ĐỘNG CƠ HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN DÂN SỰ Ở HỌC VIỆN HẬU CẦN HIỆN NAY

Thạc sĩ THÂN TRUNG DŨNG*

Trong hoạt động học tập, động cơ học tập (ĐCHT) luôn giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy hoạt động nhận thức giúp sinh viên (SV) chiếm lĩnh tri thức hình thành các kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp. Động cơ học tập đúng đắn hay lệch lạc không chỉ tác động đến kết quả học tập mà còn tác động đến quá trình phát triển, hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Đa số SV hệ dân sự ở Học viện Hậu cần (HVHC) có nhận thức đúng đắn về mục tiêu, yêu cầu đào tạo, có ĐCHT tích cực. Tuy nhiên, một bộ phận SV vẫn có biểu hiện ngại học, ngại rèn, ĐCHT không rõ ràng, cá biệt có SV tham gia vào các hiện tượng tiêu cực xã hội như chơi lô đề, cá độ, chơi games online …ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Do đó, nghiên cứu ĐCHT của SV sẽ góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về ĐCHT để tìm gia các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo SV dân sự ở HVHC giai đoạn hiện nay.

sv2

Nữ sinh Học viện Hậu cần

Kết quả khảo sát 240 phiếu định lượng ở SV dân sự hai chuyên ngành Kế toán và Tài chính các khoá 1, 2 và 3 cho thấy, cả 4 loại ĐCHT của SV đều được lựa chọn ở mức độ quan trọng với tỷ lệ cao trên 50%, chỉ riêng động cơ nhận thức khoa học được lựa chọn với tỷ lệ thấp nhất là Động cơ tự khẳng định chiếm 63,1%, tiếp đến là Động cơ nghề nghiệp: 60,5%; động cơ xã hội là 55,2%. Như vậy, theo đánh giá của bản thân SV, hoạt động học tập của họ được thúc đẩy khá mạnh bởi 4 loại ĐCHT trên. Có sự chênh lệch về mức độ thúc đẩy giữa các loại ĐCHT song sự chênh lệch là không lớn. Dưới đây là kết nghiên cứu từng loại động cơ:

Động cơ tự khẳng định:

Trong 4 loại ĐCHT, động cơ tự khẳng định là lực thúc đẩy mạnh nhất hoạt động học tập của SV với 63,1% người trả lời lựa chọn ở mức độ quan trọng; 33,4% chọn ở mức bình thường.

Hầu hết SV đã nhận thức được rằng, để khẳng định được bản thân cần không lệ thuộc vào người khác, có năng lực làm việc tốt, có kết quả học tập cao, không thua kém bạn bè. Có tới 80,8% SV đồng ý với chỉ báo tôi cố gắng học tập để sau này có năng lực làm việc tốt; 80,0% lựa chọn: cố gắng học tập vì không muốn trong cuộc sống sau này bị lệ thuộc vào người khác; 74,2% cho rằng, xác định phải học tập tốt vì điều đó sẽ giúp thăng tiến nhanh trong xã hội sau này. Trong khi đó, các chỉ báo: cố gắng học vì không muốn thua kém bạn bè; cố gắng học vì không muốn mình là người học dốt trong lớp; được lựa chọn ở mức độ đồng ý thấp hơn tương ứng: 49,2 %; 56,7%. Tuy nhiên, bên cạnh những biểu hiệu, những hành động tích cực trong học tập, vẫn có một bộ phận SV có tâm lý học cho qua, chỉ hoàn thành nhiệm vụ học tập khi có sự nhắc nhở của giáo viên, cán bộ quản lý học viên. Thậm chí, có một số SV thường xuyên bỏ học, đi học muộn, bỏ tiết, kết quả học tập không cao.

Trong quá trình học tập, phần lớn SV (60%) rất vui khi hoàn thành các nhiệm vụ học tập khó. Một vấn đề rất đáng quan tâm đối với SV là thành tích học tập và nghiên cứu khoa học. Nó là minh chứng rõ nét nhất về năng lực học tập của cá nhân. Thành tích học tập tốt sẽ đem lại nhiều cảm xúc tích cực cho SV, kích thích họ nỗ lực hơn nữa trong học tập. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu thu được chỉ có 36,7% thấy tự hào về thành tích học tập cao của mình. Phải chăng SV dân sự ở HVHC chưa thực sự hài lòng với kết quả học tập của mình. Họ còn phải cố gắng học tập, rèn luyện hơn nữa để nắm chắc kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ của mình. Đây là vấn đề cần quan tâm nghiên cứu.

