức, thêm hiểu biết, cuộc sống sẽ phong phú hơn, và quan trọng nhất là mình được sống thật với con người mình.
- KHẢO CỔ NGUYỄN THỊ HẬU
Nguồn: Kênh Hướng Nghiệp (Tổng hợp và chia sẻ)