Sống vô cảm

Cùng với nạn bạo lực và sự suy thoái đạo đức đang có chiều hướng gia tăng thì thói vô cảm cũng đang lây lan nhanh chóng. Ðó là khi tâm hồn con người trở nên trơ lỳ, dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, vô tình với mọi người chung quanh, không có cảm xúc, không có tình thương yêu và sự sẻ chia, giúp đỡ với cộng đồng; biểu hiện cao độ cho lối sống ích kỷ và thực dụng “mạnh ai nấy sống”.

>> Thuốc nam chữa bệnh thận
>> Xử lý số liệu SPSS
>> Cho thuê phòng học – Classroom for lease
>> Tuyển gia sư trên địa bàn thành phố Hà Nội
>> Đăng ký làm gia sư
>> Đăng ký tìm gia sư

600_32e2425126ed0b0715c9276b5aa05eb1

Thói vô cảm đã xuất hiện thường xuyên hơn trong cuộc sống hằng ngày qua sự thờ ơ đến lạnh lùng, bỏ mặc nạn nhân của không ít người trước các vụ tai nạn giao thông thương tâm. Thậm chí khá đông người còn xúm vào xem đánh nhau mà chẳng ai ra tay can ngăn. Cũng chính thói vô cảm đã khiến những em bé, những cụ già tàn tật và nhiều người vợ, người mẹ bị hành hạ tàn nhẫn mà không bị pháp luật trừng trị vì sự tắc trách của các cán bộ chính quyền, đoàn thể, sự ngại ngùng, không muốn phiền phức của những người hàng xóm và tổ dân phố. Không chỉ vậy, thói vô cảm còn hiển hiện ở lối sống vô trách nhiệm trong công việc và trước cộng đồng, không tỏ thái độ hay lên án cái xấu, cái tiêu cực. Ðã có những bác sĩ quên mất đạo đức nghề nghiệp, đánh mất hình ảnh “lương y như từ mẫu” khi mải làm việc riêng, coi thường tính mạng người bệnh, để mặc họ chịu đựng nỗi đau đớn của bệnh tật. Ở các vụ án kinh tế, tham nhũng, có những người sẵn sàng lừa đảo, mưu lợi cá nhân, biển thủ công quỹ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong các dự án theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, rước về công nghệ lạc hậu, đồ phế thải và chỉ khi công trình xuống cấp, đổ vỡ do chất lượng kém thì mọi việc mới vỡ lở.

Ðiều đáng lo ngại hơn khi thói vô cảm, dửng dưng với cái ác, cái xấu đang len lỏi và thể hiện trong lối sống của không ít bạn trẻ. Thật đau lòng chứng kiến hình ảnh và vi-đê-ô clíp khá đông bạn trẻ, trong đó có nhiều nam sinh bàng quan hoặc hào hứng đứng xem cảnh các nữ sinh cùng lớp, cùng trường đánh hội đồng, lột áo một bạn gái và dùng điện thoại di động quay lại rồi đưa lên in-tơ-nét với những lời bình phẩm cổ vũ. Có trường hợp cả lớp chỉ biết đứng nhìn mà không dám lên tiếng hay can ngăn khi một học sinh cá biệt có hành động hỗn xược, hành hung thầy giáo, cô giáo. Gặp những người hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn đáng thương, có người trẻ còn thể hiện sự khinh miệt, xua đuổi và dè bỉu cả những người có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ họ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thói vô cảm, tha hóa đạo đức trong một bộ phận xã hội và giới trẻ hôm nay, nhưng sâu xa hơn là lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng thụ, “sống chỉ biết mình” khi đề cao cái tôi cá nhân lên trên cộng đồng, coi trọng đồng tiền, đã và đang xâm nhập, làm mai một phần nào lối sống giàu tính nhân bản và những giá trị đạo lý truyền thống của dân tộc. Giữa guồng quay nhanh của cuộc sống và sự bao bọc bởi “thế giới ảo” của công nghệ hiện đại, dường như cảm xúc và tâm hồn đang dần bị triệt tiêu. Con người đang dần ít đi sự giao lưu xã hội cần thiết và để mất đi niềm tin vào lòng nhân ái cùng những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Ở nhiều gia đình, cha mẹ đã không có được sự quan tâm, bảo ban con những điều cần thiết trong đối nhân, xử thế, đồng thời, họ lại chiều con quá mức khi đáp ứng mọi thứ, tạo cho giới trẻ ngay từ nhỏ thói quen “chỉ biết nhận mà không biết cho”, ích kỷ và vô tâm trước những người khác và xã hội, dần dần tạo cho giới trẻ cách hành xử lạnh lùng, vô cảm.

Trong cuộc sống hôm nay, không thể có sự xa rời, tách biệt của cá nhân khỏi cộng đồng. Lợi ích chung cũng chứa đựng trong nó lợi ích của mỗi người và ngược lại. Sự mở lòng, quan tâm đến những người chung quanh, đến cộng đồng sẽ cho ta thêm nhiều bạn bè, nhiều mối quan hệ và tình yêu thương. Với mỗi bạn trẻ đang trên ghế nhà trường hay chập chững vào đời, điều quan trọng là tập cho mình cách sống kết nối có trách nhiệm bằng cách thường xuyên tham gia vào những hoạt động mang tính tập thể hoặc các chương trình thiện nguyện vì cộng đồng để học cách quan tâm, sẻ chia và thoát khỏi cái vỏ bọc của lối sống ích kỷ, của thế giới ảo cùng sự phụ thuộc đến mức nô lệ vào công nghệ ngày càng hiện đại, biết sống và biết yêu thương, biết đồng cảm với nỗi đau hay niềm vui của những người chung quanh.

Làm được những điều nêu trên, đòi hỏi vai trò và sự liên kết hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội. Ở đây, mỗi gia đình chính là môi trường đầu đời hình thành nên những cảm xúc yêu thương, lòng nhân ái, giáo dục và trang bị cho trẻ những chuẩn mực đạo đức con người, giúp họ học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ. Khi người lớn sống có trách nhiệm, quan tâm hơn với nhau và hành vi, ứng xử mang tính nhân văn thì đó sẽ là tấm gương để giới trẻ noi theo. Cùng với gia đình, nhà trường nên trang bị cho thanh, thiếu niên những kỹ năng sống thiết thực, biết giúp đỡ mọi người, khơi dậy ở họ lòng nhân ái và tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trước cái xấu và cái ác. Xã hội phải đề cao và tôn vinh những tấm gương sống đẹp, sống có trách nhiệm và nghĩa tình, sẵn sàng xả thân vì cộng đồng; tôn vinh và phát huy các giá trị truyền thống và đạo lý của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”. Có như vậy, lối sống vô cảm trong xã hội mới bị đẩy lùi.

(Theo_Nhân Dân)