Động cơ nghề nghiệp:

Sinh viên dân sự không chỉ nhận thức tốt về động cơ nghề nghiệp mà còn có những hành động học tập cụ thể để hiện thực hoá nhận thức. Động cơ nghề nghiệp thúc đẩy mạnh hoạt động học tập của SV dân sự. Có tới 75,8% SV tham gia khảo sát thích tìm hiểu những vấn đề liên quan tới nghề nghiệp sau này; 50,8% thường học và đọc thêm tài liệu liên quan tới ngành nghề tôi đang học. Theo ước tính của các nhà khoa học, 2/3 kiến thức của cuộc đời được tích luỹ chủ yếu trong thời gian học đại học của SV. Điều này có nghĩa là thường xuyên đọc thêm tài liệu tham khảo là cách thức tốt nhất để làm gia tăng khối lượng kiến thức tích luỹ trong thời kỳ này. Bên cạnh những hoạt động tìm hiểu những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, có 54,2% SV được hỏi luôn tìm cách vận dụng những kiến thức được học ở trên lớp vào thực tiễn nghề nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những SV ít tham gia hoặc chưa bao giờ thực hiện hành động học tập này: có tới 44,2% SV lựa chọn chỉ báo này ở mức bình thường và 1,7% không đồng ý với chỉ báo này. Đây là vấn đề có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành các kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp ở SV.

Hoạt động tự học, tự nghiên cứu là một phần rất quan trọng trong đời sống SV. Tuy nhiên, chỉ có 47,5% tự nghiên cứu thêm một số môn học mà tôi cho là cần thiết cho nghề nghiệp tương lai của mình, trong khi có tới hơn 1/2 (51,7%) lựa chọn hoạt động này ở mức bình thường và 0,8% không đồng ý với chỉ báo này. Có thể thấy, hoạt động tự học, tự nghiên cứu dường như chưa được SV quan tâm thực hiện nhiều. Chỉ có 39,2% đồng ý với chỉ báo thường xuyên hỏi thêm giáo viên và bạn học về những kiến thức liên quan đến ngành học mà tôi chưa hiểu rõ. Số SV còn lại 55,8% lựa chọn chỉ báo này ở mức bình thường và có đến 5,0% không đồng ý với chỉ báo này.

Nhìn chung các biểu hiện về nhận thức, thái độ của động cơ nghề biểu hiện rõ nét hơn so với các biểu hiện của các hành động học tập. Đa số SV tham gia khảo sát luôn tìm cách vận dụng những kiến thức được học vào thực tiễn nghề nghiệp, song vẫn có một bộ phận SV chưa thực sự quan tâm đến việc áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Với SV, hoạt động thực hành được thực hiện thường xuyên sẽ giúp cho quá trình hình thành kỹ năng, kỹ xảo được tốt hơn, qua đó hiểu và nắm vững những kiến thức lý thuyết hơn. Tuy nhiên, hoạt động tự học, tự nghiên cứu dường như chưa được SV quan tâm thực hiện nhiều, một số SV hệ dân sự ở HVHC còn thụ động, chưa tích cực tận dụng mối quan hệ với giảng viên để học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp. Phải chăng SV chưa thực sự tích cực trao đổi trong học tập hay giữa SV và giáo viên có rào cản nào đó khiến SV ngại hỏi, ngại trao đổi với giáo viên về những kiến thức liên quan đến ngành học của mình. Những SV có động cơ nghề cao thường tích cực học tập, rèn luyện tay nghề và nghiên cứu khoa học. Ngược lại, những SV có động cơ nghề chưa cao thường là những SV không tham gia đầy đủ và tích cực vào các buổi học lý thuyết và thảo luận/thực hành, thường nghỉ học, bỏ tiết hoặc học đối phó.

sv1

Sinh viên dân sự HVHC chụp ảnh kỷ niệm

Động cơ xã hội:

Động cơ học tập để mưu sinh như: học để sớm xin được việc làm tốt, cố gắng học để sau này kiếm được nhiều tiền… là lực thúc đẩy mạnh mẽ SV học tập. Đa số SV tham gia khảo sát (80%) đồng ý với ý kiến cho rằng cố gắng học tập tốt để có thể sớm xin được việc làm. 74,2% đồng ý với chỉ báo cố gắng học để sau này có điều kiện kiếm được nhiều tiền. 75% SV đồng ý với chỉ báo: học đại học giúp tôi có điều kiện tìm được việc làm tốt. 60% đồng ý với ý kiến cho rằng, luôn tìm mọi cách để có được tấm bằng đại học loại khá trở lên. 45,8% người trả lời đồng ý với ý kiến cho rằng, nỗ lực học tập để có kết quả học tập cao vì tôi muốn làm việc ở các thành phố lớn sau khi tốt nghiệp.

Có tới 73,3% SV đồng ý với ý kiến cố gắng học tập vì không muốn bố mẹ buồn; 22,5% lựa chọn tiêu chí này ở mức bình thường; 4,2% không đồng ý với tiêu chí này. Mặc dù SV là lứa tuổi đang bước vào giai đoạn hoàn thiện về nhân cách, có khả năng tự chủ cao và có kế hoạch cho tương lai của mình nhưng SV vẫn chịu sự tác động về quan hệ tình cảm với người thân trong gia đình song mức độ chi phối là không nhỏ: Chỉ có 27,5% SV đồng ý với quan điểm cố gắng học tập vì không muốn bố mẹ và giáo viên nhắc nhở. Cũng chính bởi tính chủ động và ham muốn khẳng định mà SV cũng ít chịu sự tác động của cha mẹ, giáo viên và bạn bè. Chỉ có 35% người trả lời đồng ý với chỉ báo: sự khen ngợi của bố mẹ, giáo viên và bạn bè về thành tích học tập khiến SV học tốt hơn.

25.8% SV nỗ lực học tập nhằm nhận được học bổng. Trong trường đại học, học bổng là phần thưởng dành cho những SV có kết quả học tập và rèn luyện tốt. Đồng thời với nhiều SV học bổng còn giúp họ có thêm điều kiện để chi phí tiền sách vở, tài liệu học tập. Học bổng đã trở thành nguồn động viên, khích lệ nhiều SV nỗ lực học tập.

Như vậy, ĐCHT để mưu sinh: học để sớm xin được việc làm tốt, cố gắng học để sau này kiếm được nhiều tiền… là lực thúc đẩy mạnh mẽ SV học tập. Việc SV có các mục đích học tập như trên đã phản ánh đúng xu hướng biến đổi định hướng giá trị của giới trẻ hiện nay. Họ có nhu cầu cao hơn về vật chất, tinh thần và mục đích học tập của họ cũng là để thoả mãn những nhu cầu vật chất rất cơ bản đó của con người.

Các biểu hiện tích cực trong động cơ xã hội của SV bao gồm sự tự ý thức về vai trò, trách nhiệm của cá nhân đối với gia đình và xã hội để có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn (bằng cấp tốt, thu nhập cao, vị trí xã hội mong muốn) thúc đẩy mạnh hoạt động học tập của SV. Còn các biểu hiện tiêu cực như học đối phó, học vì chiều lòng bố mẹ đã tác động tới hoạt động học tập của một bộ phận không nhỏ SV.

 Động cơ nhận thức khoa học:

Động cơ nhận thức khoa học được lựa chọn với tỷ lệ thấp nhất, chỉ có 45,0% người trả lời lựa chọn động cơ này ở mức độ quan trọng. 49,9% đánh giá động cơ này ở mức bình thường; 5,1% không đồng ý với động cơ này. Kết quả bước đầu cho thấy, nhu cầu học tập, khám phá kiến thức, sự tò mò, tính ham hiểu biết và niềm tin của SV vào các giá trị to lớn của các tri thức khoa học thúc đẩy hoạt động học tập của phần lớn SV ở mức bình thường. So với các động cơ khác, động cơ nhận thức khoa học thúc đẩy hoạt động học tập của SV đại học dân sự ở HVHC yếu hơn cả. Điều này trái với quan niệm của nhiều người rằng, đối với SV động cơ nhận thức khoa học là một trong những động cơ có tác động mạnh nhất đến hoạt động học tập của họ.

Về nhận thức, có 49,2% đồng ý với chỉ báo nắm vững kiến thức của các môn học cơ sở đã giúp tôi học và giải quyết tốt những bài tập thuộc chuyên ngành của mình; 45,0% cho rằng, nắm vững kiến thức giúp tôi hiểu và lý giải được những gì đang xảy ra xung quanh mình. Đánh giá của người trả lời về hai chỉ báo này ở mức độ bình thường có tỷ lệ tương ứng là: 51,7% và 49,0%. Những số liệu thu được từ khảo sát cho thấy, nhận thức của SV về hoạt động học tập ở trường đại học (tiếp thu kiến thức khoa học, lý giải các hiện tượng quá trình xã hội) còn hạn chế.

 Chính nhận thức về hoạt động học tập của SV đại học hệ dân sự ở HVHC chưa cao nên thái độ của họ đối với việc học tập chưa thực sự tốt. Chỉ có 34,2% SV tham gia khảo sát rất thích tìm hiểu và tìm lời giải đáp cho những vấn đề mà giáo viên nêu ở trên lớp; 40,0% thích tham gia những hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của SV. Có tới hơn 50% SV cho rằng những hoạt động kể trên là bình thường; thậm chí có đến 12,5% SV không đồng ý, không thích tham gia những hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học của SV .

60% SV đồng ý với chỉ báo dành nhiều thời gian cho việc học tập và nghiên cứu những vấn đề đang học. Trong khi đó có tới 38,3% lựa chọn chỉ báo này ở mức bình thường; 1,7% không đồng ý với chỉ báo này. Như vậy, những số liệu thu được vẫn chia SV tham gia khảo sát thành hai nhóm cơ bản: nhóm tích cực dành thời gian cho việc học tập nghiên cứu những vấn đề đang học (60%) và nhóm thứ hai là những SV không quan tâm đến việc dành thời gian cho viên nghiên cứu những vấn đề đang học. Để nắm vững các kiến thức chuyên ngành SV phải học rất nhiều học phần kiến thức khác nhau. Mỗi học phần này có nội dung kiến thức lý thuyết và thực hành lớn.

48,3% SV thường suy nghĩ và tìm hiểu thêm những vấn đề giáo viên nêu ra mà mình chưa hiểu rõ; tuy nhiên cũng có đến 51,7% lựa chọn ý kiến này ở mức bình thường. Nghĩa là vẫn có trên ½ số SV tham gia khảo sát không thường xuyên suy nghĩa và tìm hiểu về những vấn đề chưa rõ mà giáo viên nêu ra.

Nghiên cứu khoa học là một hình thức học tập rất có hiệu quả đối với SV.Song, qua khảo sát cho thấy, cùng với việc thực hiện các hành động học tập trên lớp và ở nhà có 38,3% SV đồng ý với chỉ báo luôn tận dụng để được tham gia nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ chọn ở mức bình thường ở chỉ báo này là 52,5%; có đến 9,2% không đồng ý với chỉ báo này.

Như vậy, nhu cầu học tập, khám phá kiến thức, sự tò mò, tính ham hiểu biết và niềm tin của SV vào các giá trị to lớn của các tri thức khoa học thúc đẩy hoạt động học tập của phần lớn SV ở mức bình thường. Trong học tập có một bộ phận SV chưa có những biểu hiện tích cực về động cơ nhận thức khoa học. Đó là những SV ít chủ động, tự giác học tập, học đối phó, khả năng tự học chưa cao. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này, song nguyên nhân chủ yếu là tính tích cực của SV chưa cao, bên cạnh đó, SV còn ngại khó, sợ thiếu kỹ năng trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học. Với những SV có các biểu hiện tích cực về loại động cơ này, nhìn chung họ thường chủ động, sáng tạo trong học tập. Họ thường là những SV có kết quả học tập cao. Vì vậy, trong dạy học, làm gia tăng các biểu hiện tích cực trong động cơ nhận thức khoa học ở SV sẽ là một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học.

Khi tìm hiểu nhận thức và những biểu hiện của động cơ nhận thức khoa học ở SV theo năm học thấy có sự khác biệt đáng kể ở các chỉ báo. Ở mỗi chỉ báo khác nhau thì SV năm thứ nhất, năm thứ hai và năm thứ ba có sự lựa chọn với các tỷ lệ khác nhau.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, những yếu tố khách quan có ảnh hưởng đến ĐCHT của SV như: Gia đình; môi trường xã hội; môi trường học tập trong đó môi trường học tập là yếu tố có tác động mạnh nhất đến ĐCHT của SV. Những yếu tố chủ quan tác động mạnh đến ĐCHT của SV như: Hứng thú với ngành học; niềm tin vào bản thân; tinh thần trách niệm; khả năng kiểm soát bản thân; định hướng giá trị trong đó hứng thú với ngành học và tinh thần trách nhiệm là hai yếu tố có tác động lớn đến ĐCHT của SV dân sự ở HVHC.

Trên cơ sở phân tích thực trạng ĐCHT và những yếu tố ảnh hưởng đến ĐCHT của SV, bài viết đề xuất một số giải pháp cơ bản xây dựng ĐCHT tích cực cho SV hệ dân sự ở HVHC như sau:

Thứ nhất, phát huy tính tích cực, tự giác của sinh viên trong quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện; đồng thời xây dựng môi trường giáo dj thuận lợi, trong sạch, lành mạnh.

Sinh viên trong hoạt động học tập vừa là khách thể, vừa là chủ thể của quá trình giáo dục, đào tạo, là đối tượng chịu sự tác động của quá trình xây dựng ĐCHT, đồng thời là chủ thể tự giáo dục, tự rèn luyện trong xây dựng ĐCHT. Do vậy, muốn xây dựng ĐCHT của SV, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo phải phát huy được tính tích cực, tinh thần tự giác của SV, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện của các tổ chức, các lực lượng trong nhà trường, của cán bộ, giáo viên với quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của SV.

Thứ hai, tăng cường những tác động từ giáo dục gia đình nhằm hình thành động cơ học tập tích cực cho sinh viên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố gia đình có tác động không mạnh tới ĐCHT của SV, song trên thực tế gia đình lại đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một số phẩm chất nhân cách có tác động mạnh tới ĐCHT của SV như tinh thần trách nhiệm, hứng thú với ngành học, niềm tin vào bản thân .v.v… Bên cạnh đó, gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng nghề nghiệp và định hướng trong công việc tương lai. Do vậy, giải pháp tăng cường những tác động từ giáo dục gia đình nhằm hình thành ĐCHT tích cực cho SV đại học hệ dân sự ở HVHC.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp dạy học nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo góp phần xây dựng động cơ học tập tích cực cho sinh viên.

Đây là giải pháp có vị trí rất quan trọng mang tính thực tiễn sâu sắc. Bởi lẽ, để xây dựng được ĐCHT tích cực cho SV trước hết giáo viên phải “truyền” tới người học sự hứng thú, yêu thích môn học, cao hơn nữa là sự yêu thích, hứng thú với ngành nghề mình đã chọn. Sự hứng thú, yêu thích môn học chỉ có được khi người giáo viên lựa chọn được những phương pháp dạy học tích cực. Để có được điều đó đội ngũ giáo viên cần tích cực đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện là những yếu tố cơ bản quyết định đến chất lượng, hiệu quả của quá trình dạy học. Chính vì thế, để nâng cao chất lượng dạy học ở HVHC phải chú trọng đổi mới những yếu tố này.

Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong xây dựng động cơ học tập tích cực cho sinh viên Hệ dân sự.

Đây là giải pháp cơ bản xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả xây dựng ĐCHT tích cực cho SV đại học hệ dân sự ở HVHC. Nó tạo lên sự thống nhất, đồng bộ, môi trường thuận lợi và sức mạnh tổng hợp cho việc xây dựng ĐCHT của SV. Để thực sự phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong xây dựng ĐCHT cho SV, mỗi tổ chức, lực lượng cần lập kế hoạch và thực hiện đúng theo kế hoạch đó. Trong quá trình thực hiện kế hoạch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, lực lượng để hoàn thành mục tiêu chung là xây dựng thành công ĐCHT tích cực cho SV.

Quá trình xây dựng ĐCHT tích cực cho SV chỉ thực sự đạt hiệu quả cao khi có sự tham gia của đông đảo các tổ chức, lực lượng trong học viện hướng tới việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo cáo tổng kết năm học 2009 -– 2010 của Hệ đào tạo dân sự – HVHC, Hà Nội, Ngày 19 tháng 8 năm 2010.
  2. Dương Thị Kim Oanh (2009). Động cơ học tập của sinh viên, Luận án tiến sĩ Tâm lý học, Viện Tâm lý học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
  3. Thân Trung Dũng (2010). Động cơ học tập của sinh viên đại học hệ dân sự ở HVHC hiện nay (Đề tài khoa học cấp HVHC).

Nguồn: Tạp chí Khoa học Hậu cần Quân sự số 43 (70) tháng 2 năm 2012